Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 26/06/2015 02:44
Hoạt động đối ngoại của triều Lý với nhà Tống trên thế của một quốc gia thống nhất và thịnh đạt

Năm 1009, với sự ủng hộ của các triều thần, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, sáng lập ra triều Lý. Với tầm nhìn xa, trông rộng Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi đã sớm nhận thấy Hoa Lư, kinh đô của nhà Đinh, Tiền Lê chật hẹp, không thuận lợi cho việc giao thương buôn bán, phát triển kinh tế cũng như không phù hợp và tương xứng với vị thế là kinh đô của một quốc gia lớn mạnh nên ông đã quyết định dời đô về thành Đại La, nơi “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Vì một quốc gia thống nhất và thịnh đạt, bên cạnh quyết sách dời đô mang tính lịch sử tiêu biểu này, nhà Lý còn thực thi nhiều sách lược đổi mới trong đó phải kể đến hoạt động đối ngoại.

 
Trận chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đã khép lại một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng toàn diện đất nước. Nhưng phải đến năm 968, khi nhà Đinh thống nhất đất nước, lập nên triều đại mới, nước ta không tồn tại dưới dạng là quận, huyện, chư hầu của Bắc triều nữa mà được thừa nhận là một nước độc lập. Tuy nhiên, các triều đại phong kiến phương Bắc với tư tưởng nước lớn, cùng tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội luôn là nước ngoại bang đáng lo ngại. Với nhà Lý, ngay sau ngày thành lập và định đô Lý Công Uẩn đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Tống. Quan hệ bang giao Đại Việt - Trung Hoa là quan hệ giữa một tiểu quốc với đại quốc. Vì lẽ đó nhà Lý đã xác định được rằng, thiết lập quan hệ bang giao với nhà Tống cũng chính là cách để chính thức hóa sự tồn tại của triều Lý.
 
Hoạt động ngoại giao giữa hai vương triều được tiến hành thông qua các sứ bộ. Việc sai sứ sang Tống của nhà Lý là hoạt động thường xuyên và chủ yếu trong các hoạt động ngoại giao. Những người đi sứ đều được lựa chọn từ những quan lại cao cấp, những người có trình độ học vấn cao, ứng đối linh hoạt... vì họ là bộ mặt của Đại Việt, đại diện cho chính quyền phong kiến Đại Việt. Tiếp tục với chính sách ngoại giao của triều Tiền Lê, nhất là dưới thời Lê Đại Hành là mềm mỏng, khôn khéo đồng thời tỏ thái độ cương quyết và dứt khoát với bang giao, với nhà Lý, các sứ đoàn của Đại Việt luôn thể hiện được ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, luôn tìm cách tạo thế ngang bằng hoặc không để cho nhà Tống coi thường.
 
Một trong những hoạt động đối ngoại với nhà Tống tiêu biểu của nhà Lý đó là xin phong vương. Nhà Lý đã nhận thức một cách sâu sắc sự hùng mạnh của nước phương Bắc trong tương quan lực lượng với quốc gia nhỏ lân bang trong khu vực. Vậy nên, việc xin phong vương của nhà Lý không chỉ nhằm nhận được sự công nhận chính thức của nhà Tống, mà còn gây dựng danh tiếng, thuyết phục các nước chư hầu nhỏ lân bang của Đại Việt phải phục tùng. Sách lược ngoại giao của Đại Việt thời Lý đặc sắc còn ở chỗ “trong xưng đế, ngoài xưng vương”. Điều này phần nào thể hiện hoạt động đối ngoại của nhà Lý trên tầm nhìn của một quốc gia thống nhất và thịnh trị. Mặc dù chịu sắc phong của nhà Tống, nhưng các vua Lý đều có những niên hiệu riêng và trong quá trình cai trị đất nước không khi nào sử dụng tới ấn tín hay danh tính mà nhà Tống ban cho. Sách lược này khiến cho nhà Lý có được những điều kiện thuận lợi ổn định để thực hiện việc cai trị trong nước cũng như quan hệ bang giao với bên ngoài.
 
Một đối sách trong hoạt động đối ngoại có tính mềm mỏng của nhà Lý đó là triều cống theo lệ được nhà Lý thực hiện khá đều đặn. Triều cống là một trong những biện pháp giảm bớt xung đột có thể xảy ra, gìn giữ hòa bình, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước. Khác với các triều đại trước khi thực hiện triều cống là sự bắt buộc thì nhà Lý làm trong thế chủ động, điều này khiến nhà Lý bề ngoài thể hiện sự thần phục nhưng bên trong vẫn giữ tư tưởng độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc. Trong các lần đi sứ, nhà Lý đều chuẩn bị đồ cống phẩm. Sự chủ động này với nhà Lý coi đó là nghi thức ngoại giao thân thiện.
 
Với những đối sách ngoại giao hết sức mềm mỏng trên thế của một quốc gia thống nhất, thịnh trị của nhà Lý nên dù nhà Tống biết rõ Đại Việt không thần phục hoàn toàn, nhưng cũng không thể tìm cớ để gây xích mích. Chính những đối sách ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo vận dụng một cách linh hoạt trên một tâm thế của đất nước thống nhất, thịnh trị đã tạo cho nước Đại Việt triều Lý mạnh về nội trị, vững trong ngoại trị. Bệ đỡ để nhà Lý có thể thực hiện được tốt sách lược ngoại giao khôn khéo này chính là ở tinh thần tự cường, tự chủ được hun đúc trong truyền thống dân tộc.
 
 
Lê Đàm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)