Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/08/2015 11:23
Khai thác hiệu quả nguồn lực Khoa học - Công nghệ sẽ thúc đẩy kinh tế thủ đô phát triển

Có thể nói, tiềm lực khoa học - công nghệ của Hà Nội ngày càng được quan tâm đầu tư đúng tầm. Hà Nội hiện là địa phương có nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cả về số lượng và chất lượng cao nhất so cả nước. Đây là một lợi thế vượt trội của Thủ đô mà không địa phương nào trên cả nước có được và là tiềm năng dồi dào, là cơ sở vững chắc đảm bảo cho thành công của chủ trương xây dựng nền kinh tế tri thức cho Thủ đô đồng thời dẫn dắt nền kinh tế tri thức của cả nước.Bởi vậy, khai thác hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ là một giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

 
Trong 5 năm trở lại đây, Hà Nội ngày càng khẳng định lợi thế so với các tỉnh thành khác trong cả nước về quy mô, tiềm lực khoa học - công nghệ. Khai thác có hiệu quả tiềm năng nhân lực khoa học - công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, hiệu quả và chất lượng là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Thành phố.
Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã hình thành và phát triển mạng lưới tương đối hoàn chỉnh các tổ chức khoa học - công nghệ: số lượng các trường đại học và cao đẳng cũng như số lượng cán bộ giảng viên cao nhất so với các tỉnh thành trong cả nước; hơn 100 viện nghiên cứu khoa học - công nghệ với hàng chục ngàn cán bộ nghiên cứu ở hầu hết các lĩnh vực khoa học - công nghệ; hàng trăm trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ thuộc các loại hình: nhà nước, tư nhân, các tổ chức đoàn thể - xã hội...
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có nhiều lực lượng nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ khác nhau, trong đó đáng lưu ý là những lực lượng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như: Viện Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ sinh học, Viện khoa học vật liệu... Việc có mặt trên địa bàn Thủ đô lực lượng đông đảo các viện nghiên cứu thuộc các ngành khoa học - công nghệ khác nhau, đặc biệt là công nghệ cao đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: điện - điện tử - thông tin, cơ - kim - khí, dệt may - da giầy, chế biến thực phẩm, vật liệu mới...
 
Tiềm lực khoa học - công nghệ Thủ đô ngày càng được quan tâm phát triển. Hà Nội hiện có nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cao nhất so cả nước (tổng số nhân lực làm việc trong các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ khoảng hơn 40.000 người. Trình độ nhân lực khoa học - công nghệ đã từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế Thủ đô, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Theo một nghiên cứu mới đây, nếu xét lực lượng trí thức trên địa bàn Thành phố thì tỷ lệ bình quân trí thức trên một vạn dân tại Hà Nội là 844, gấp 4 lần mức bình quân chung của cả nước. Lực lượng tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư chiếm hơn 60% trong cả nước
 
Mặt khác, các trường đại học và viện nghiên cứu của Hà Nội đều có nhiều mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là những nhịp cầu tri thức và khoa học - công nghệ, qua đó có thể tập hợp và khai thác được nhiều nhà khoa học trên thế giới đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp phát triển Thủ đô. Đây là một lợi thế vượt trội mà không địa phương nào trên cả nước có được và là tiềm năng dồi dào, là cơ sở vững chắc đảm bảo cho thành công của chủ trương xây dựng kinh tế tri thức cho Thủ đô và dẫn dắt nền kinh tế tri thức của cả nước. Với vai trò, vị thế sẵn có của Thủ đô, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ để góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của Thủ đô Hà Nội. Cụ thể là:
 
Chúng ta cần sớm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ Thủ đô; xác định khoa học - công nghệ là nền tảng và động lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng; trước mắt khuyến khích sử dụng trong các ngành và lĩnh vực sản xuất có tác dụng lan truyền mạnh, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất khác. Thành phố cần tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn và các sản phẩm ưu tiên ở các lĩnh vực: cơ khí, tự động hoá, điện tử; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ thông tin; công nghệ môi trường... Đồng thời, Thành phố cần thúc đẩy nhanh việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
 
Chúng ta cũng cần xúc tiến thực hiện Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của Thành phố, tập trung vào các nội dung như: đào tạo huấn luyện, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, thông tin; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ... Chương trình cần tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất như: điện, điện tử, tự động hóa; công nghệ thông tin; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp nông thôn, y dược, vật liệu mới, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ....
 
Để tích cực tham gia cùng cả nước thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia,Thành phốHà Nội cần đi đầu và có những chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt: đổi mới cơ chế chính sách và hệ thống quản lý khoa học - công nghệ; thiết lập cơ chế mới phát triển nhanh thị trường công nghệ; có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao; tăng cường các hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ; phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn về khoa học - công nghệ.
 
Như vậy, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thủ đô vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, khai thác hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ có thể được coi là khâu đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tái cấu trúc nền kinh tế Thủ đô theo hướng hiệu quả, bền vững.
 
 
Nguyễn Nam
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)