Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 29/07/2015 04:46
Văn hoá Thăng Long – Hà Nội: Vài nét chấm phá

Trong suốt tiến trình lịch sử ngàn năm, Thăng Long – Hà Nội luôn là đô thị đầu não, trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước. Với riêng đồng bằng Bắc bộ, Thăng Long – Hà Nội là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hoá vùng đồng bằng Bắc bộ, thu hút tinh hoa của mọi miền, trước hết là từ tứ trấn nội kinh, để rồi trên cái nền kinh tế - xã hội phát triển cao, trên cái nền học vấn thịnh đạt, nó được nâng lên, “lên khuôn”, định hình, rồi từ đó lan toả và ảnh hưởng ra các vùng xung quanh, khẳng định vai trò hướng đạo cho tiến trình phát triển của đất nước.

 
Trước khi Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở đầu kỷ nguyên phong kiến tự chủ, nơi đây còn là thành Đại La - Tống Bình, nơi đặt đô hộ phủ của bọn phong kiến xâm lược phương Bắc. Bởi vì nơi đây có vị trí thuận lợi, có đường toả đi các nơi và thông ra biển, nơi muôn vật giàu thịnh, dân cư đông đúc, sầm uất. Đến năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô ra Đại La và đổi tên là Thăng Long. Từ đây, với cái tên là Thăng Long nơi đây đã tồn tại và phát triển hơn nghìn năm.
 
Có thể thấy, văn hoá Thăng Long thời Lý là thời kỳ phục hưng của văn hoá dân tộc. Thăng Long thời Trần, với chiến công ba lần thắng quân Nguyên – Mông đã đưa văn hoá Đại Việt đạt tới một đỉnh cao mới. Đến thời Lê với nền chuyên chế quân chủ đã phát triển cao, Thăng Long – Đông Đô là đầu não của một quốc gia phong kiến vững mạnh, nền văn hoá dân tộc phát triển từ phân hợp hai dòng dân gian và bác học. Đến thời Nguyễn – Tây Sơn, tuy kinh đô chuyển vào Phú Xuân - Huế, nhưng Thăng Long vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hoá phát triển, cùng với Phú Xuân - Huế đưa văn hoá truyền thống Đại Việt đạt tới đỉnh cao. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, văn hoá Thăng Long – Hà Nội theo xu hướng chung của thời đại, đi vào quá trình đổi mới, hình thành nền văn minh Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh.
 
Tuỳ theo các thời đại và bước phát triển của quốc gia mà Thăng Long – Hà Nội dần mở rộng. Có thể thấy, trong các triều đại phong kiến đóng đô ở Thăng Long, ngoài hoàng thành là nơi ở và làm việc của triều đình thì kinh thành là nơi ở của thị dân. Theo tương truyền, Thăng Long thời Lý có 61 phường, đến thời Lê thì gộp lại 36 phường, dân cư chủ yếu là thị dân sinh sống bằng nghề thủ công và buôn bán, ngoài phần hoàng thành và kinh thành là các làng xóm nằm kế cận Thăng Long, nhân dân làm nghề nông, trồng lúa, rau quả, buôn bán cung cấp cho kinh thành. Quy mô phát triển của Thăng Long ngày càng mở rộng, các làng mạc rìa kinh thành dần dần bị thành thị hoá và thu hút vào thành phố.
 
Trải qua tiến trình lịch sử nghìn năm với quá trình mở rộng như vậy, nhất là những thập kỷ gần đây, phạm vi của vùng văn hoá này bao giờ cũng lấy tâm điểm là nội thành và các xã ven nội. Trên cơ sở đó, có thể mở rộng thêm các vùng ngoại vị trước hết là Thanh Trì, Từ liêm. Các vùng Gia Lâm, Đông Anh và xa hơn là Ba Vì, Sóc Sơn, từ năm 2008 đến nay đã thuộc thành phố Hà Nội, nhưng xét về phương diện văn hoá không phải là đồng nhất, ở mỗi vùng có những sắc thái địa phương riêng.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Phúc cho rằng, lãnh thổ Hà Nội ngày nay còn là sự gộp lại của bốn khu vực (Thăng Long - Thượng Kinh tức nội thành; một phần Kinh Bắc – Đông Ngàn nay là Đông Anh và Gia Lâm; một phần xứ Đoài – Sơn Tây với Từ Liêm, Hoài Đức và một phần trấn Sơn Nam Thượng tức là Thanh Trì). Mỗi khu vực có những nét độc đáo riêng. Ví dụ như xứ Đoài có những ngôi đình nổi tiếng, còn chùa lại là thế mạnh của xứ Đông (chùa Đông, đình Đoài). Như về tín ngưỡng, cũng thờ cúng Hai Bà Trưng nhưng các khu vực Hà Nội vẫn có những khác biệt về ngày kỵ giỗ và các tục hèm. Do đó, hiện nay khi nói tới văn hoá Thăng Long – Hà Nội thì vẫn chủ yếu mới chỉ đề cập tới văn hoá nội thành xưa và nay.
 
Mảnh đất lịch sử với các di tích, danh thắng, đền đài, chùa tháp:
 
Thời trước Thăng Long, các di tích còn sót lại ngoài những hiện vật còn lưu giữ trong lòng đất, thì thành Cổ Loa và những đoạn thành Đại La là còn quan sát được. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI, các di tích thuộc các thời Lý, Trần, Lê sơ là các vết tích kiến trúc cung điện, thành luỹ, thành bậc đàn Nam Giao, một số di vật ở Văn Miếu, các dấu tích điêu khắc trên đá, trên gạch nung, trên gỗ… Trong 5 thế kỷ này, có thể kể tới những di tích nghệ thuật tiêu biểu như chùa Bà Tấm, bệ đá chùa Bái, chùa Đông, những thành bậc điện Kính Thiên, bậc đàn Nam Giao, Văn Miếu.
 
Từ thế kỷ XVI trở đi, trải qua các thời Lê Mật, Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn mà ngày nay còn để lại các di tích lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu như đình Tây Đằng, chùa Đa Tốn với tượng Quan Âm, đình Chu Quyến, Liên Hiệp, am Vĩnh Trấn, đền Gióng… Các di tích trong nội thành với đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ, Voi Phục, chùa Láng, tháp chùa Liên Phái, đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng… Thời Pháp thuộc với các công trình tiêu biểu như Nhà Hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Viện Bảo tàng Lịch sử… Đến nay có thêm di tích Lang Chủ tịch Hồ Chí Minh…
 
Phường nghề, làng nghề thủ công truyền thống:
 
Những phường nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Thăng Long – Hà Nội vừa là nguồn thu hút lao động thị dân, vừa đáp ứng những nhu cầu thị trường đô thị. Các phường nghề hay làng nghề này có cái gốc ở đây, có cái do người thợ thủ công vùng quê sản xuất đem ra bán rồi di dân lập phường thợ ở kinh kỳ. Các phường thợ hay làng thủ công đều kết hợp giữa sản xuất và buôn bán nên các tên phố của 36 phố phường xưa thường gọi theo nơi sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng với Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Chiếu, Hàng Chả Cá, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Giấy…
 
Các nghề thủ công nổi tiếng của Hà Nội là tranh Hoàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng (tranh Tết), gốm Bát Tràng, giấy dó Bưởi, các làng dệt tơ tằm như Bưởi, Đại Mỗ, Vạn Phúc… Nét đẹp làng nghề Hà Nội không chỉ có nghề làm tranh mà còn có các làng trồng hoa như Ngọc Hà, Nhật Tân, Tây Hồ…, trồng rau nổi tiếng như làng Láng…
 
Nét thanh lịch, tao nhã trong ẩm thực, trong trang phục:
 
Với nhân dân cả nước, người Thăng Long – Hà Nội không chỉ nổi tiến là thanh lịch với vốn văn hoá tinh thần phong phú mà người ta còn thấy ở những con người nơi đây trang nhã trong cách ăn mặc, tinh vi, khéo léo trong cách chế biến món ăn, khi đến với Hà Nội nếu ai đã một lần thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây thì chắc sẽ không thể nào quên.
 
Câu ca “ăn Bắc, mặc Kinh” là ý nói đến Kinh kỳ Thăng Long, Kẻ Chợ. Dân Hà Nội ăn mặc giản dị trong kiểu cách, nền nã trong màu sắc, nhưng không tự nhiên, xô bồ mà thể hiện sự lựa chọn của những người có trình độ thẩm mỹ cao. Cũng bởi vậy, dù người Hà Nội mặc bộ quần áo lao động của giới cần lao, nhưng vẫn toát lên được vẻ phong lưu.
 
Nét tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội, người Thượng Kinh thể hiện trong cách lựa chọn và chế biến món ăn. Cử chỉ khi ăn uống cũng luôn giữ vẻ thanh lịch của người đang thưởng thức cái ngon, vẻ đẹp chứ không ăn lấy đủ, lấy no. Không chỉ nổi tiếng bởi các món ăn nấu theo kiểu cổ, các món chế biến cao cấp từ những thực phẩm quý hiếm mà Hà Nội còn nổi tiếng với các món quà. Các thứ quà bánh ngon và thói quen hay ăn quà cũng thể hiện nếp ăn của người Hà Nội, khi đi xa chắc hẳn ai cũng nhớ da diết, cồn cào Hà Nội qua các món quà như phở, bánh cuốn, cháo, xôi, ngô nướng, ngô bung, tiết canh, lòng lợn, mỳ vằn thắn, các loại bánh cốm, bánh đậu xanh… Hơn nữa, người Hà Nội còn giỏi trong việc tiếp thu và đồng hoá các món ăn ảnh hưởng từ người Trung Quốc, từ người châu Âu và từ đó tạo ra những món ăn ngon có tiếng, được bạn bè quốc tế khi đến với Hà Nội đều hài lòng.
 
Thăng Long – Hà Nội – nơi hội tụ của bốn phương đất nước do vậy nói đến người Thăng Long – Hà Nội là nói đến con người tứ xứ hội nhập lại, nhưng gắn bó với vùng đất này, với cốt cách của mình Hà Nội đã nhào nặn con người tứ phương thành con người Thăng Long – Hà Nội.
 
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
 
Và nhìn con người Hà Nội có thể nhìn từ những danh nhân, những con người tiêu biểu nhất của một vùng đất, những con người có những đóng góp nhiều nhất tạo ra văn hiến cho mỗi vùng nhưng họ đều mang dấu ấn tài năng và phẩm cách Kẻ Chợ (tài năng, tinh tế, nhuần nhuỵ, thanh lịch, hào hoa…): Lý Ông Trọng, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Hàn Thuyên, Trịnh Trọng Từ… Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… Họ đã để lại cho hậu thế những tấm gương và nhân cách tiêu biểu: yêu nước, thương dân như Nguyễn Trãi; cương trực, tiết tháo như Chu Văn An; chăm lo bách nghệ như Trạng Bùng, Trần Lô; trung hậu, thông minh như Ỷ Lan, Đoàn Thị Điểm; cần cù, hiếu học như Lý Thường Kiệt, Đặng Trần Côn; tri thức cao sâu, dũng cảm như Ngô Thì Nhâm, Cao Bá Quát…
 
 
Đức Thịnh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)