Giáo dục Thăng Long - Hà Nội quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển
Cuốn sách “Giáo dục Thăng Long - Hà Nội quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển” là kết quả nghiên cứu của đề tài: “Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế làm chủ nhiệm, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Đây là một đề tài thộc Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước KX.09 “Phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”.
Cuốn sách “Giáo dục Thăng Long - Hà Nội quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển” là một chuyên khảo về sự phát triển của nền giáo dục qua 1000 năm trên đất Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ Triều Lý đến giai đoạn hiện tại. Ngoài lời giới thiệu và tài liệu tham khảo, cuốn sách được chia làm 6 chương:
Chương 1: Giáo dục Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến (1010 - 1884)
Chương 2: Giáo dục và đào tạo Hà Nội thời Pháp thuộc (từ năm 1884 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945)
Chương 3: Giáo dục của thủ đô Hà Nội (từ 1945 đến 1986)
Chương 4: Giáo dục Hà Nội thời đổi mới (từ 1987 đến nay)
Chương 5: Vai trò, vị trí và những kinh nghiệm của giáo dục Thăng Long - Hà Nội
Chương 6: Định hướng phát triển giáo dục thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ năm 1010, khi Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long, nền giáo dục kinh đô bắt đầu được gây dựng và phát triển với sự ra đời của Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076) mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Giáo dục Nho học đã trở thành nền tảng giáo dục chính thống trong các triều đại phong kiến Việt Nam và Thăng Long vinh dự là nơi diễn ra các kỳ thi tuyển chọn nhân tài với số lượng và chất lượng ngày càng gia tăng. Trên mảnh đất ngàn năm này xuất hiện nhiều trường học danh tiếng với nhiều nhà giáo ưu tú. Ngôi trường bề thế mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên, đồng thời là ngôi trường có quy mô lớn nhất toàn khu vực lúc bấy giờ chính là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi diễn ra nhiều kỳ thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước và 82 bia tiến sĩ ở đây vẫn là bằng chứng lưu dấu với thời gian về trung tâm giáo dục, đào tạo của nhiều triều đại. Nơi đây cũng có nhiều nhà giáo yêu nước thương dân, đào tạo nhiều thế hệ anh tài phục vụ đất nước mà điển hình là nhà giáo Chu Văn An, người đã từ bỏ sự nghiệp làm quan để làm một người thầy đào tạo nên nhiều thế hệ học trò nổi tiếng như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
Sang thời Pháp thuộc, Hà Nội cũng là một trung tâm có nhiều trường đại học và cao đẳng sớm nhất nước: Viện Đại học Đông Dương (1907), Trường Y Dược (1913)…Thời kỳ này phong trào học chữ quốc ngữ, gây dựng tinh thần tự tôn dân tộc và mở mang tri thức do nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục Hà thành tổ chức đã có ảnh hưởng sâu rộng và được nhân cấy ra cả nước, kết quả góp phần hình thành nền giáo dục mới thay thế nền giáo dục Nho học vốn đã lỗi thời.
Để từ đó chúng ta thấy được cuốn sách là một chuyên khảo rất bổ ích cho những nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử giáo dục Thăng Long - Hà Nội. Bởi nội dung của nó là một khối tư liệu và số liệu khá đồ sộ. Được xếp sắp theo một trình tự logic khá chặt chẽ phản ánh một chuỗi sự kiện giáo dục liên tục, đi từ thời phong kiến được đánh dấu bằng sự phát triển mạnh mẽ của Nho học đến thời kỳ Tây học, rồi đến giáo dục thời kỳ cách mạng, từ Đông Kinh nghĩa thục đến Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ rồi đến nền giáo dục hiện đại. Tiếp đó là một nền giáo dục khi Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Cuốn sách cũng rất bổ ích đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở Thăng Long - Hà Nội, yêu mến Hà Nội của chúng ta - trung tâm văn hóa của cả nước, cái nôi mà từ đó sinh ra những nhân tài cho đất nước, làm rạng danh dân tộc.
Cuốn sách làm cho người đọc tự hào thêm về nền văn hiến Việt Nam, về một nền văn hóa có những đặc trưng rất “Việt Nam” và cũng rất nhiều sắc thái riêng của Thăng Long - Hà Nội. Nếu chúng ta đã từng tự hào về một Việt Nam với một nền giáo dục lâu đời cùng những truyền thống giáo dục rất độc đáo thì đọc cuốn sách này lại càng thêm tự hào bởi giáo dục ở Thăng Long - Hà Nội đã góp phần rất lớn vào việc vun đắp và phát triển cho nền giáo dục chung của cả nước. Thầy và trò Hà Nội đang tiếp tục phát huy những nét đẹp trong truyền thống góp phần xây dựng trí tuệ và nhân cách người Hà Nội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hà Nội thành một thành phố văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Đặng Tình
Nhà xuất bản Hà Nội