Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 03/08/2015 04:37
Văn hiến Thăng Long nghìn năm hội tụ

“Văn Hiến Thăng Long” doGS. Vũ Khiêu chủ biên được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách dày hơn 2000 trang giới thiệu về một Thăng Long - Hà Nội, một địa danh đã phản ánh sinh động dòng chảy phát triển rực rỡ của dân tộc hơn 10 thế kỷ. Chính tại mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

 
Thăng Long – Hà Nội một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi mà đâu cũng khắc ghi những dấu ấn của ngàn năm văn hiến, luôn biết tiếp nhận có chọn lọc tất cả những gì tinh tuý nhất của mọi vùng miền đất nước và xa hơn, của bạn bè quốc tế. Từ đây tinh hoa của dân tộc được kết tinh, hội tụ và lan tỏa trở thành biểu tượng của một nền văn hiến Việt Nam - một bản sắc riêng đầy quyến rũ.
 
Năm 1010, nơi đây được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như Rồng bay lên. Năm 1831 vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt lại tên cho Thăng Long là Hà Nội có nghĩa là: thành phố nằm trong vòng bao quanh của một con sông giữa đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Nơi đây còn ghi biết bao dấu tích văn hiến của mảnh đất từng là kinh đô trong suốt thời kỳ phong kiến và ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi hội tụ các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể xã hội, nơi diễn ra các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các kỳ họp Quốc hội, mà từ đó đã đưa ra các nghị quyết, đường lối, sách lược đối nội và đối ngoại cho từng giai đoạn xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
 
Là đất kinh đô ngàn năm văn hiến, văn hoá Hà Nội hội tụ kết tinh, tinh tuý văn hoá của mọi miền đất nước. Hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Hà Nội phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc của người Tràng An.
 
Có thể nói, văn hoá Hà Nội với các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đã trở thành một biểu tượng của văn hoá Việt Nam. Hà Nội - trái tim của đất nước, thành phố hoà bình - đã được biết đến với những tinh hoa văn hiến ngàn năm.
 
Đó là, Khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” nằm ở phía đông bắc thành cổ trong gần 10 thế kỷ đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm giữ nền độc lập cho nước nhà. Nơi đây, không chỉ từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng; văn hoá ẩm thực phong phú... Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông,... không giản đơn chỉ là tên phố mà ẩn sau mỗi tên gọi là một nghề thủ công đặc sắc, một hoài niệm của lịch sử.
 
Đó là Thành cổ Thăng Long vừa mới phát lộ trong cuộc khai quật khảo cổ có quy mô lớn nhất Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI này. Hoành tráng về quy mô, độc đáo về kiến trúc, lộng lẫy về nghệ thuật, Hoàng Thành chính là một biểu tượng sống động của một kinh đô được xây dựng cách đây hàng ngàn năm, là di tích độc nhất vô nhị, mang tính biểu tượng cho cộng đồng người dân Hà Nội, có giá trị lịch sử đứng vững trước thời gian, không gian.
 
Đó còn là chùa Một Cột thanh thoát như đoá hoa sen. Sự độc đáo trong kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian.
 
Là Trường đại học lâu đời nhất Việt Nam - Văn Miếu Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng tháng 10 năm 1070. Đây chính là biểu tượng của nền học vấn quốc gia, truyền thống hiếu học, thái độ trân trọng, tôn vinh người hiền tài của dân tộc.
 
Là Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hoà trong ngày 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử; là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trang nghiêm mà bình dị như bài ca vĩnh cửu bằng đá, tắm mình trong màu xanh hoa lá từ mọi miền đất nước tụ về, toả hương, che mát, giữ yên lành cho giấc ngủ của Người giữa lòng dân tộc.
 
Là Hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, Tháp Bút, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn lung linh bóng nước đã đi vào sử sách, thơ ca... Và còn rất nhiều, rất nhiều những di tích lịch sử, những ngôi chùa, ngôi đình, những cổng làng Hà Nội... đã tạo nên một quần thể các di sản văn hoá vật thể đặc sắc của Hà Nội.
 
Tinh hoa văn hoá của đất kinh kỳ còn là những di sản văn hoá phi vật thể có trữ lượng khá lớn, phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội. Văn hoá phi vật thể Hà Nội là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất “hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng”.
 
Đó là hệ thống các lễ hội dân gian cổ truyền của người Hà Nội. Lễ hội cổ truyền Hà Nội mang đậm màu sắc lịch sử, bởi Hà Nội là trung tâm, là nơi tập trung các nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử, những dấu ấn lịch sử của môi trường văn hoá đô thành. Thông qua lễ hội và trong lễ hội mọi hành động đều chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Nó là thời điểm gắn bó các thành viên của cộng đồng lại với nhau. Nó là thời điểm mà đời sống văn hoá của mọi người được tổ chức chặt chẽ và có quy mô, do đó được nâng lên một trình độ cao hơn so với những ngày thường, và đó còn là thời điểm hội tụ các khả năng sáng tạo các thể loại văn nghệ, đưa lại niềm phấn khởi hào hứng cho mọi người.
 
Đó là những tục lệ, hương ước của những làng cổ ở chốn kinh kỳ xưa. Hà Nội tuy là Kinh Đô, là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng vẫn là “Kẻ Chợ” của “Kẻ Quê”, ở đó có các thôn làng phố phường đan xen và cùng nhau tồn tại qua thời kỳ lịch sử. Gắn với mỗi làng xã là những tục lệ, hương ước riêng rất tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi nơi. Hiện nay theo số liệu điều tra, Hà Nội còn lưu giữ được hàng trăm bản hương ước bằng chữ Hán và chữ Nôm.
 
Trong kho tàng văn hoá phi vật thể Hà Nội các giá trị về văn hoá ẩm thực chiếm một vị trí đáng kể. Chính những giá trị này đã góp phần sâu sắc để định hình nên bản sắc văn hoá Hà Nội, phong vị Hà Nội.
 
Những món ăn đặc sản như Phở Hà Nội, Nem, Bún chả, Giò chả Ước Lễ, Chả cá Lã Vọng, Xôi lúa Tương Mai, cốm Vòng... mỗi món ăn là một hương vị quyến rũ riêng. Tất cả đã tạo nên một phong vị, một thương hiệu riêng của Hà Nội, góp phần làm cho Hà Nội trở thành khó quên đối với những ai đã từng một lần đặt chân tới nơi đây. Có thể nói chính nghệ thuật ẩm thực là một phần làm nên cái tinh tế của văn hoá và con người Hà Nội.
 
Cuốn sách “Văn Hiến Thăng Long” do GS. Vũ Khiêu chủ biên sẽ giúp chúng ta tìm hiểu và nắm vững những giá trị tinh hoa của văn hiến Thăng Long - Hà Nội đã hình thành và không ngừng phát triển như thế nào để trở thành sức mạnh trường tồn của dân tộc mà ông cha ta đã để lại. Tìm hiểu văn hiến Thăng Long - Hà Nội để thấy được tính liên tục và kế thừa của văn hiến Thăng Long - Hà Nội đối với văn hiến dân tộc, mặt khác cũng thấy được tính đứt đoạn trong sự phát triển của văn hiến Thăng Long - Hà Nội, giúp chúng ta giải quyết vấn đề kế thừa và phát huy truyền thống, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc vừa hiện đại hoá văn hiến Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá. Phát huy hơn nữa những thuần phong mỹ tục tốt đẹp trong nếp sống của người kinh kỳ, góp phần xây dựng con người Hà Nội hôm nay văn minh - thanh lịch - hiện đại như Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) đã nêu.
 
 
Kim Ngân
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)