Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 03/08/2015 04:39
“Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập thần tích” – Bộ tư liệu Hán Nôm phản ánh văn hoá Thăng Long – Hà Nội

Thần tích Thăng Long – Hà Nội không chỉ cung cấp tư liệu khoa học có giá trị mà còn giới thiệu các phong tục tập quán tốt đẹp ở làng xã xưa góp phần làm nên một Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập thần tích” do PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ trì thực hiện, đây là một đề tài thuộc Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” được ấn hành năm 2010.

 
Cuốn sách là công trình nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học, các chuyên gia Hán Nôm nghiên cứu thần tích thần phả, về các vị thần được tôn thờ ở đền miếu ở địa bàn Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Người xưa đã từng dạy Đất có Thổ công, sông có Hà bá với ý muốn nhắn nhủ người đời sau phải biết tôn trọng đánh giá đúng mức công lao của lớp người đi trước, thần tích thần phả là loại hình văn bản Hán Nôm ghi chép các vị thần được tôn thờ ở đền miếu. Dường như mỗi làng của người Việt đều có đền miếu thờ thần, nên đều có ghi sự tích của tôn thần vào văn bản thần tích.
 
Khởi nguồn sự tích của các thần chỉ là truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đến khi chữ Hán được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân Đại Việt thì các truyền thuyết này được văn bản hóa. Các văn bản thần tích chủ yếu được viết bằng chữ Hán, đến đời Lê Trung hưng (1533 - 1787) đã xuất hiện văn bản Thần tích viết bằng chữ Nôm. Có một số văn bản diễn ca theo lối lục bát hoặc song thất lục bát, như: Sự tích Thánh Tản Viên, Sự tích Chủ Đồng Tử, Sự tích Từ Đạo Hạnh. Văn bản thần tích thần phả xuất hiện sớm nhất là sách Việt điện u linh tập có từ đời Trần ghi lại Thánh tích của các vị Thần được liệt hạng quốc tế (Nhà nước đứng ra tổ chức tế lễ). Cuốn sách này gồm 62 văn bản thần tích tiêu biểu. Các văn bản được tuyển chọn theo trục không gian gồm khắp các đơn vị quận huyện trong Thành phố Hà Nội, theo trục thời gian dài suốt tiến trình lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Các soạn giả đã cân nhắc rất kỹ lưỡng câu chữ để đưa ra bản dịch trong sáng dễ hiểu, đồng thời dành rất nhiều công sức tra cứu, tìm tòi để chú giải tỉ mỉ công phu, giúp bạn đọc có được một cái nhìn tổng quan và cụ thể nhất.
 
Là một người con của Thủ đô, theo tín ngưỡng chung của đa phần người Việt, tôi cũng thường xuyên vào những ngày rằm, mùng một, những ngày lễ lớn như tết Nguyên Đán đều thành tâm lên chùa, đến các di tích lịch sử đê tìm sự bình yên trong tâm hồn, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến cho gia đình và người thân. Đi một vòng quanh Hà Nội, qua các con phố, làng quê ta đều bắt gặp rất nhiều chùa, đình, đền. Và chính ngay khu phố ta ở thể nào cũng có gần đó một ngôi chùa, hay một mái đình, đền thờ tự. Sẽ rất là thiếu sót khi một du khách phương xa hỏi ta về lịch sử của những nơi đó, thật xấu hổ khi ta lại tự nhận mình là người con của mảnh đất này mà không một chút hiểu biết gì cả.
 
Đọc “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập thần tích” tôi có thêm một kho kiến thức và biết thêm về hàng vạn bản thần tích hiện đang lưu giữ ở địa bàn Hà Nội mà không phải tới thư viện lớn hay trực tiếp đến các cơ sở thờ tự ở đình miếu để tìm hiểu. Văn bản thần tích là sự tích các vị thần được nhân dân mỗi làng thờ phụng làm Thành hoàng làng, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các vị là những người có công với nước, được dân làng tôn thờ, được nhà nước công nhận ban cấp sắc phong cho phép nhân dân thờ phụng. Thật không uổng công khi được đọc cuốn sách này.
 
Càng đọc tôi lại càng tìm thấy giá trị vô cùng to lớn của cuốn sách và khâm phục tập thể các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, tổng hợp, tuyển dịch để tạo nên cuốn sách bách khoa này. Mà sự tích của các thần thì rất phong phú và đa dạng, họ có thể là những vị anh hùng dân tộc có công đánh giặc giữ nước, có công khai ấp mở làng. Hoặc là những người có công truyền dạy nghề nghiệp cho dân, mở mang học nghiệp. Thời gian xuất hiện có thể sớm muộn khác nhau, song họ luôn là những tấm gương sáng cho dân làng noi theo. Dân làng lưu giữ Thánh tích rất cẩn mật, không ai được phép tùy tiện mở ra xem. Hàng năm vào những dịp lễ tết, dân làng cho rước hộp sắc và hộp Thánh tích đi vòng quanh làng để mọi người chiêm ngưỡng và tuyên đọc, giảng giải cho mọi người,… Cuốn sách không chỉ cung cấp những tư liệu khoa học có giá trị mà còn giới thiệu những phong tục tập quán tốt đẹp ở làng xã xưa như nghi lễ tế thần, hội hè đình đám, kết chạ giao hiếu,…
 
Một ngày không xa cuốn sách sẽ hiện diện trên website của Nhà xuất bản Hà Nội. Quả đây là món quà quý cho tất cả những bạn đọc yêu văn hóa, lịch sử mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. 
 
 
Ngô Duy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)