Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của biết bao thế hệ cư dân và là nền tảng quan trọng để tạo nên truyền thống văn hiến của Thủ đô, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và hệ giá trị của văn hóa dân tộc và của đất nước.
Di tích lịch sử văn hóa dù gắn với vương triều hay cộng đồng dân cư làng xã đều hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học mà các thế hệ tiền nhân đã để lại cho chúng ta hôm nay. Trải qua thời gian, do những biến động của thiên nhiên, của chiến tranh, có những di tích không còn nguyên vẹn như xưa, có những di tích lại được ghi nhận thêm những giá trị lịch sử của thời đại, tất cả đều gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần, là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích luôn được quan tâm.
Việc kiểm kê, xếp hạng di tích trên địa bàn Hà Nội được tiến hành có quy củ, nhằm bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Theo thống kê tính đến năm 2009, Hà Nội có 5.175 di tích, 2.311 di tích đã xếp hạng, trong đó có 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 1.184 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 1.118 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Thời gian gần đây có 05 di tích, danh thắng của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt là Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) và Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì). Những con số này cho thấy Hà Nội là thành phố có số di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng đứng đầu cả nước.
Từ năm 2000 đến nay, hàng năm đều có hàng chục di tích được tu bổ, sửa chữa, thường năm sau nhiều hơn năm trước về số lượng di tích được đầu tư, về tổng lượng kinh phí được đầu tư. Công tác tuyên truyền về hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến được chú trọng, nên lượng du khách thăm quan tăng mạnh trong những năm qua. Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư, tôn tạo, khai thác một số di tích tiêu biểu như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… Nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, luôn là niềm tự hào của người Hà Nội, của cả nước.
Tuy nhiên quan điểm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với di sản văn hóa vật thể còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực tế triển khai. Trong từng trường hợp cụ thể chưa có bài giải nhất quán (đó là bài học của Hoàng thành Thăng Long, Đàn Xã Tắc, làng cổ Đường Lâm, cầu Long Biên…)
Công tác nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (chèo, tuồng, ca nhạc, rối nước, ẩm thực, nghề thủ công…) được thực hiện một cách toàn diện. Năm 2005 dự án “Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông tại Thành phố Hà Nội” có sự tham gia của Văn phòng UBND Thành phố, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã thành công trong việc đưa 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (đèn kéo quân, rối nước, tục ăn trầu cau và gốm Bát Tràng) lồng ghép vào các môn vật lý và hóa học bậc trung học cơ sở. Nhà hát Chèo Hà Nội cũng thực hiện thành công các dự án bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống cũng như phát huy công tác giáo dục, tuyên truyền về nghệ thuật chèo thông qua chương trình “Sân khấu học đường” đem lại một lượng không nhỏ khán giả trẻ. Các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tham gia nhiều chương trình hợp tác, giao lưu về văn hóa với các nước trên thế giới. Thông qua các chương trình nghệ thuật nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội như: ca trù, hát xẩm, rối nước,… đã thu hút được sự quan tâm, hứng thú của bạn bè năm châu. Khách du lịch đến với Hà Nội hầu hết đều không bỏ qua chương trình biểu diễn rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long hay các chương trình biểu diễn ca trù của Câu lạc bộ ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội.
Đối với Hà Nội vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được đặt ra một cách cấp bách vì Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước. Do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng, vì vậy dưới tác động mạnh mẽ của những biến đổi kinh tế - xã hội, của giao lưu quốc tế nhiều giá trị văn hóa phi vật thể ở Hà Nội đang có nguy cơ bị mai một hoặc bị đồng hóa. Mục đích chính đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể là phải bảo tồn các giá trị này ngay chính trong đời sống cộng đồng - nơi sản sinh, nuôi dưỡng những giá trị đó - và làm phong phú nó trong đời sống.
Tìm hiểu, nghiên cứu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là tìm ra những tinh hoa ẩn dấu bên trong những di sản ấy, để trên con đường đi tới tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ngô Duy
Nhà xuất bản Hà Nội