Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 14/07/2015 09:11
Phác họa về đời sống văn hóa tinh thần đất Thăng Long - Hà Nội

Khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về mảnh đất địa linh nhân kiệt được ôm ấp, bao bọc bởi dòng Nhĩ Hà trĩu nặng phù sa đến nay đã cả ngàn năm. Trải suốt chiều dọc thời gian với biết bao biến đổi thăng trầm ấy, đời sống văn hóa tinh thần người Thăng Long - Kẻ Chợ vừa phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc Việt vừa in dấu những đặc trưng của con người nơi đô hội Kinh kỳ.

 
Trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn luôn nắm giữ vị thế của một trung tâm văn hóa lớn của cả nước từ văn hóa, giáo dục đến tín ngưỡng tâm linh, diễn xướng giải trí.
 
Về giáo dục, mảnh đất Kinh kỳ chính là nơi hội tụ, tôi luyện, là môi trường giáo dục lý tưởng cho các văn nhân, nho sinh, sĩ tử của cả nước bởi nơi đây tập trung nhiều trường học cả công và tư, cũng là nơi tổ chức những khoa thi quan trọng của các triều đại phong kiến. Ngay từ những thế kỷ đầu của nhà nước quân chủ chuyên chế, giáo dục Thăng Long - Hà Nội đã tồn tại song hành cả hai hình thức: nhà nước và dân gian. Cơ sở giáo dục văn hóa chính thống và quan trọng nhất chính là Quốc Tử Giám, được xây dựng từ năm 1070. Cho đến đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn chuyển Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào Huế thì Thăng Long - Hà Nội vẫn là trung tâm giáo dục - văn hóa thu hút đông đảo các giới trí thức, nho sinh. Ngoài giáo dục nhà nước, giáo dục nho học dân gian cũng rất phát triển ở Thăng Long - Hà Nội với một số trường, lớp học tư, dân lập nổi danh khi nho sinh đỗ đạt cao qua các kỳ thi. Trên nền “đất học” Thăng Long đã nổi lên những làng khoa bảng nức tiếng cả nước như Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết (Từ Liêm), Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Thượng Yên Quyết… Bên cạnh những yếu tố tích cực, giáo dục khoa bảng Thăng Long - Hà Nội cũng bộc lộ những góc khuất như lối học thiển cận, vụ thi cử bằng cấp biểu hiện ở tệ học vẹt, công thức đã trở nên phổ biến, chưa kể trong các kỳ thi cũng đã xuất hiện sự gian lận, đánh dấu, đánh tráo quyển thi…
 
Về tín ngưỡng tôn giáo, cấu trúc tâm thức của dân chúng Thăng Long - Hà Nội nằm trong khuôn mẫu một nền văn hóa phương Đông với lối tư duy và những quan điểm theo các thuyết vạn vật nhất thể, tam tài đô hội, âm dương tương ứng. Người Kẻ Chợ không cuồng tín nhưng đa tín, dị tín, có phần mê tín mà biểu hiện là tín ngưỡng phiếm thần với các tập tục thờ cúng vật linh, thần linh, tổ tiên. Tất cả mọi gia đình ở Kẻ Chợ, dù sang hay hèn, quý tộc hay bình dân đều lập bàn thờ tổ tiên ở trong gian chính giữa của ngôi nhà, vào nơi trang trọng nhất, thường xuyên có đèn nến, hương hoa và đồ thờ cúng trong các dịp tế lễ. Một nét nổi bật trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở Thăng Long - Hà Nội chính là tư tưởng tam giáo đồng nguyên, sự hòa hợp giữa những trường phái, tư tưởng tôn giáo thường khác biệt, khắc chế nhau như Nho - Phật - Lão. Thế nên rất dễ hiểu khi nhiều nho sĩ trí thức Thăng Long - Hà Nội lại tinh thông, am hiểu, tán dương Phật, Đạo trở thành những nho - sư, nho - đạo sĩ, hay trong một gia đình việc “chồng Nho, vợ Phật” là rất bình thường và vô cùng phổ biến… Khi Thiên Chúa giáo du nhập vào Hà Nội, các giáo sĩ phương Tây cũng rất nhấn mạnh đến tinh thần khoan dung, hòa hợp tôn giáo của dân Kẻ Chợ: “Dân chúng không ác cảm với đạo Thiên Chúa, không tán thành việc quấy nhiễu, khủng bố giáo dân” (Richard. 732).
 
Cùng với đời sống tâm linh, đời sống tình cảm của cộng đồng dân cư đô thị Thăng Long - Hà Nội được phản ánh phong phú qua văn thơ nho sĩ và bình dân. Đặc biệt, đến những thế kỷ XVII, XVIII, dân chúng Kẻ Chợ rất ưa thích những truyện nôm khuyết danh về các mối tình nam nữ trắc trở, phải trải qua nhiều thử thách, được khắc ván in tại các hiệu sách phường Cổ Vũ (phố Hàng Gai ngày nay). Bên cạnh đó, người thị dân Thăng Long - Hà Nội cũng rất chú ý đến các loại hình diễn xướng, giải trí, và một trong những thú vui được ưa chuộng là những buổi biểu diễn ca múa nhạc trên sân khấu, gọi chung là nhạc giáo phường (“phường chèo” phục vụ quảng đại quần chúng và “phường nhà trò” thường phục vụ giai tầng thượng lưu quyền quý). Thời Lê Sơ, nhạc giáo phường dân gian bị hạn chế tuy nhiên càng về sau tình hình càng đổi khác, tại cung vua phủ chúa cũng diễn ra các buổi biểu diễn những làn điệu hát Cửa quyền (biến tấu của nhạc giáo phường, được cung đình hóa). Ngoài ra người Thăng Long còn rất ưa thích chọi gà, đi cà kheo, nhảy dây, tung hứng, hay những thú chơi thanh tao, phong nhã như thả thơ, gọi hoa thủy tiên ngày tết…
 
Lịch sử Thăng Long - Hà Nội không chỉ gắn với sự hưng vong của các triều đại phong kiến, sự dâu bể qua mỗi biến cố, thời đoạn mà nó còn song hành cùng một đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú, có sự hòa kết giữa nhiều yếu tố, vừa biểu trưng cho nền văn hóa dân tộc vừa với những nét đặc thù định danh cho vùng đất Kẻ Chợ. Tụ lại bao giờ ta cũng thấy nổi lên ở đó tinh thần hiếu học, sự nhân văn và nét điệu tâm hồn tinh tế của con người nơi mảnh đất đế đô này.
 
 
Phong Kiều
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)