Vài nét về tình hình sản xuất thủ công nghiệp của Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVI đến cuối thể kỷ XVIII
* Nhuộm, thêu và buôn bán tơ lụa:
Ở phường Thái Cực, trong đó có phố Hàng Đào, đã có rất nhiều cửa hiệu nhuộm chuội và buôn bán tơ lụa. Những màu nhuộm phổ biến nhất là đỏ (đào, hoa hiên), (đen (thâm), nâu (nâu non, nâu già), xanh (tam giang, hoa lý, thanh thiên). Phố Hàng Đào thường nhận mua các tâm vải lụa của các địa phương ven kinh thành như Bưởi, các làng La, Mỗ… để đem về nhuộm hoặc chuội, hoàn chỉnh khâu cuối cùng của thành phẩm, trừ gấm vóc.
Tuy Hàng Đào có những cửa hàng cửa hiệu cố định nhưng việc buôn bán tơ lụa vẫn đặc biệt nhộn nhịp ở một số ngày trong tháng là những phiên chợ Hàng Tơ. Các loại vải lụa tập trung ở Hàng Đào được phân phối đi khắp nơi, từ thị trường nội đô, các địa phương trong nước đến thị trường nước ngoài. Một số thương nhân Trung Quốc cũng tìm cách mua vải lụa của người Việt Nam ở Hàng Đào như sa, vân, trừu, lĩnh đem về nhuộm lại rồi in dấu khác vào, giả làm hàng của Trung Quốc. Nghề thêu trên vải là một loại lao động đòi hỏi kỹ thuật cao, sự hiểu biết, tỉ mỉ và công phu. Hầu như toàn bộ các khâu lao động đều được thực hiện trong khuôn khổ nền thủ công nghiệp gia đình. Một người thợ cả có tay nghề vững, một vài thợ làm thuê, một vài khung thêu đủ để có thể lập nên một cửa hiệu - xưởng thêu.
* Đúc đổi bạc và kim hoàn: Các cửa hiệu vàng bạc ở Thăng Long - Kẻ Chợ, bao gồm các nghề đúc bạc nén, đổi tiền bạc, sản xuất và buôn bán đồ kim hoàn đã tập trung tại phường Đông Các với phố Hàng Bạc nổi tiếng. Phố này sau đó được người Pháp đặt tên là “phố những người đổi tiền. Dân cư phố Hàng Bạc phường Đông Các bao gồm 3 nguồn chính: thợ đúc bạc Châu Khê (Bình Giang, Hải Dương), thợ chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) và thợ vàng Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).
Trong các cửa hiệu vàng bạc đó người thợ Định Công đã sản xuất theo phương thức đặt hàng gia công, buôn bán các đồ kim hoàn trang sức. Kỹ thuật chế tác vàng đòi hỏi một trình độ kỹ thuật khá tinh vi, với hai nghề chủ yếu: đậu (kéo vàng thành những sợi nhỏ để trang trí) và trơn (chế tác đồ trang sức bằng vàng không chạm trổ). Khách hàng của họ chủ yếu là tầng lớp vua quan và những thị dân giàu có, bản thân một số chủ hiệu vàng cũng là những người giàu có.
Ở phố Hàng Bạc còn có những cửa hiệu kim hoàn của một số dân làng Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Đây là một làng chuyên nghề thủ công nổi tiếng với nghề chạm trổ những đồ vật lớn bằng bạc có trang trí như lư, đỉnh, hộp trầu, khay, chén, bát đĩa… Khoảng thế kỷ XVIII, một số thợ bạc Đồng Xâm đã di cư lên Thăng Long mở cửa hiệu ở phường Đông Các, sản xuất gia công và bày bán các sản phẩm của mình.
Ở Thăng Long - Kẻ Chợ, do tính chất nghề nghiệp, không đòi hỏi những không gian sản xuất rộng lớn, mà cần ở kỹ thuật tinh vi. Quy mô sản xuất chủ yếu là một nền thủ công nghiệp gia đình có đặc điểm cha truyền con nối. Chủ yếu họ làm hàng gia công đặt trước, sản xuất và mua bán một số đồ trang sức trang trí bằng vàng bạc. Một số cửa hiệu tổ chức đúc bạc nén và đổi tiền.
* Đồ gỗ tiện và sơn thếp: Chế tác và trang trí các đồ gỗ tiện và sơn thếp là một trong những nghề thủ công truyền thống của Thăng Long - Kẻ Chợ. Các cửa hiệu sản xuất và bày bán các đồ gỗ tiện ở Kẻ Chợ đã tập trung ở thôn Tả Khánh (nay là Hàng Hành và một phần các phố Tô Tịch, đoạn đầu Hàng Gai ngày trước còn có tên là Hàng Tiện). Phần lớn các thợ tiện đều có quê gốc tại làng Nhị Khê (tên nôm là Rũi Tiện, Thường Tín, Hà Nội) di cư hành nghề và ở lại Kẻ Chợ.
Sản phẩm của nghề tiện chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và thờ cúng của các tầng lớp thị dân phố phường và một số quan lại, các chùa chiền như mâm gỗ, chân đèn, chân nến, ống hương, nắp đậy… Các hàng sản xuất vừa là hàng gia công, vừa là hàng thông dụng bày bán.
Sơn thếp cũng là một nghề thủ công lâu đời của Thăng Long - Kẻ Chợ. Các cửa hiệu gia công và bán hàng sơn thếp chủ yếu là của dân làng Hà Vĩ, tập trung ở phố Hàng Hòm. Các đồ gỗ mộc được gọt tiện lại tại phố Hàng Hành, chuyển qua đem sơn thếp tại phố Hàng Hòm gần đấy. Họ gia công và bày bán các đồ gỗ sơn thếp như hòm riêng, tráp, hoành phi câu đối, vây đèn, ngai bệ khám thờ… Họ cũng nhận sơn thếp lại một số tượng và đồ thờ ở các đình làng và chùa chiền.
Ngoài sơn ta còn thếp vàng thếp bạc, đòi hỏi một kỹ thuật tinh vi và công phu hơn. Chất liệu chủ yếu để thếp vàng bạc là quỳ, được chuyên sản xuất ở một xã thuộc huyện Gia Lâm, làng Kiêu Kỵ.
Trong thế kỷ XVII, một số lượng lớn đồ sơn sản xuất ở Kẻ Chợ đã được xuất khẩu. Dampier trong du ký của mình có ghi: “Những tác phẩm đồ sơn được làm ở đây (Kẻ Chợ) không hề thua kém một nơi nào khác, nếu ta không kể đến đồ sơn của Nhật Bản mà mọi người đều thừa nhận là tốt nhất thế giới”.
* Thuộc da và làm giày hài: Nghề thuộc da và làm giày hài ở Thăng Long - Kẻ Chợ trước đây tập trung tại thôn Hài Tượng (Hài Tượng: Thợ làm giày hài) huyện Thọ Xương, nay là địa phận của các phố Hàng Giày, Tạ Hiện, ngõ Hài Tượng và một số thôn Tả Khánh (ngõ Hàng Hành ngày nay). Những người thợ giày ở đây hầu hết là quê gốc tại các làng Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (Tứ Kỳ, Hải Dương), tục gọi là 3 làng Chắm, di cư lên Thăng Long vào khoảng thế kỷ XVIII. Các thợ giày ở làng Chắm đã lên cư trú và hành nghề tại Thăng Long.
Những người thợ giày thôn Hài Tượng đã mua những tấm da thuộc sẵn hoặc da sống về để thuộc. Các lò mổ trâu bò phần lớn ở hai phường Hồng Mai (Bạch Mai ngày nay) và An Xá (Lương Yên ngày nay). Người ta còn thuộc da và bán da tại các thôn Yên Thái và Yên Nội (nay là ngõ Yên Thái và phố Hàng Da). Da sống mua về, các thợ giày xử lý thuộc qua các khâu ngâm vào bể nước vôi và nước phèn chua, hun khói, nhuộm bằng nước vỏ vẹt sắc đặc, rồi cắt thành từng miếng. Các thợ giày quê ở 3 làng Chắm trú ngụ tại các phố Hàng Hành và Hàng Giày ngày nay. Người ta còn làm những đôi dép quai nhung, ủng cổ cao dùng cho các quan lại, các đôi hài thêu kim tuyến các hình cánh phượng, hoa lá, hồng bướm, phù dung chim trĩ…
* Một số mặt hàng khác: Một số hàng hoá nông hải sản được chuyên chở bằng đường sông Nhị Hà – Tô Lịch đã được tích trữ và bày bán ở một số cửa hiệu trong các phố gần mạn bờ sông như các cửa hàng gạo ở phố Mã May, cửa hàng mắm ở phố Hàng Mắm, cửa hàng muối ở phố Hàng Muối.
Các cửa hiệu sản xuất và bày bán đồ khảm xà cừ không nằm trong khu 36 phố phường truyền thống phía bắc hồ Hoàn Kiếm mà ở khu phí nam hồ này, tập trung trong phố Thợ Khảm (nay là trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi). Còn các cửa hiệu bán đồ đồng tập trung ở phố Hàng Đồng được chế đúc tại Ngũ Xã (hồ Trúc Bạch). Đồ gốm sứ Bát Tràng được mang sang và bán tại các cửa hiệu phố Bát Đàn (đối với đồ gốm bình dân), phố Bát Sứ (đối với đồ gốm cao cấp). Các cửa hiệu phố Hàng Gai bán giấy bút, sách truyện được khắc in ở Liễu Chàng (Gia Lộc, Hải Dương)…
Văn Hóa
Nhà xuất bản Hà Nội