Một số di tích nổi tiếng của Đạo giáo ở vòng ngoài của không gian tâm linh Thăng Long – Hà Nội
Đền Chử Đồng Tử: Mặc dù ở nhiều nơi trên đất nước ta có loại hình này, nhưng nổi tiếng nhất là đền Chử Đồng Tử thuộc huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội hơn 20km theo đê sông Hồng có 2 ngôi đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử: một là ở thôn Đa Hoà, xã Bình Minh ven sông Hồng nơi có bãi Tự Nhiên mà công chúa Tiên Dung và chàng Chử Đồng Tử có câu chuyện tình lãng mạn bậc nhất của nước ta. Ngôi đền thứ hai thuộc xã Dạ Trạch, nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân hoá về trời. Cả hai ngôi đền đã được xếp hạng từ lâu với tổng thể kiến trúc là 18 ngôi nhà ngói cổ như 18 con thuyền tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Đền không chỉ là một di tích lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng ngàn năm nay mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn, do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, Hưng Yên, nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên đứng ra vận động nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ.
Đền Thánh Gióng: Hay còn gọi là Đền Sóc, ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, nơi thờ Thánh Gióng và quần thể các đền thờ Phật, cùng một số vị thần khác. Đền Sóc gắn liền với sự tích Làng Gióng (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), nơi sinh vị anh hùng văn hoá thuộc hạng tiêu biểu nhất của nước ta, cũng gắn liền với Lễ hội làng Gióng (ngày 9 tháng 4 âm lịch hàng năm), như một trong những điểm nhấn tạo nên giá trị độc đáo của “không gian thiêng” Thăng Long – Hà Nội. Gần đây trong khu quần thể di tích với 6 nơi thờ tự sâu sắc về điển tích, Nhà nước đã tạo điều kiện cho xây dựng Chùa Non (núi Vệ Linh), với pho tượng Đức Phật đúc bằng đồng cao 3,5m, nặng 36 tấn, có thể coi là một trong những “kỷ lục” của văn hoá Phật giáo Việt Nam. Quần thể di tích đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi và những khóm tre ngà vàng óng càng làm cho câu chuyện trở nên gần gũi thân thương. Mái đền ẩn mình dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi như tô thêm vẻ đẹp chốn tôn nghiêm, cổ kính. Quần thể di tích gồm đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tổng thể hài hòa, sống động. Thần tích Phù Đổng Thiên Vương với hai khu thờ: ở làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) và đền thờ ở Phù Linh - Sóc Sơn sẽ mãi là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, di sản văn hóa quốc gia.
Tản Viên Sơn Thánh (Thánh Tản Viên), thờ Sơn Tinh, một trong những vị đứng đầu “Thượng đẳng tối linh thần”, cũng là một trong những anh hùng văn hoá của tư duy người Việt cổ vị thần đứng đầu trong bốn vị thần "bất tử" của Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử) và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công). Đền thờ thuộc huyện Ba Vì, trong hệ thống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng của người Thăng Long – Hà Nội luôn coi đó là một vị thần không thể thiếu. Được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008, Khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ). Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo gồm ba gian, hai chái, một nửa mái sau đền là vách đá. Hai bên tường hồi có hai vòng tròn sắc không đối diện nhau, mô phỏng biểu tượng của nhà Phật. Đền Trung tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì cũng không rõ năm xây dựng. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam, phỏng theo quẻ Càn trong Kinh dịch, biểu tượng của sự bền vững. Hậu cung của đền đặt ba pho tượng Tam vị Đức Thượng đẳng. Đây là ngôi đền có vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì. Theo Ngọc phả "Sự tích Đức Thánh Tản" lưu giữ tại đền Và, thì đầu thế kỷ 18 đã có đền Hạ. Đền có ba dãy nhà ngang với nhiều hạng mục lớn như cổng tam quan, đại bái, tiền tế, hậu cung, nhà thờ Mẫu. Đền Hạ có hai pho tượng Hộ pháp dáng oai phong, tay cầm giáo trấn giữ hai bên. Trên mái cổng Tam quan có lưỡng long chầu nguyệt, hai tầng, tám mái đao cong, lợp ngói ri.
Công Chúa Liễu Hạnh, gắn với tín ngưỡng dân gian - Đạo giáo nổi tiếng bậc nhất của hiện tượng Đạo mẫu và tục lên đồng ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ, nhưng Phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ vẫn thuộc loại nổi tiếng nhất, có thể sánh ngang với Thánh Gióng, Tản Viên hoặc Chử Đồng Tử. Phủ Tây Hồ thờ bà Chúa nằm giữa một vùng mênh mông trời nước của Hồ Tây vốn là một không gian thiêng đậm đặc của Hà Nội. Đây là di tích trong quần thể di tích ven hồ Tây, một thắng cảnh đẹp của Thủ đô. Phủ Tây Hồ được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1996. Ngoài ra, đối với người Hà Nội địa điểm thờ Liễu Hạnh khác trong thành phố là đền Bà Kiệu (ven hồ Gươm). Các địa điểm này của Hà Nội cũng góp thêm vào sự phong phú, cuốn hút của lễ hội Phủ Giầy ở Nam Định (đầu tháng 3 hàng năm).
Đền thờ An Dương Vương và Loa Thành (xã Cổ Loa, Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Đền An Dương Vương, tương truyền là dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới được làm lại hồi đầu thế kỷ XX, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần! Loa Thành là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Di tích đền thờ An Dương Vương và Loa Thành không chỉ quan trọng về mặt lịch sử (An Dương Vương và nước Âu Lạc) không chỉ nổi tiếng với câu chuyện tình giàu chất trí tuệ biểu trưng Mỵ Châu - Trọng Thuỷ mà còn có ý nghĩa như một điểm nhấn quan trọng bậc nhất tạo thành “không gian thiêng” của người Thăng Long – Hà Nội.
An Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội