Các yếu tố hình thành nên tính cách “thanh lịch” của người Hà Nội
Trong bài viết này, người viết bàn về các yếu tố đã hình thành nên tính thanh lịch – văn minh của người Hà Nội được đúc kết qua các tài liệu, công trình nghiên cứu về con người Hà Nội. Đã có rất nhiều bài viết, bài nghiên cứu khoa học luận bàn về những yếu tố hình thành nên tính cách của người Hà Nội xưa và nay, mỗi bài viết đều có cách nhìn nhận về các yếu tố này một cách khác nhau, nhưng tựu chung lại thì có bốn yếu tố tác động chính đến việc hình thành tính cách người Hà Nội.
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã hình thành nên tính cách của người dân kinh đô. Trong Chiếu dời Đô, Lý Thái Tổ từng nói: “Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc, địa hình thế núi sông sau trước. Ở nơi đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật đều phì nhiêu tươi tốt. Xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là nơi hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương muôn đời!”.
Vị trí địa lý, địa hình và điều kiện tự nhiên thuận lợi của kinh đô Thăng Long đã được Lý Công Uẩn nhận ra trong khi đi tìm một vị trí để đặt kinh đô cho muôn đời sau ngay từ năm 1010. Chính vì vị trí “đắc địa” này, mà các giai đoạn lịch sử tiếp theo, Thăng Long vẫn là nơi hội tụ của bốn phương đất trời, người dân từ khắp nơi về đây sinh sống đã mang đến cho vùng đất trung tâm của đồng bằng sông Hồng này lối sống, nếp sống, phong tục tập quán ở khắp các vùng miền khác nhau tạo nên sự đa dạng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đất Kẻ Chợ.
Cùng với vị trí, địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Hà Nội còn là một cơ tầng văn hóa – lịch sử, có sức hút đối với các vùng lân cận. Là nơi tập trung các thành phần tiêu biểu của “tứ chiếng” nên Thăng Long cũng là nơi đào tạo nhân tài lớn bậc nhất của cả nước trong một thời gian dài. Vì thế, một cách ngẫu nhiên đây là nơi tập trung những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phong phú, tập tục tốt đẹp và là mảnh đất màu mỡ xuất hiện nhiều nhân tài, hiền tài trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, nghệ thuật, y học… Những nhân tài này có thể là người Thăng Long hoặc có thể là người ở các địa phương khác đã phát triển tài năng và sự nghiệp của mình trên mảnh đất kinh thành đã đóng góp cho sự phát triển của Thăng Long nói riêng và cả dân tộc nói chung. Những nhân vật được dân chúng kính trọng và tôn thờ do đó mà tính cách, lối sống của họ có ảnh hưởng lớn đối với quảng đại quần chúng nhân dân, khiến cho những nét đẹp ngày càng được nhân rộng.
Theo sử sách cũ ghi lại: Vùng đất Thăng Long xưa có vị trí thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán nên nơi đây luôn là đô thị sầm uất, phồn thịnh, dân cư đông đúc hơn so với các vùng lân cận. Chính những yếu tố này đòi hỏi người dân thủ đô phải chứng tỏ tính cách, lối sống, lối ứng xử văn minh của mình sao cho xứng tầm với việc phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị trung tâm bậc nhất của đất nước. Điều kiện khách quan và chủ quan đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tính cách thanh lịch văn minh của người dân thủ đô trong mấy nghìn năm lịch sử.
Thêm nữa, là một thủ đô liên tục trong suốt 1000 năm lịch sử, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của người dân cả nước. Người Hà Nội, luôn ý thức được vai trò quan trọng của mình là người đại diện cho dân tộc, điều đó gợi lên lòng tự hào sâu sắc, là nguồn động viên, khuyến khích họ tu dưỡng bồi đắp những phẩm cách đẹp đẽ để xứng đáng là người dân của thủ đô ngàn năm văn hiến. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, với vai trò là thủ đô của nước ta, Hà Nội có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, học hỏi và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, việc tiếp thu có chọn lọc đã làm cho đời sống văn hóa ở Hà Nội ngày càng đa dạng và phong phú.
Lấy tiêu đề là câu thơ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” trong bài tham luận của mình tác giả Trần Bạch Đằng đã khẳng định vị thế và hình ảnh của Thăng Long - Hà Nội trong tâm thức người Việt Nam, đóng vai trò sợi dây vững bền kết nối các thế hệ người Việt với nhau, như biểu trưng cho cội nguồn, cho niềm tự hào và cả nỗi đau; khẳng định Thăng Long là “bộ phận vật chất” trong con người Việt Nam, không kinh kỳ nào có thể thay thế được.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội