Hoạt động sản xuất và buôn bán trong khu Hà Nội 36 phố phường thời Nguyễn
Đặc điểm chủ yếu, vượt trội là buôn bán, là mũi nhọn của nền kinh tế hàng hoá Thăng Long – Hà Nội trải qua nhiều thế kỷ. Phố phường buôn bán chuyên mặt hàng, sản phẩm được sản xuất mang từ các vùng nông thôn phụ cận hay sản xuất mặt hàng thủ công nghiệp (đối với một số lượng mặt hàng không cần hiện trường rộng nhưng lại đòi hỏi một trình độ kỹ thuật tinh vi như các nghề kim hoàn, chạm khảm, sơn thêu, làm giày hài). Yếu tố thương nhân Hoa kiều, tuy đã tồn tại từ trước nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong đô thị Hà Nội thời Nguyễn.
So với địa bàn khu phố buôn bán cũ thời Lê - Trịnh, việc bố trí dân cư tự phát của khu buôn bán Hà Nội thời Nguyễn cũng phần nào đổi khác. Ngoài những đường phố mới thành lập và phát triển sau này ở phía nam và quanh hồ Hoàn Kiếm là các phố tiếp giáp bờ sông Nhị nhộn nhịp hẳn lên, do các tuyến buôn bán vùng đường sông đem về nhiều loại hàng hoá cồng kềnh, đòi hỏi những khu đất rộng để tập trung hoặc những kho chứa hàng hoá, như các phố Hàng Tre, Hàng Mắm, Hàng Muối, Chợ Gạo và Mã Mây (buôn bán gạo). Những phố do các Hoa thương cư trú nay được sửa sang khang trang hơn, không còn bị khanh ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm, Mã Mây) đã phát triển dần sang phía tây với các phố Hàng Ngang, Hàng Bồ, Phúc Kiến. Phía tây khu buôn bán, tức phía đông tiếp giáp thành Thăng Long, cũng đã hình thành những phố buôn bán sầm uất, phục vụ cho đội ngũ quan liêu và lực lượng quân sĩ.
Hoạt động kinh tế của các phố phường Hà Nội trong thế kỷ XIX thật sầm uất và sôi động. Một số mặt hàng như đồ kim hoàn, đồ khảm xà cừ, đồ gỗ tiện, sơn, đồ thêu, giày dép được sản xuất và buôn bán tại chỗ. Một số mặt hàng như vải vóc, thuốc bắc, giấy viết đồ gốm sứ, đồ đồng và các hàng nông lâm thổ sản như tre nứa, gạo, mắm muối đã được đem từ các nơi về bán. Trong những ngày phiên chợ, những nông dân và những thợ thủ công từ các làng xã lân cận vào các phố phường Hà Nội để bán mua với khối cư dân đô thị vẫn tiếp diễn qua nhiều thế hệ. Các mặt hàng buôn bán trong các phố phường Hà Nội đã được phân bố vào một số khu vực tập trung, tuỳ theo vị trí địa lý, điều kiện lịch sử và truyền thống ngành nghề.
Những phố giáp với bờ sông Hồng – nơi hội tụ tập kết các thuyền bè, hàng hoá từ mọi miền đất nước, thường bán các mặt hàng với khối lượng lớn, chở đến bằng thuyền bè từ những vùng tương đối xa. Đó là các loại mây, tre, nứa, gỗ, từ các vùng rừng núi thượng du đóng bè xuôi dòng sông Hồng về Hà Nội. Các hàng hoá khác đem vào phố chế biến hoặc bán buôn như Hàng Nâu (phố Thanh Hà ngày nay), phố Hàng Tre bán tre nứa, một đoạn phố Mây Choại (Mã Mây) bán đồ mây tre, phố Bè Thượng (Nguyễn Hữu Huân ngày nay) bán gỗ và đồ gỗ.
Gạo và các loại ngũ cốc được các thương nhân Hoa kiều và người Việt thu mua từ các vùng nông thôn đồng bằng đem về tích trữ và bán tại các phố chợ Gạo, Mã Mây… Các mặt hàng mắm, muối, cá khô được các lái buôn Thanh Nghệ chuyển từ miền Trung bằng thuyền ra Hà Nội bán cho các cửa hàng ở phố Hàng Mắm, Hàng Muối. Bên cạnh đó, có phố Hàng Chĩnh chuyên bán các đồ đựng chứa loại hàng này như chum, vại, chĩnh…
Tầng lớp đại phú thương Hoa kiều và một số phú thương Việt Nam có cửa hiệu ở các phố thuộc khu trung tâm, có trục tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang đi qua ở giữa. Các thương nhân Hoa kiều thường tập trung ở mấy phố lớn, khang trang sạch đẹp như các phố Hàng buồm, một phần phố Mã Mây, Hàng Ngang, Hàng Bồ, Phúc Kiến (Lãn Ông ngày nay). Họ thường bán buôn gạo, mở những tiệm ăn nhà hàng sang trọng và thức ăn, quần áo gấm vóc đắt tiền, thuốc bắc và những tạp phẩm cao cấp nhập từ Trung Quốc. Họ còn xây dựng 2 trụ sở của những người đồng hương là Hội quán Quảng Đông và Hội quán Phúc Kiến.
Những phú thương Việt có cửa hiệu ở phố Hàng Bạc bán đồ kim hoàn, trang sức và làm nghề đổi tiền. Những cửa hiệu phố Hàng Đào thường mua hàng hoá tơ lụa của các thợ dệt vùng phụ cận đem về nhuộm để bán cho tầng lớp cư dân đô thị khá giả và gửi bán ở các thị trường xa. Nếu so với các Hoa thương, họ còn kém khá xa về vốn liếng và đầu óc kinh doanh, nhưng vẫn được coi là những nhà buôn giàu có và đáng kính trọng nhất của Hà thành.
Cụm phố phía tây bao gồm những phố có những cửa hiệu nghèo hơn các khu khác. Đó là những thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ di cư từ nông thôn ra thành thị mở cửa hàng. Khách hàng và đối tượng phục vụ của họ chủ yếu là quần chúng bình dân đô thị và những nông dân làng xã phụ cận. Hàng hoá sản xuất và buôn bán ở đây cũng nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, sản xuất.
Cụm các phố phía nam khu phố buôn bán cũ thời Lê và phát triển trong thời Nguyễn là một khu vực khá đặc biệt ngoài trục phố Hàng Bông – Hàng Gai là đường ranh giới của khu buôn bán cũ, phần lớn các phố ở đây mới được mở mang trong thế XIX. Nó tập hợp nhiều ngành nghề, dân cư pha trộn cả giàu và nghèo. Thời Nguyễn, phố Hàng Gai có những nghề khác nhau. Một số gia đình khá giả làm nghề buôn tơ lụa. Nghề truyền thống chủ yếu và nổi tiếng nhất ở phố Hàng Gai trong thế kỷ XIX thường có tên gọi liên quan đến chữ nghĩa văn chương, như Quan Văn Đường, Phú Văn Đường, Tụ Văn Đường, Cẩm Văn Đường. Nó có chức năng nhiệm vụ của một nhà xuất bản, xưởng in và một cửa hàng sách. Các sách chữ nho và chữ nôm được in và bán ở phố Hàng Gai có nhiều loại phong phú. Từ các sách kinh điển cho các nho sinh như Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ chính sử, Kinh Phật, các khúc ngâm như Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm đến nhiều truyện nôm khuyết danh như Nữ Tú tài, Phan Trần, Thạch Sanh, Bần nữ thán… Ngoài sách in, cửa hàng thường bán thêm cả giấy, bút mực…
Nghề thêu là một nghề thủ công lâu đời của Thăng Long – Hà Nội, phục vụ sản xuất trang phục của đẳng cấp quan liêu cũng như của tầng lớp thị dân khá giả. Nghề thêu phố Hàng Trống phát triển trong thế kỷ XIX, các thợ thêu nhập cư chủ yếu từ các làng Hướng Dương, Quất Động. Nghề thêu không cần đến một hiện trường sản xuất rộng lớn, mà là một loại hình lao động đòi hỏi kỹ thuật cao, sự tỉ mỉ công phu nên hầu như toàn bộ các khâu đã được thực hiện trong khuôn khổ một nền thủ công nghiệp gia đình.
Phố Hàng Khay phía nam hồ Hoàn Kiếm là một phố có các cửa hàng buôn bán, kết hợp xưởng sản xuất thủ công, phát triển trong thế kỷ XIX. Ở đó có nghề khảm xà cừ được cải tiến rõ rệt ở Hà Nội, nhưng quy mô sản xuất vẫn không được mở rộng. Phương thức sản xuất buôn bán chủ yếu vẫn là gia công làm hàng đặt thửa cho tầng lớp quan liêu và những gia đình khá giả, một số ít hàng hoá được bày bán tại chỗ trong cửa hàng.
Văn Khánh
Nhà xuất bản Hà Nội