Hà Nội qua ống kính nhiếp ảnh gia
Cuộc sống con người, thiên nhiên, văn hóa xã hội của Thăng Long - Hà Nội qua ống kính các nhà nhiếp ảnh, trong đó có những nhiếp ảnh gia người Pháp... giúp người xem hình dung được Hà Nội của những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX một cách rõ nét thông qua hơn 300 bức ảnh. Từ đó húng ta sẽ thấy những di sản nghìn năm nay chỉ còn là những hình ảnh kỷ niệm, một thành Thăng Long xây bằng đất nện chỉ thấy ở bức ảnh quý còn lưu giữ, hình ảnh Hà Nội băm sáu phố phường được lưu lại qua các bức ảnh tư liệu...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường dành nhiều tâm huyết để biên soạn và gửi gắm tình cảm của mình với Hà Nội. Có thể cái chất nghệ sĩ cộng với cái vốn thích được khám phá của một nhiếp ảnh gia đã ảnh hưởng khá đậm trong con người ông. Nhờ đam mê khám phá tìm tòi mà nguồn tư liệu của ông rất phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực nhiếp ảnh. Lại là người có kinh nghiệm trong việc tuyển chọn và đã chủ biên nhiều cuốn sách (cả chữ lẫn ảnh), thêm vào đó, bằng kinh nghiệm lao động và tư liệu phong phú của ông khiến cho cuốn sách có được tính chính xác và sự tin cậy trong lòng độc giả.
Đây là một cuốn sách rất quý. Tác giả đã có công sưu tầm được một số lượng ảnh khá lớn ghi lại những hình ảnh về một Thăng Long - Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nội dung các bức ảnh phong phú, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội Hà Nội vào thời kỳ đó, giúp cho người xem có được hiểu biết cụ thể, về một thời kỳ lịch sử qua nhiều khía cạnh của một Thăng Long - Hà Nội vừa cổ kính nhưng lại rất hiện đại. Đồng thời giới thiệu với độc giả Hà Nội, cả nước và bạn bè quốc tế về một Hà Nội với những di tích mang đậm dấu ấn thời gian về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Cuốn sách được xây dựng trên một kết cấu hợp lý ngoài phần lời giới thiệu cuốn sách được chia làm bốn phần chính:
1. Mở đầu: giới thiệu bối cảnh lịch sử Hà Nội giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và di sản văn hóa của mảnh đất nghìn năm
2. Phong cảnh - Di tích - Kiến trúc
3. Phố phường Hà Nội
4. Nếp sống thanh lịch của người Tràng An
5. Hoạt động kinh tế
Cuốn sách được thể hiện một cách mạch lạc, giàu cảm xúc, nhiệt huyết với Hà Nội, nói lên một tình yêu Hà Nội sâu sắc của chủ biên. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc hàng loạt tác phẩm nhiếp ảnh quý, có giá trị, hấp dẫn, giúp người xem có những hiểu biết mới về một Hà Nội trước đây. Đặc biệt phải nói đến phần chú thích ảnh được viết khá rõ và kỹ lưỡng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người giới thiệu trước lịch sử.
Cuốn sách đã phản ánh một phần các biến cố lịch sử mà Hà Nội đã trải qua, ví dụ: hình ảnh các trận đánh khi Pháp đưa quân vào thành Hà Nội và thành Hà Nội đã rơi vào tay thực dân Pháp như Điện Kính Thiên bị quan Pháp biến thành đồn trấn thủ, Tòa Công sứ Pháp, khu Đồn Thủy... Sau đó đến với di sản nghìn năm chúng ta thấy được các di tích lịch sử như chùa Báo Ân, phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Điện Kính Thiên, Đoan Môn, Lầu Công chúa, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột,... đều là những hình ảnh ấn tượng đối với mỗi người dân Thủ đô. Trải qua dòng lịch sử đến với phố phường Hà Nội tên những con phố trong lòng Hà Nội với phố Tràng Tiền, đường Đinh Tiên Hoàng, phố Nhà Thờ, phố Hàng Vải, phố Hàng Bạc,... mỗi con phố gắn cho mình một cái tên với một cái nghề tạo cho Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Văn hóa Hà Nội lúc này đã có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Tây hóa về ăn mặc, kiến trúc, đặc biệt là sự xuất hiện của chữ quốc ngữ.
Mỗi một tấm hình đều mang đậm khoảnh khắc, dấu ấn, thời khắc hào hùng của lịch sử Việt, nó như một thước phim làm sống lại những ngày tháng bình yên, những thước hình chiến tranh, những hình ảnh lạng mạn của cuộc sống nhân dân ta. Qua những tấm hình chúng ta thấy được một Thủ đô tuy ở nhiều góc khác nhau và một Thủ đô hội tụ đầy đủ những yếu tố văn hóa cổ truyền cũng như hội nhập, giao thoa.
Thăng Long - Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giời vẫn đây.
Kim Ngân
Nhà xuất bản Hà Nội