Mái nhà Hà Nội - Một nét đẹp của kiến trúc Hà Nội xưa
Một trong những vẻ đẹp vô giá của Hà Nội xưa chính là không gian cổ kính nhấp nhô những mái úp nhỏ bé, rêu phong quyến rũ, mang dấu ấn từ buổi đầu hình thành đô thị. Dạo bước trên những con phố nhỏ bé trong lòng Hà Nội, ta sẽ thấy nép mình sau tán lá xanh mướt hay các khối nhà bê tông cao tầng là những mảng mái ngói nâu đen in đậm màu thời gian. Khác với mái nhà dân gian thường thấy trong các làng mạc cổ xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mái nhà ở đô thị cổ Hà Nội được hình thành từ những sáng tạo kiến trúc của những người thợ xưa trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Và nay, những mái nhà ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong tổng thể kiến trúc thơ mộng của Hà Nội, vừa cổ kính về giá trị lịch sử ngàn năm, vừa hiện đại trong thế kỷ XXI. Hãy thử từ một điểm cao nào đó, nhìn ngắm tầng tầng "sóng mái" lô xô của Hà Nội xưa. Thử tước bỏ những gì mới xen cấy, chèn ép thêm, có phải những sóng mái ấy cứ tự nhiên mà thành nhịp, thành điệu, chẳng do một nét bút quy hoạch nào, vậy mà uyển chuyển, thấm vào lòng người.
Khi nghiên cứu kỹ các chi tiết của những mái nhà cổ, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều điều thú vị. Trong tổng thể từ chất liệu cho tới hình thức trang trí, những mái nhà Hà Nội đều chứa đựng những câu chuyện dài, bắt nguồn từ sự giao thoa giữa các nền văn hoá, cả phương Đông và phương Tây.
Vào khoảng đầu thế kỷ XX, những chi tiết và vật liệu được người Hà Nội sử dụng phổ biến là các vật liệu dân gian như ngói âm dương vẩy cá hoặc ngói mũi hài. Bờ nóc, bờ chảy được trang trí bằng các hoạ tiết riềm, theo lối kiến trúc cổ. Đến nay chúng ta có thể bắt gặp các họa tiết này trên nóc một ngôi đình chùa cổ nằm sâu trong lòng các khu phố cổ của Hà Nội, đó là các hoa văn trên đỉnh hay những đường riềm mái bằng gỗ có hình chạm khắc khá tinh tế... Các chi tiết và hoạ tiết dân gian, cách cấu tạo, phối kết được thể hiện trên kiến trúc cổ của Hà Nội chính là minh chứng cho một chặng đường phát triển của văn hoá truyền thống dân tộc.
Một điểm đặc biệt là những người thợ xây dựng thời xưa hoàn toàn không qua một trường lớp nào đào tạo chính quy, bài bản về kiến trúc, xây dựng, song họ lại có thể tính toán chính xác khi dựng kết cấu một ngôi nhà và tạo nên nhiều tác phẩm nhà bền đẹp, có giá trị với thời gian. Ở giai đoạn này, đa phần các mái nhà Hà Nội cổ thường có kết cầu dầm gồ chịu lực và các hệ cầu phong, li tô đỡ ngói, hoặc được kết cấu theo phương pháp "xang gạch", kết hợp với dầm gỗ được lấy từ các loại gỗ quý như Lim, Táu Xanh, Đinh Hương... Cho tới nay, dù thời gian và cả những tác động của con người đã làm thay đổi bộ mặt của những ngôi nhà trên phố phường Hà Nội, song chúng ta vẫn còn bắt gặp những nét kiến trúc tài hoa của người thợ vô danh đầu thế kỷ. Sự pha trộn văn hoá đã để lại cho mái nhà Hà Nội những hoạ tiết trang trí đa dạng và độc đáo.
Tới đầu những năm 30 của thế kỷ XX, sự thay đổi về đời sống chính trị đã kéo theo sự thay đổi tất yếu về văn hóa, trong đó có cả kiến trúc mái nhà của người Hà Nội. Việc xuất hiện nhiều các dãy phố Tây của người Pháp hay các khu người Hoa định cư đã ảnh hưởng trực tiếp tới phong cách kiến trúc mái nhà Hà Nội. Những ngôi nhà xây dựng trong thời kỳ này đa phần đã khoác lên mình tấm mái bê tông cốt thép thay cho mái ngói mũi hài, vảy cá dân tộc. Bên cạnh đó, sự phát triển đa dạng các loại vật liệu xây dựng mới đã khiến cho những ngôi nhà Hà Nội có thêm nhiều lối kiến trúc mới lạ, sinh động. Bởi vậy, với những mái ngói của người Hà Nội thời gian này, họ đã tỏ ra ưa chuộng loại ngói hình chữ nhật (11 hoặc 12 viên cho một mét vuông mái nhà). Loại ngói này dễ dàng hơn trong xây cất nên đã được sử dụng phổ biến vào thời điểm đó.
Điều đáng ngạc nhiên là sau mỗi quá trình giao thoa văn hóa, các dòng kiến trúc Đông - Tây, kim - cổ tưởng như khá đối lập nhau lại có thể kết hợp hài hoà tạo nên phong cách kiến trúc đặc trưng của mái nhà Hà Nội cổ. Để hôm nay, sau bao thăng trầm lịch sử, chúng ta vẫn cảm nhận được sức cuốn hút mãnh liệt trong kiến trúc mái nhà Hà Nội từ vẻ đẹp rêu phong của những mái ngói xô nghiêng lấp ló dưới tán cây xanh thẫm, hay lặng lẽ nép mình trong những ngõ nhỏ, phố nhỏ của Thủ đô hiện đại.
Nguyễn An
Nhà xuất bản Hà Nội