Hình ảnh kinh thành Thăng Long thời Trần
Về quy mô cấu trúc, Thăng Long đời Trần hầu như không khác mấy so với Thăng Long thời Lý. Suốt 175 năm đóng đô ở Thăng Long, nhà Trần đã tận dụng tất cả những cơ sở đã xây dựng từ trước, không ngừng tôn tạo, tu bổ, mở mang thêm và kiến tạo một số công trình mới cần thiết.
Năm 1230, nhà Trần tu sửa thành Đại La (thành ngoại), quy mô có mở rộng thêm ít nhiều. Tuy thành đã được bồi trúc nhưng Thăng Long vẫn không tránh khỏi lũ lụt, đặc biệt các năm 1236, 1238, 1243, 1270. Hai vòng thành phía trong là Hoàng thành và Cấm thành vẫn dựa vào thành cũ thời Lý. Năm 1243, nhà Trần đắp lại thành trong và gọi là Long Phượng hay Phượng thành. Các cửa của Hoàng thành và Phượng thành xây dựng kiên cố theo lối tam quan, gồm một cổng chính ở giữa và hai cổng phụ hai bên, trên cổng có lầu gác. Trải qua những biến loạn thời Lý (“loạn ba vương” năm 1028, “loạn Quách Bốc” năm 1209), các cung điện, lâu đài trong Đại Nội bị tàn phá nhiều nên năm 1230 nhà Trần tiến hành xây dựng, sửa chữa lại cung thất.
Ngoài Hoàng thành, nhà Trần còn trùng tu những công trình đã có ở Thăng Long. Điện Linh Quang được rời về Đông Bộ Đầu với tên gọi mới là điện Phong Thủy (nhân dân Thăng Long gọi là điện Trà - nơi dâng trà lên vua lúc ngài xa giá ra ngoài Hoàng thành). Bên cạnh sông Hồng có trạm Hoài Viễn, nhà Trần còn xây dựng thêm khu Sứ Quán để đón tiếp sứ giả nước ngoài.
Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng từ năm 1070 đến năm 1253 được gọi là Viện Quốc học, trường không chỉ dành cho con em quý tộc mà còn mở rộng cho nho sĩ cả nước. Chế độ giáo dục và thi cử thời Trần có quy củ hơn triều Lý và các khoa thi đã được tổ chức đều đặn hơn.
Không chỉ quan tâm đến Nho học, Thăng Long thời Trần cũng mang đậm tinh thần thượng võ thể hiện qua việc lập Giảng Võ đường và Trường Đua để huấn luyện tướng sĩ. Ở đó, vua, thái tử, các vương hầu tông thất và tướng lĩnh được học binh thư, binh pháp và võ nghệ. Trường võ bị cao cấp đầu tiên này đã đào tạo ra một đội ngũ tướng lĩnh tài ba của quân đội nhà Trần, nhiều người đóng góp công trạng to lớn vào việc bình Nguyên - Mông. Việc giảng dạy và học tập binh pháp lúc đó theo phương pháp mới mà như Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh là phải sáng tạo, linh hoạt, không rập khuôn máy móc.
Vẫn theo tư tưởng trọng Phật giáo, coi đây là quốc giáo như thời Lý, nhà Trần hầu như không xây mới mà chỉ trùng tu, mở rộng các kiến trúc tôn giáo như chùa quán, đền miếu. Chùa Một Cột được xây dựng lại năm 1249 trên cơ sở nền cũ, tháp Báo Thiên, đền Đồng Cổ được tu sửa, bảo tồn… đảm bảo không gian tâm linh, tế tự của cư dân cũng như tầng lớp quý tộc của Kinh thành.
Với vị thế là kinh đô của cả nước nên ở Thăng Long, phố phường, dân cư vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1230, nhà Trần hoạch định các phố phường, chia làm 61 phường. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ tư liệu để lập đủ danh sách 61 phường đó, sử biên niên chỉ ghi lại một số tên như: An Hoa, Cơ Xá, Hạc Kiều, Giang Khẩu, Các Đài, Nhai Tuân, Tây Nhai, Phục Cổ, Toán Viên, v.v…
Sự phát triển của Thăng Long về mọi mặt ngày càng ảnh hưởng đến các vùng xung quanh. Một số vương hầu lập phủ đệ và các thái ấp được hình thành xung quanh kinh thành như thái ấp của Trần Quang Triều ở Gia Lâm, Trần Khát Chân ở Hoàng Mai… đã tác động ít nhiều đến diện mạo vùng ven đô. Một số làng ngoại thành cũng chuyển dần sang các hoạt động công thương nghiệp và hình thành những làng thủ công, trong đó làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) phục vụ cho cuộc sống của cư dân cũng như bồi trúc, xây đắp Kinh thành. Sự phát triển kinh tế - dân cư làm cho bộ mặt thành thị Thăng Long thời Trần ngày càng rõ nét hơn, dù đó chỉ là một kiểu thành thị nông nghiệp phương Đông.
Các công trình kiến trúc ở Thăng Long dưới sự cai trị của nhà Trần vẫn giữ nét đẹp truyền thống từ thời Lý. Thăng Long đã toát lên vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Sông, hồ, ao, đầm cùng với những rừng cây, vườn hoa quả xen lẫn giữa những kiến trúc cung đình và dân gian tạo thành nét đặc thù cho Kinh thành. Đặc biệt có những đường phố tên gọi được xuất phát từ việc trồng riêng một loại cây như Liễu Giai (trồng liễu ở phía tây), Hòe Nhai (trồng hòe ở phía cổng đông).
Về sinh hoạt văn hóa của Thăng Long, nhộn nhịp và đông vui nhất vẫn tập trung vào những ngày lễ hội đậm tính dân gian. Trong cung đình thì có những đội đấu vật, đá cầu, đánh gậy khá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Thăng Long là nơi hội tụ của tinh hoa văn hóa nên những nhà văn hoá lớn của đất nước thời Trần như Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh… đều hội vụ về đây, làm đẹp, làm rực rỡ thêm cho mảnh đất này.
Trải qua quá trình phát triển trên mọi lĩnh vực, kinh thành Thăng Long xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị lớn nhất của nước Đại Việt thế kỷ XIII. Nơi đây đã ghi dấu những trang sử vẻ vang của thời đại nhà Trần với ba lần đánh tan vó ngựa xâm lăng của giặc Nguyên - Mông cũng là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa, tinh thần thượng võ của đất nước.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội