Hà Nội quyết tâm giữ vị thế đi đầu trong phát triển và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế cả nước
Năm 2012 Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Thủ đô với quy định rõ về vị trí, vai trò của Thủ đô: “Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.” (Điều 2. Luật Thủ đô). Bởi vậy, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thủ đô trong những năm tới vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng hàng đầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đây cũng được coi là khâu đột phá trong chính sách phát triển kinh tế Hà Nội những năm tới, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế Hà Nội theo hướng hiệu quả, bền vững.
Để khẳng định vị thế đi đầu trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng, Hà Nội cần giải quyết nhiều nhiệm vụ, cụ thể là:
Thứ nhất, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Phát triển các loại hình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ khoa học, công nghệ, các nhà quản lý kinh doanh, quản lý xã hội, công nhân kỹ thuật. Triển khai có kết quả chiến lược đào tạo nghề phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xuất khẩu lao động; từng bước sắp xếp, chấn chỉnh hệ thống các trường học trên địa bàn; cơ cấu lại một cách hợp lý lực lượng lao động có trình độ đại học, cao đẳng - trung học chuyên nghiệp - thợ lành nghề. Hà Nội phải đi đầu trong đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực.
Thứ hai, cần phát triển mạnh khoa học, công nghệ, ưu tiên phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, cơ khí - tự động hóa, công nghệ sản xuất và sử dụng vật liệu mới. Tạo lập thị trường công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh và hoạt động quản lý. Xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, khuyến khích lao động sáng tạo phục vụ Thủ đô, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ của cả nước.
Thứ ba, là trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước, với vị thế Thủ đô ngày càng tăng cường, Hà Nội có nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng.Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, chủ động hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế tiếp tục được mở rộng và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Hoạt động đối ngoại của Hà Nội không ngừng mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, thể dục thể thao, trực tiếp và gián tiếp phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Thứ tư, cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được sau gần 30 năm đổi mới, từng bước tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả và phát triển kinh tế tri thức. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có điều kiện tự nhiên phong phú hơn, các nguồn lực cho phát triển dồi dào hơn. Thủ đô tiếp tục nhận được sự quan tâm ngày càng cao của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tỉnh, thành trong cả nước. Việc tổ chức thành công Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tiếp tục là động lực tạo sự phấn khởi tích cực trong Đảng bộ và nhân dân Thành phố. Đồng thời, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng sau khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu; đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục xu hướng tăng; hội nhập quốc tế sâu rộng hơn… sẽ tạo những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Với quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó tập trung vào các dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước, đồng thời Hà Nội tiếp tục giữ vai trò là một trong những trung tâm du lịch, là nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc. Về nông nghiệp, tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp đi đôi với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Có thể nói, Hà Nội cần quyết tâm giữ vị thế đi đầu cả nước trong phát triển và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Vấn đề quan trọng nhất trong những năm tới là phải khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý kinh tế, phát huy tốt vị thế là Thủ đô, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đây có thể coi là giải pháp hữu hiệu nhất, góp phần giúp Thủ đô và cả nước thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Nam An
Nhà xuất bản Hà Nội