Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 27/08/2015 03:56
Nho giáo ở Thăng Long – Hà Nội từ cuối thế kỷ XV đến 1945

Nho giáo ở Thăng Long – Hà Nội là biểu tượng rõ nét nhất những gì mà giai cấp phong kiến Việt Nam đã làm được trên mọi phương diện trị nước và dựng nước. Đương nhiên, động lực chính để xây dựng nền văn hiến của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm, ít nhất là đến cuối thế kỷ XVIII, chủ yếu là của dân chúng, của tầng lớp nho sĩ mọi triều đại, những chủ thể sáng tạo chủ yếu của văn hoá chính thống.

 
Từ nửa cuối thế kỷ XV, Nho giáo thực sự trở thành ý thức hệ độc tôn, các khoa thi mở định kỳ ba năm một lần theo quy chuẩn nghiêm ngặt. Ở Thăng Long cũng là lúc xuất hiện rất nhiều danh Nho, nhà văn hoá lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… với những tác phẩm được coi là kinh điển. Thực sự văn hoá Thăng Long đã đạt đến điểm đỉnh của Nho học và truyền thống Quốc học của dân tộc.
 
Tuy vậy, Đại Việt đã bước vào một giai đoạn lịch sử mới với sự phát triển quanh co, phức tạp. Nguy cơ đầu tiên là nạn phân liệt, trước hết là cục diện Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, kéo theo cuộc nội chiến hàng thế kỷ như một hệ quả chính trị tất yếu. Khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra trong hầu hết các triều đại từ thế kỷ XV trở đi. Nho sĩ phân hoá, người ra làm quan, kẻ đi ẩn, người bảo thủ học thuyết, kẻ quay sang tìm chỗ dựa trong các học thuyết Phật, Đạo. Đã bắt đầu có những nho sĩ, quan lại ngay trên đất Thăng Long tìm đến với sự cứu rỗi của Đạo Chúa.
 
Mặc dù vậy, Nho giáo vẫn là hệ ý thức, chỗ dựa tinh thần của triều đình, Phủ chúa và đông đảo giới Nho sĩ vốn vẫn đinh ninh rằng: “Nho giáo là truyền thống bốn nghìn năm của tổ tiên”… Vì thế ở Thăng Long vẫn luôn diễn ra các cuộc tế tự lớn (Nam Giao, Xã Tắc), các vị thần được sắc phong, thờ cúng tổ tiên vẫn được cử hành đều đặn, theo đúng quy chuẩn xem ra có vẻ ngày càng rườm rà của bộ Lễ.
 
Như vậy, tóm lại, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đóng một vai trò to lớn, một cái nôi nuôi dưỡng quan trọng bậc nhất đối với sự tiếp nhận và phát triển Nho giáo ở Việt Nam. Ngược lại, Nho giáo chủ yếu qua giới nho sĩ các thời đại đã đem lại một phần sự bền chắc của nhà nước, sự thăng hoa và chuẩn hoá của khu vực văn hoá chính thống. Là thủ đô thực sự trong tám thế kỷ và thủ đô tinh thần hơn một thế kỷ (1802-1945), Hà Nội có truyền thống Khổng giáo sâu đậm nhất, có những giá trị vật thể và phi vật thể rõ nét nhất.
 
Phải nói thêm rằng, riêng những giá trị kiến trúc tôn giáo của Thăng Long – Hà Nội, xét cho cùng cũng có ảnh hưởng nào đó của Nho giáo. Là thứ “tôn giáo đặc biệt”, biểu trưng quyền lực hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Việt Nam, Nho giáo ở Hà Nội cũng góp phần “điều chỉnh” ứng xử chính trị và văn hoá của các tôn giáo khác, kể cả trong lĩnh vực xây cất cơ sở thờ tự.
 
Nho giáo đã gắn chặt với Thăng Long – Hà Nội suốt gần mười thế kỷ. Cùng với các tôn giáo khác, nhất là hệ thống Tam giáo đã đóng góp to lớn cho việc xây dựng nền văn hiến Thăng Long – Hà Nội, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo các thế hệ tri thức (Nho học), cũng như góp phần tạo nên lối sống của người Hà Nội…
 
Hiện chưa thấy có ai phân tích kỹ rằng, có chút giá trị nào không của Nho giáo với việc định hình mô típ người Hà Nội qua câu ca:
 
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
 
Trong nếp sống và gia phong của người Hà Nội, không ít trí thức tên tuổi của thành phố đã bộc lộ rằng chính nếp sống thanh sạch, kỷ cương, coi trọng danh dự và tri thức vốn bắt nguồn từ nếp sống nhà Nho đã góp phần quyết định tạo ra hình ảnh kẻ sĩ Bắc Hà…
 
Đến cuối thời Hậu Lê, Nho giáo và Nho học cũng dần dần bộc lộ điểm yếu cố hữu của mình cùng với quá trình bắt đầu suy vong của chế độ phong kiến thể hiện ở: giáo điều, hình tức “tầm chương trích cú”, bảo thủ, thậm chí là khư khư một thứ “Chauvin về văn hoá” của Nho giáo Trung Hoa trước sự xâm nhập của văn minh phương Tây và nguy cơ mất nước đến dần… Ở Thăng Long – Hà Nội, tình trạng phân tranh xung quanh ngai vàng nhà Lê giữa các gia tộc lớn họ Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn gây ra sự phân hoá trong giới nho sĩ, làm cho sự vận dụng đạo lý Khổng Mạnh ngày càng vấp phải những nghịch lý. Về khía cạnh nghiên cứu xã hội học tôn giáo, từ năm 1913 M.Weber trong tác phẩm Xã hội học tôn giáo đã cảnh báo: Nho giáo, nếu là tôn giáo, thì nó thuộc loại tôn giáo thích nghi với trần gian. Đó là thứ tôn giáo “quên hẳn tính siêu việt”, nó sinh ra một thứ đạo đức thơ lại, duy lợi, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa…
 
Nho giáo có nhiều dấu ấn về lịch sử, văn hoá đối với Thăng Long – Hà Nội. Nho giáo đã phát huy hết mọi chiều kích của một hệ thống học thuyết chính trị, đạo đức, một công cụ trị nước hữu hiệu của giai cấp phong kiến Việt Nam, trước khi nó suy thoái, bạc nhược, “bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử giữ nước cuối thế kỷ XIX (theo Trần Văn Giầu).
 
Rõ ràng, về phương diện văn hoá, giáo dục, đối với nền văn hiến Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Nho giáo là lò đào luyện nhân tài chủ yếu của đất nước. Về phương diện đời sống tôn giáo, tuy không phải là một “tôn giáo chính danh” nhưng Nho giáo và kéo theo đó là truyền thống Tam giáo đồng nguyên cũng đã khiến cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trên đất Kinh kỳ thêm phong phú đa dạng, với những giá trị văn hoá tôn giáo vật thể và phi vật thể…
 
 
Quang Đỗ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)