Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 13/08/2015 09:40
Thời cơ và thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội

Văn hóa Hà Nội đã kết tinh và hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, trường tồn về thời gian như một chất keo gắn kết cộng đồng người Việt với nhau để cùng tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những thời cơ và cả những thách thức.

 
Kết quả điều tra xã hội học của Ngành Văn hóa - Thông tin Hà Nội năm 2004 đã cho thấy, dư luận nhất trí đề cao các giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc và của người Hà Nội là: Yêu nước, ý thức cộng đồng, tự cường dân tộc; hiếu thảo, hiếu học, tôn sư trọng đạo, thờ cúng tổ tiên; bổn phận, tự trọng, tình nghĩa, chữ tín; hòa thuận, kính trên nhường dưới, trong ấm ngoài êm, nền nếp, thanh lịch; tài hoa, chuộng người tài, chuộng cái mới, khéo léo, tế nhị, mến khách, quý trọng xóm giềng, bạn bè… Những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng đã làm nên sức sống mãnh liệt, giúp dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách cam go để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động nhiều chiều đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội.
 
Sự phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ trên toàn cầu đã thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của xã hội thông tin và kinh tế tri thức, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật nhờ công nghệ mà hiện đại hóa, có sức lan tỏa nhanh, mạnh, sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Giao thoa văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong quá trình tiến hành sự nghiệp đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tạo động lực cho phát triển văn hóa.
 
Hà Nội với vị thế là trung tâm văn hóa của đất nước, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là cơ hội để mở rộng giao lưu, hợp tác về văn hóa, tạo tiền đề để văn hóa Hà Nội gặp gỡ tiếp xúc với các nền văn hóa của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Đây cũng chính là cơ hội để đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác các giá trị văn hóa như một động lực để xây dựng Hà Nội trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam theo định hướng: bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến; từng bước xây dựng và hoàn thiện những giá trị mới trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, phát triển Hà Nội thành trung tâm văn hóa của cả nước.
 
Toàn cầu hóa và mở rộng hợp tác quốc tế tạo cơ hội tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần làm giàu văn hóa dân tộc, thúc đẩy và hình thành nền kinh tế tri thức, từng bước hình thành lối sống văn minh, hiện đại. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng không những không bị đồng hóa mà ngày càng tỏ rõ sức sống và tạo nên những giá trị độc đáo dựa trên năng lực vừa tự nuôi dưỡng văn hóa bản địa, vừa tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của văn hóa phương Đông và phương Tây.
 
 Toàn cầu hóa và mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế tạo tiền đề để phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn lực con người, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ trí thức. Đây là những yếu tố cần thiết để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa của cả nước.
 
Bên cạnh những thời cơ, xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển kinh tế thị trường đặt ra những thách thức gay gắt cho sự phát triển văn hóa dân tộc nói chung và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội nói riêng. Đó là nguy cơ bị đồng hóa về văn hóa, chệch hướng trong xây dựng và phát triển văn hóa. Các giá trị di sản văn hóa dân tộc và văn hóa tín ngưỡng có nguy cơ mai một do mở rộng địa giới hành chính và quá trình đô thị hóa nhanh. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống và nếp sống của xã hội. Nguy cơ lệch chuẩn trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Đặc biệt là âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch đang tạo ra nguy cơ thẩm thấu, gặm nhấm các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm cho người dân quên đi cội nguồn, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhằm tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội cần có sự đồng lòng, cùng vào cuộc của các cấp ủy Đảng, của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, của từng đảng viên. Vấn đề xây dựng con người Hà Nội vừa hiện đại vừa giàu bản sắc ngàn năm văn hiến được đặt ở ví trí trung tâm trong tiến trình xây dựng những chuẩn mực văn hóa mới, đáp ứng yêu cầu của Thủ đô và đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
 
 
Duy Trần
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)