Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 06/07/2015 10:37
Đời sống tinh thần của người Hà Nội xưa thời Hùng Vương – An Dương Vương

Người Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương là một cộng đồng người lạc quan, yêu đời, lễ hội quanh năm, hay như trong thư tịch cổ đã viết “đời rất hồn nhiên”. Tác phẩm “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương” của tác giả Trịnh Sinh, trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Nhà xuất bản Hà Nội sẽ mang đến cho độc giả bức tranh toàn cảnh về đời sống tinh thần của người Việt cổ ở Hà Nội một thời xa xưa.

 
Người thời Hùng Vương - An Dương Vương, trong đó có một bộ phận quan trọng là cư dân Hà Nội là một cư dân đôn hậu, sống trong một xã hội thanh bình, thuận hòa trên dưới. Lúc bấy giờ, vua tôi cùng đi cày, không phân chia giới hạn, không phân biệt quyền uy, thứ bậc… cùng nhau vui chơi vô sự, coi sự công bằng về mặt vật chất và quyền lợi là một trong những giá trị cao đẹp của cuộc sống, “Hùng Vương đi săn được thú, lấy bộ lòng cùng ăn ngay tại chỗ, thịt về nhà chia”. Người Việt cổ thời Hùng Vương – An Dương Vương có tư duy giải thích thế giới theo góc nhìn của cư dân nông nghiệp với những câu chuyện truyền thuyết về những “người khổng lồ” có công khai phá đất nước, dời non lấp bể; một hình tượng anh hùng văn hóa mang tính chất nửa người, nửa thần; họ sáng tạo ra thần thoại, nhưng rồi chính thần thoại lại ăn sâu vào đời sống tinh thần của họ với nhiều mẩu chuyện thi vị như ông Đùng bà Đùng, ông Cồ bà Cộc, Lang Liêu, Mai An Tiêm, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng…  Đời sống tinh thần của người Hà Nội xưa còn thể hiện ở tôn giáo tín ngưỡng. Đó là tín ngưỡng tô tem thờ vật tổ mà nhiều thư tịch cổ đã chép lại; vật tổ của người Việt xưa có thể là một loài chim Lạc mà hình ảnh của nó dường như có mặt trên hầu hết trống đồng Đông Sơn, hay loài Hươu với hình tượng thân người đầu hươu được khắc họa ở đồ đồng Việt Khê…
 
Một trong những phong tục khá phổ biến tồn tại trong cư dân Hà Nội thời bấy giờ đó là tục nhuộm răng, ăn trầu. Không biết do ăn trầu làm răng ố mà người ta phải nhuộm răng, hay vì nét thẩm mỹ tạo sự tương phản giữa răng đen, da trắng để hút hồn các chàng trai, mà bao thiếu nữ dù ăn trầu hay không cũng nhuộm răng đen. Và rồi nhuộm răng lan cả sang cánh đàn ông, thậm chí trở thành luật, phổ biến trong dân chúng, trừ những đứa trẻ răng sữa. Bởi vậy người xưa có câu:
 
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
 
Phong tục tập quán cũng là nét đẹp trong đời sống tinh thần của cư dân thời Hùng Vương – An Dương Vương, là cội nguồn của những lễ hội mang đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi thời ấy, Hà Nội là một cánh đồng lớn theo đúng nghĩa đen của nó, nên lễ hội cũng mang cái hồn của nông nghiệp, những lễ hội gắn với cây lúa, thời vụ, mặt trời, mặt trăng, nông lịch, ngày mở đất hạ điền, ngày thu hoạch mùa màng, lễ cầu mưa… trong đó ngày hội mùa có lẽ là ngày hội quan trọng nhất đối với người Hà Nội xưa. Lễ hội được tổ chức trong nhiều ngày, khi công việc thu hoạch mùa màng đã hoàn tất, lúc nông nhàn ấy, người nông dân mới có đủ điều kiện vật chất để tổ chức hội hè, đây là dịp để cư dân nông nghiệp trong vùng tạ ơn Thần Nông, các vị Thần linh, sau là cầu mong dân làng làm ăn thuận lợi, phát đạt, năm sau sẽ được mùa hơn.  Hình ảnh về lễ hội ấy được thể hiện rõ nét qua những họa tiết trên trống đồng Cổ Loa, Hoàng Hạ, với hình ảnh từng đoàn người ăn mặc hóa trang, đầu đội mũ lông chim vừa đi vừa múa, tay cầm giáo, rừu hay nhạc cụ. Vật phẩm dâng lên tổ tiên, thần thánh chính là những hạt gạo, thành quả chủ yếu và cuối cùng của một năm lao động cực nhọc được người Hà Nội xưa chế biến ra nhiều thứ bánh được thư tịch ghi lại như: bánh nếp, bánh tẻ, bánh chưng, bánh dầy…
 
Nghệ thuật âm nhạc của người Hà Nội xưa nói riêng và cư dân Việt cổ nói chung khá phong phú. Qua khảo cổ, người ta tìm thấy khá nhiều dụng cụ âm nhạc thời này như trống đồng, trống da, chuông nhạc… điều đó minh chứng cho sự phát triển mạnh của bộ gõ thời này và chứng tỏ người xưa thiên về tiết tấu, tiết điệu. Trong âm nhạc của người Hà Nội bấy giờ thường sử dụng nhiều nhạc cụ cùng một lúc tạo thành dàn nhạc, chứ không sử dụng đơn lẻ từng nhạc cụ, thể hiện sự tài tình của các nhạc sĩ thời đó trong nghệ thuật phối khí. Bên cạnh âm nhạc là nghệ thuật múa nhảy và đeo nhạc đồng ở chân. Tuy nhiên, những điệu múa cổ này giờ đây đã thất truyền, người ta chỉ còn thấy bóng dáng, hơi thở của những điệu múa này trong một vài điệu múa của đồng bào người Thái, người Tây Nguyên...
 
Hà Nội, chốn hội tụ của tinh hoa trời đất, nơi giao thoa văn hóa muôn phương, cùng với sự phát triển cao về đời sống kinh tế so với bối cảnh khu vực ngay từ buổi sơ khai, đã giúp cho cư dân Hà Nội xưa có được đời sống tinh thần phong phú. Ngược lại, nhu cầu nghệ thuật, tâm linh, đời sống xã hội cao đã thúc đẩy sản xuất phát triển và hình thành ra các giai tầng phục vụ bộ máy quyền lực của nhà nước sơ khai. Và cũng bởi Thăng Long - Hà Nội có vị thế đắc địa, “đất lành chim đậu” nên người bốn phương hội tụ về đây sinh sống đã mang theo nhiều phong tục, tập quán cùng với các lễ hội dân gian, góp phần làm phong phú hơn văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
 
 
Trần Nghĩa
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)