Cần định hướng giáo dục hành vi giao tiếp văn hoá cho học sinh Thủ đô
Người Hà Nội xưa nay vốn được nhìn nhận như một hình mẫu về tính có văn hoá trong giao tiếp, ứng xử:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Có thể nói, người Thủ đô thể hiện rõ bốn đặc trưng mang giá trị truyền thống, đó là: Truyền thống yêu nước - yêu nhà - yêu đồng bào, có khí phách anh hùng, giàu nghĩa nhân, chuộng hoà bình; truyền thống hiếu học, trọng tri thức; truyền thống tài hoa, tinh tế, lao động cần cù, chịu khó và truyền thống thanh lịch, văn minh.
Phân tích một cách hệ thống những khía cạnh biểu hiện của tính có văn hoá trong giao tiếp của người Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình đánh giá và giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho học sinh Thủ đô hiện nay. Trên thực tế, hành vi giao tiếp luôn gắn liền với những tình huống giao tiếp cụ thể, liên quan đến những người (chủ thể giao tiếp) tham gia giao tiếp, đến tính chất, mục đích của quá trình giao tiếp, đến nội dung và hoàn cảnh giao tiếp. Tuỳ theo từng bối cảnh cụ thể, một hành vi giao tiếp được xem là có văn hóa trong tình huống này song có thể bị coi là thiếu văn hoá trong một tình huống khác.
Chủ thể của hành vi giao tiếp được đề cập đến ở đây là lứa tuổi học sinh Thủ đô. Vì vậy, các tiêu chí đánh giá các nội dung giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cần được xác định phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, hành vi giao tiếp của thiếu nhi luôn liên quan mật thiết với những chủ thể giao tiếp khác (đối tác giao tiếp và quan hệ). Vì vậy, việc xác định các tiêu chí đánh giá và các nội dung giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thiếu nhi cần được cụ thể hoá đến từng mối quan hệ, trong đó hành vi giao tiếp của các em được thực hiện. Một cách khái quát nhất, các chủ thể giao tiếp có liên quan đến thiếu nhi thường được xác định bao gồm ba đối tượng cơ bản, đó là: những người lớn tuổi hơn mình (ông/bà, cha/mẹ, thầy/cô giáo và những người lớn khác), bạn bè đồng trang lứa và các em nhỏ tuổi hơn mình. Tuỳ theo từng nhóm đối tượng giao tiếp, các tiêu chí đánh giá và nội dung giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho lứa tuổi này cần được xác định một cách phù hợp.
Các mối quan hệ giao tiếp của thiếu nhi nói chung và học sinh Thủ đô nói riêng có thể diễn ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: trong phạm vi nhà trường, lớp học; trong sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng, tập thể… Trong những hoàn cảnh này, mục đích giao tiếp của các em cũng hết sức đa dạng. Có khi chỉ đơn thuần là sự chia sẻ thông tin với mục đích hợp tác, trao đổi, giải trí; song cũng có khi lại là sự thuyết phục, vận động, hoặc từ chối, phản bác, phê phán, lên án… Nội dung giao tiếp của các em cũng hết sức phong phú: từ những vấn đề liên quan đến việc học tập, vui chơi cho đến những thái độ, cảm xúc và những thông tin liên quan đến các khía cạnh đa dạng của cuộc sống… Tất cả các yếu tố hoàn cảnh, mục đích và nội dung giao tiếp nói trên đều cần được tính đến trong việc xác định các tiêu chí đánh giá và nội dung giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thiếu nhi Thủ đô.
Trên cơ sở những nghiên cứu về văn hoá giao tiếp của người Hà Nội, về đặc điểm lứa tuổi cũng như các yếu tố liên quan đến tình huống giao tiếp… bước đầu chúng ta có thể xác định được một số biểu hiện cơ bản và mang tính khái quát của hành vi giao tiếp có văn hoá của học sinh Thủ đô cần có như sau:
- Trong giao tiếp với người lớn tuổi hơn mình: Hành vi giao tiếp có văn hoá của học sinh Thủ đô được thể hiện ở sự gần gũi, thân mật nhưng vẫn giữ phép tắc, lễ nghĩa; ngoan ngoãn, biết vâng lời mà vẫn thể hiện được “cái tôi” của mình; ở sự mềm mỏng, tế nhị, lễ độ mà thật thà, trung thực…
- Trong giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa: Các em cần thể hiện thái độ thân thiện, cởi mở, hoà đồng; sự nhiệt tình, chân thành và thiện ý; thái độ khiêm tốn và tôn trọng bè bạn; lòng vị tha, độ lượng; tính thẳng thắn, trung thực…
- Trong giao tiếp với các em nhỏ tuổi hơn mình: Học sinh Thủ đô cần thể hiện tình cảm quý mến và thương yêu các em nhỏ; thái độ chu đáo, tận tình; sự độ lượng và biết nhường nhịn; cung cách nhẹ nhàng, dịu dàng và gương mẫu…
Mặc dù chưa thật đầy đủ, trọn vẹn và chi tiết, song những biểu hiện mang tính khái quát nói trên có thể xem như định hướng cơ bản trong giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho học sinh Thủ đô hiện nay. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng với mỗi nhà trường cũng như gia đình trong việc phối hợp giáo dục, rèn luyện cho lứa tuổi học sinh hình thành hành vi giao tiếp văn hóa, bởi các em chính là thế hệ sẽ giữ gìn và phát huy truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nguyễn An
Nhà xuất bản Hà Nội