Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 14/07/2015 08:52
Triều Nguyễn và chính sách kinh tế - xã hội ở Thăng Long – Hà Nội

Dưới triều Nguyễn, Kinh đô được chọn là Huế (Phú Xuân). Lúc này, Thăng Long – Hà Nội từ một Kinh đô của cả nước đã trở thành một trấn thành (thời Gia Long) rồi là một tỉnh thành (thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Và đến năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, bãi bỏ Bắc thành tổng trấn. Tỉnh Hà Nội được thành lập. Vậy khi Thăng Long – Hà Nội không còn là Kinh đô nữa, triều Nguyễn đã có những chính sách kinh tế - xã hội như thế nào đối với “Tỉnh Hà Nội”?. Dưới đây là những nét khái quát về chính sách của triều Nguyễn tại Thăng Long – Hà Nội trong thế kỷ XIX.

 
Dưới triều Nguyễn, do Hà Nội không còn là Kinh đô của cả nước, sự chuyển biến nổi bật của khu này giảm đi vị thế chính trị, nên triều đình phong kiến Nguyễn đã ít chú ý quan tâm, sự kiểm soát được nới lỏng, phần nào để mặc cho sự phát triển tự nhiên, tự phát của nơi này. Nhưng kinh tế hàng hoá Hà Nội thế kỷ XIX vẫn không vượt được ngưỡng của một nền sản xuất nhỏ - buôn bán nhỏ, mà chủ yếu ở đây là nền tiểu thủ công nghiệp gia đình và mạng lưới chợ - phố.
 
* Đối với nông nghiệp: Chính sách nông nghiệp của nhà Nguyễn nhằm nắm chắc nông dân làm cơ sở cho việc thu thuế, bắt phu và bắt lính. Do vậy, nhà nước cho tiến hành đăng ký, kê khai tỉ mỉ các sổ điền bạ, đinh bạ, trong đó hai đợt kê khai chính được thực hiện dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Địa bạ Hà Nội với các bản kê khai chi tiết về tình hình đất đai và cư dân từng thôn, phường thuộc hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Điều này cho thấy chính quyền nhà nước muốn trói chặt các cư dân nông nghiệp Hà Nội với đất đai và thôn phường.
 
Nhưng, cũng như ở các nơi khác, hiện tượng lưu tán – ly hương, ly nông vẫn xảy ra khá phổ biến trong các thôn phường Hà Nội trong thế kỷ XIX. Năm 1836, tổng đốc Hà Ninh đã tâu lên triều đình: “Những nhà ở 174 thôn phường trong thành Đại La đều là dân tứ chiếng ngụ cư, từ khi tuyển lính đến giờ, số đinh ngày càng giảm sút” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, t.XVIII, tr.350).
 
* Đối với thủ công nghiệp: Có thể thấy, chủ nghĩa nhà nước kinh tế của triều Nguyễn đã được thể hiện khá rõ trong nền kinh tế. Nhà nước đã thành lập một quan xưởng có quy mô lớn. Đó là xưởng đúc tiền đồng và kẽm, với các tên gọi khác nhau như: Cục bảo tuyền, Cục thông bảo, Cục khai bảo còn nhân dân thì thường gọi là Tràng Tiền – Hà Nội. Quan xưởng này áp dụng chế độ công tượng, là một chế độ lao động cưỡng bức bán quân sự mang tính chất phong kiến. Triều đình còn cho thành lập một loạt các tượng cục, tượng ty trong dân gian, tập hợp các thợ thủ công tự do trong các thôn phường chuyên nghề. Đó là một loại hình hợp tác xã sản xuất tự quản, được nhà nước công nhận, gián tiếp chỉ đạo ở bên trên. Những thợ thủ công trong tượng cục được nhà nước miễn cho thuế thân, các nghĩa vụ lao dịch và binh dịch. Đổi lại, họ sẽ phải nộp thuế biệt nạp (giống như thuế thổ sản thời Lê - Trịnh), với mức thuế cao nhiều hơn mức thuế thân của nông dân. Cuối thế kỷ XIX, theo Luro thì thuế biệt nạp được chiết nạp (đóng thay) bằng tiền của các phường thôn chuyên nghề ở Hà Nội là 6 quan mỗi năm một người, mức cao gấp khoảng 5 lần thuế thân của một suất đinh thường. Ngoài ra, họ còn phải chịu các nghĩa vụ trưng dụng lao động và trưng thu sản phẩm cho nhà nước khi cần thiết. Trong trường hợp người thợ thủ công không chịu gia nhập tượng cục, họ vẫn có thể ở ngoài làm nghề tự do nhưng sẽ không được chính quyền bảo trợ và phải gánh chịu mọi nghĩa vụ về thuế thân, binh dịch, lao dịch ở địa phương và những sách nhiễu, còn nặng nề hơn ở trong tượng cục. Về nguyên tắc, thuế biệt nạp của các hộ chuyên nghề thủ công phải nộp bằng sản phẩm do chính mình sản xuất.
 
Các quan tỉnh thành Hà Nội đã cho các hộ chuyên thủ công được hưởng chế độ “chiết nạp” (nộp thay bằng các sản phẩm khác hoặc bằng tiền). Lợi dụng điều đó, một số hộ biệt nạp ở Hà Nội đã tính toán thiệt hơn, xin được nộp thay các sản vật mua về, mà không do chính mình sản xuất. Trong những trường hợp bất thường đó, nhà nước đã bắt phải “cải chính”, phải nộp đúng thứ sản phẩm mà mình sản xuất. Về chế độ chiết nạp bằng tiền, mỗi hộ chuyên thủ công phải đóng thuế mỗi người 8 quan một năm (sau giảm còn 6 quan), già yếu tàn tật chịu một nửa. Nhân đó, một số hộ không phải thủ công (cũng không phải hộ buôn bán) cũng xin được nộp thuế biệt nạp bằng tiền để tránh bắt lính và những lao dịch khác.
 
Ngoài thuế biệt nạp, các hộ thủ công ở Thăng Long còn phải chịu các nghĩa vụ khác đối với nhà nước phong kiến, như trưng dụng, trưng thu hoặc trưng mua. Một số thợ lành nghề giỏi chuyên môn đã bị trưng tuyển vào kinh thành Huế để hướng dẫn, dạy nghề cho các làng nghề, các sản phẩm, cấp nguyên vật liệu và tạm ứng một nửa tiền công cho thợ để họ nhờ vào đó mà sinh sống. Nhà nước cũng trực tiếp thu mua hàng hoá của các tượng cục với giá cả do mình ấn định, thường là rẻ hơn nhiều so với giá cả ngoài thị trường.
 
* Đối với thương nghiệp: Trong khi hoàn cảnh lịch sử thế giới và trong nước thế kỷ XIX đã khác trước, có thể thấy, ở giai đoạn này các vua đầu triều Nguyễn trong chính sách kinh tế đã kiên trì, đề cao quan điểm “trọng nông ức thương” truyền thống. Triều đình Nguyễn tiếp tục duy trì hệ thống các sở tuần ty đã có từ thời Lê - Trịnh để kiểm soát việc giao thương giữa các địa phương và Hà Nội. Thời kỳ đầu, triều đình còn đặt ra lệnh trưng dụng đối với các thuyền buôn, theo đó “cứ một năm phải chở hàng cho nhà nước thì được một năm đi buôn”. Sau đó, thống nhất chuyển sang chế độ đánh thuế quan tân (cửa ải và bến đò) vào các thuyển buôn chở hàng hoá trên sông hồ. Mức thuế quy định theo giá trị của khối lượng hàng hoá chuyên chở, cứ “40 phần lấy 1 phần”. Trong phạm vi nội hạt của 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, nhà nước đã đặt những trạm kiểm soát và thu thuế thuyền buôn ở các bến đò sông Hồng, hai bên bờ Tô Lịch và một số đầm hồ, như các bến Trúc Bạch, Hữu Bằng, Tây Hồ, Hàng Đào, Tả Vọng… Trên các tuyến đường sông giữa Hà Nội và các tỉnh có đặt hai cửa quan sát gần và quan trọng nhất. Chế độ thuế quan tân cùng với tệ hà lạm, sách nhiễu đã gây ra nhiều tệ hại, phiền toái cho giới thương nhân buôn chuyến đường dài ở Bắc thành Hà Nội. Các tỉnh thần Hà Nội đã nhiều lần than phiền, tố cáo về tệ “đánh thuế quan tân quá bừa làm khổ người buôn”, tuần ty vô cớ cướp của dân, và thậm chí đề nghị triệt bỏ việc thu thuế cửa ải.
 
Nhà nước cũng đã ban hành một số các điều lệ tỉ mỉ, khắt khe nhằm ngăn chặn tệ hà lạm của người thu thuế cũng như việc trốn, lậu thuế của người đi buôn và các lệnh “cấm đánh bừa thuế cửa quan ở Bắc thành”, “cấm lãnh trưng, tuần ty không được sách nhiễu”, quy định phải viết biên lai thu thuế, ghi rõ họ tên người buôn, giá trị hàng hoá, số tiền thuế thu… (theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục).
 
Các vua triều Nguyễn đã có một chính sách ngoại thương đặc biệt ưu đãi đối với các thương nhân Hoa Kiều ở Hà Nội. Đại Nam nhất thống chí có ghi: Thành thị Hà Nội là nơi tụ tập công thương, có lẫn cả người nước Thanh, tập tục thích xa hoa”. Năm 1874, Tả tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Tường được phái ra Hà Nội, đã báo cáo về triều đình Huế: “Hà Nội là nơi người Tàu tụ hội buôn bán, như mở chợ chứa hàng hoá, lập phố buôn bán, làm thành chỗ vui” (Quốc triều chính biên toát yếu, Quyển 5). Có thể thấy, ngay từ đầu triều Nguyễn, do chính sách ngoại giao thân thiện của Gia Long đối với nhà Thanh, những Hoa kiều đã ồ ạt tràn vào Bắc thành (Hà Nội) sinh sống buôn bán. Chính nhà nước phong kiến Nguyễn đã dựa vào tầng lớp phú thương Hoa kiều này để tiến hành công việc giao dịch, buôn bán với nước ngoài.
 
Tuy nhiên nhà nước phong kiến đã kiểm soát chặt chẽ và hạn chế những luồng ngoại thương phi nhà nước. Luật pháp tuyệt đối cấm không cho phép người dân được tự do xuất ngoại. Một số hàng hoá do các Hoa kiều lén lút mang từ Hà Nội sang Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc vào Hà Nội cũng đã bị nghiêm cấm ngặt nghèo, kể cả tội xử giảo. Đó là gạo, thuốc phiện, vàng bạc, tiền đồng… Tuy nhiên trên thực tế, nhà nước không thể nào ngăn chặn hữu hiệu được các tuyến buôn bán vượt biên mang tính chất dân gian đã có khuynh hướng ngày càng phát triển.
 
Rõ ràng, những chính sách khắt khe của triều Nguyễn đối với sự phát triển của kinh tế hàng hoá là một bước thụt lùi so với trước đó. Chính vì thế nó đã kìm hãm và làm thui chột đi những tiềm năng của một nền sản xuất buôn bán đáng lý có thể có của những người dân Thăng Long – Hà Nội. 
 
 
Khánh Văn
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)