Ngành kinh tế Thăng Long thời Hùng Vương – An Dương Vương
Có thể nói, nông nghiệp là nền tảng kinh tế vô cùng quan trọng của nước ta, thời xa xưa lại càng quan trọng hơn. Dưới thời Hùng Vương – An Dương Vương, người Hà Nội là những người làm nông thành thạo, cung cách sản xuất vẫn dựa vào sức kéo trâu bò. Với điều kiện tự nhiên mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ rất phù hợp cho việc trồng trọt với cây chủ đạo là lúa nước. Song song với việc khai hoang để mở rộng diện tích đất trồng là sự phát triển về ngành luyện kim tạo ra công cụ lao động; nhiều công cụ lao động phục vụ cho nông nghiệp bằng đồng và sắt xuất hiện, đó là các loại lưỡi liềm, lưỡi vằng, nhíp, cày… Trong các loại hiện vật được tìm thấy thì nhiều nhất là rìu chữ nhật, rìu xòe cân; cho thấy công việc đốn cây phát hoang rất được coi trọng ở thời điểm này. Sự xuất hiện của liềm và vằng giúp cho việc gặt lúa nhanh hơn so với thu lượm lúa bằng tay, bằng nhíp, chứng tỏ sản lượng lúa ở Hà Nội thời Hùng Vương – An Dương Vương đã khá cao, đòi hỏi thu hoạch nhanh cho kịp thời vụ. Bên cạnh ngành kinh tế trụ cột là nông nghiệp lúa nước, cư dân Hà Nội xưa cũng phát triển các giống cây lấy củ, quả, rau, hạt… Trong bối cảnh nền nông nghiệp thời Hùng Vương – An Dương Vương như vậy, Hà Nội tất yếu ở một vị trí đất đai màu mỡ, hội tụ tốt nhất mọi điều kiện cho nông nghiệp phát triển và cư dân Hà Nội xưa chắc chắn phải là những người làm nông nghiệp giỏi hơn nhiều vùng đất khác.
Với sự phát triển lớn mạnh như vậy của nông nghiệp, tất yếu sẽ hình thành và phát triển một ngành nghề kinh tế mới, được coi là luôn luôn song hành và gắn chặt với nền nông nghiệp, đó là ngành chăn nuôi. Việc thuần dưỡng trâu, bò để lấy sức kéo đã được chú trọng trong thời Hùng Vương – An Dương Vương, và cũng không ngoại trừ mục đích giết mổ làm nguồn thực phẩm; bằng chứng là có xương trâu, bò nhà tìm được trong các di chỉ văn hóa Đông Sơn. Hà Nội thời đó vẫn là những cánh rừng rậm và rộng lớn, bởi vậy mà hái lượm và săn bắn vẫn là những hoạt động sản xuất quen thuộc, để giúp cho việc săn bắn được dễ dàng hơn, người ta đã thuần chủng và nuôi dưỡng chó đồng thời chúng cũng giúp chủ nhân trong việc trông giữ nhà. Ngoài những loài động vật quen thuộc như trâu, bò, lợn, gà, chó, dê… cư dân còn thuần dưỡng voi với mục đích phục vụ cho việc đánh trận và chuyên chở vật dụng. Trong các tài liệu khảo cổ học, hình ảnh của voi xuất hiện trên nhiều tác phẩm nghệ thuật, tượng voi còn được đúc rời và khắc nhiều trên các vật dụng của cư dân, cùng với nhiều xương voi được khai quật… Nói như vậy có nghĩa là ngành chăn nuôi đã xuất hiện từ thời này, tuy nhiên nó mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và chưa hoàn toàn tách rời khỏi nông nghiệp.Với sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, diện tích rừng cây ngày càng thu hẹp, hoạt động săn bắn hái lượm ngày càng giảm. Song với một hệ thống sông suối đầm hồ dày đặc, công việc đánh bắt cá vẫn ngày một phát triển và có nhiều cải tiến. Trong nhiều di tích đã phát hiện được chì lưới bằng đất nung, cho thấy nghề chài lưới khá phát triển.
Việc xuất hiện trống đồng Đông Sơn cùng với những công cụ lao động bằng đồng, sắt đã nói hộ cho sự có mặt của ngành luyện kim ở Hà Nội thời Hùng Vương – An Dương Vương. Nhưng câu hỏi đặt ra là khả năng luyện kim đồng của cư dân thời bấy giờ đạt tới trình độ nào? Câu trả lời nằm ở ngay chính những chiếc trống đồng Đông Sơn được chế tạo rất hoàn mỹ từ góc độ kỹ thuật tới mỹ thuật với những hoa văn sắc nét tới từng chi tiết, điều đó chứng tỏ một trình độ đúc đồng rất cao. Bằng chứng là cho tới nay, việc thực nghiệm đúc trống đồng đã tiến hành nhiều lần, nhưng vẫn chưa thực sự đúc được những chiếc trống hoàn chỉnh như xưa, và bí mật trong bí quyết của nghề đúc đồng Đông Sơn vẫn là một ẩn số.
Vào thời Hùng Vương – An Dương Vương, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, tiếp nối từ các văn hóa thời tiền Hùng Vương vẫn phát triển như nghề làm đồ đá, nghề làm đồ gốm, nghề dệt vải, nghề làm mộc, nghề sơn, nghề đan nát… Với sự xuất hiện nhiều ngành nghề như vậy sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, và theo quy luật của nền kinh tế hàng hóa tất yếu nảy sinh nhu cầu trao đổi, mua bán. Quả đúng như vậy, thương nghiệp đã ra đời sớm và phát triển không ngừng trên mảnh đất kinh đô này. Nhiều loại hiện vật Đông Sơn có mặt ở nhiều vùng khác nhau và cũng có một số hiện vật ngoại lai có mặt ở Hà Nội là minh chứng cho sự giao lưu hàng hóa của cư dân Hà Nội thời kì này. Sự giao lưu kinh tế còn giúp Hà Nội trở thành vùng đất sớm có sự giao thoa văn hóa với các vùng xung quanh. Chính nhờ vào con sông Hồng mà người Hà Nội nói riêng và người thời Hùng Vương – An Dương Vương nước ta nói chung đã tiếp nhận một số yếu tố văn hóa từ thượng nguồn sông Hồng và cả những nguyên liệu đồng, chì, thiếc trên vùng núi cao mang xuống, giúp cho ngành luyện kim phát triển khá mạnh.
Trình độ kỹ thuật và kinh tế giai đoạn này không những kế thừa trực tiếp những thành tựu, kinh nghiệm sản xuất của các giai đoạn văn hoá Tiền Đông Sơn, mà còn tạo ra bước nhảy vọt mới trong đời sống kinh tế - xã hội. Hà Nội là biểu hiện tập trung nhất của trình độ kỹ thuật và tiềm lực kinh tế của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương - An Dương Vương, và cũng là điểm sáng cho sự phát triển kinh tế nước nhà ở mọi thời đại.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội