Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 11/08/2015 04:22
Cách mạng Tháng Tám - Tầm cao trí tuệ, sức mạnh toàn dân

Lịch sử là sự kế tục và nhân lên những giá trị trường tồn tạo thành cốt cách, tinh hoa và sức mạnh tiềm ẩn vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam và ở thời đại nào cũng thể hiện ra ở hai nhân tố: Tầm cao trí tuệ và sức mạnh toàn dân tộc.

 
Sứ mệnh dẫn dắt dân tộc bước lên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng ấy, lịch sử đã tìm thấy ở bộ phận tinh hoa nhất của dân tộc mà tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã dâng hiến cho Tổ quốc - Nhân dân Việt Nam toàn bộ trí tuệ, tinh thần và sức lực, cùng toàn Đảng, toàn dân gánh vác sứ mệnh lịch sử, làm nên thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam: Thời đại dân chủ cộng hòa. Từ một đất nước bị nô lệ, lầm than, không có tên trên bản đồ thế giới, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.4).
 
Giành được chính quyền sau hơn 80 năm bị mất nước là một sự nghiệp vô cùng khó khăn. Nhưng giữ vững được chính quyền còn khó khăn gấp bội. Chính quyền non trẻ như ngàn cân treo sợi tóc rất có thể bị thù trong, giặc ngoài bóp chết một sớm một chiều nếu như không có khả năng quyền biến, ứng đối cương nhu, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trí dũng song toàn, khoan dung và độ lượng, lấy việc giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia làm trọng của Hồ Chí Minh cùng với sự đồng tâm hiệp lực, trên dưới một lòng của các chiến sĩ cách mạng và sự hy sinh anh dũng của các giới đồng bào cả nước ta từ Bắc tới Nam. Đấu tranh để tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là ba nhiệm vụ khẩn cấp lúc bấy giờ. Lâu nay chúng ta vẫn nói và viết rất nhiều về quyết sách chính trị sáng suốt và việc thực hiện thắng lợi các quyết sách đó của Chính phủ, đứng đầu là Hồ Chủ tịch mà ít nói tới sự sáng suốt và quyết tâm chống một thứ giặc nội xâm ngay trong hàng ngũ của chính quyền cách mạng. Chỉ có một tầm cao trí tuệ và sự am tường sâu sắc các căn bệnh thâm căn cố đế, tiềm ẩn như một thứ giặc bên trong của mọi hình thái nhà nước, kể cả hình thái nhà nước công nông non trẻ của chúng ta, như Hồ Chủ tịch, thì mới đảm bảo cho sự tồn tại vững vàng của thể chế chính trị tốt đẹp vừa mới được thành lập. Bài học về chống nội xâm trong hàng ngũ chúng ta có ý nghĩa trường tồn, nó vẫn đang có ý nghĩa thời sự nóng hổi khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy nay đã bước vào tuổi 70 và đã có tên gọi mới là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một kiểu nhà nước về thực chất phải là sự tiến bộ gấp nhiều lần về kỷ cương, về thể chế dân chủ và pháp quyền, về tự do… được thi hành bởi một Chính phủ làm công bộc và một đội ngũ cán bộ, công chức thanh liêm, đạo đức, hết lòng tôn kính phục vụ nhân dân.
 
Hơn bất cứ lúc nào, chúng ta cần nhớ lại quá khứ để một lần nữa thấy được tầm cao trí tuệ, đạo đức của một vĩ nhân mà hiện nay Đảng ta đang phát động phong trào rộng rãi học tập và làm theo, coi nó như là một giải pháp nhằm đổi mới, chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước.
 
Giặc nào cũng nguy hiểm, nhưng giặc nội xâm là nguy hiểm hơn cả vì nó có vị trí quyết định đến thành bại của sự nghiệp chống mọi thứ giặc khác. Chống giặc nội xâm cũng như chống bất cứ giặc nào trước hết cần bộ máy lãnh đạo có mưu lược và trung thành, gương mẫu, sẵn sàng đi tiên phong dẫn dắt toàn dân tộc. Cấp trên, đảng viên đi trước, làm trước để cấp dưới, làng nước theo sau, thực hành “tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc” như Bác Hồ đã từng nói và cả đời Người đã làm một cách rất nghiêm túc, cẩn trọng để nêu gương. Nhớ mãi phiên họp ngày 31 tháng 10 năm 1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I. Sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên bố:
 
“Lần này… Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ… Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận.
 
Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.
 
Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái…
 
Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết.
 
Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà…”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.427).
 
Một nguyên thủ quốc gia, một lãnh tụ của Đảng đồng thời là lãnh tụ của dân tộc có được một lời tuyên bố có sức cảm hóa và thu phục lòng người đến như vậy là bởi đằng sau những lời bình dị ấy đã được bảo đảm bằng cả cuộc đời trong sáng, không tỳ vết bởi cái tôi vị kỷ, bởi thói tham quyền cố vị, thăng quan phát tài…
 
Một nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu nhà nước có tâm và có tầm như vậy mới đủ tín nhiệm và quyền uy để nói những điều răn dạy cho toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống công quyền ngay từ khi mới có chính quyền:
 
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
 
Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
 
Việc gì có hại đến dân, phải hết sức tránh.
 
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr. 56-57)
 
Lịch sử không chỉ để lại những thành tựu cho người đời sau ngưỡng mộ, ngợi ca, mà quan trọng hơn cả là để lại những bài học cho hậu thế. Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời biết ơn và tự hào về cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và Tổ quốc ta, Đảng ta, nhân dân ta lại càng tự hào hơn nữa vì có một gia tài vô giá về những bài học mà những người làm nên lịch sử cuộc Cách mạng ấy đã để lại.
 
 
Trần Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)