Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 31/08/2015 10:28
Di tích và sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân Thăng Long – Hà Nội gắn với Đạo giáo trong kết cấu hai vòng trong của không gian thiêng Thăng Long – Hà Nội

Thăng Long – Hà Nội với lịch sử 1000 năm văn hiến nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh cổ kính, lãng mạn như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Trên cái nền của một không gian thiêng, không gian tâm linh, hệ thống thần linh, đối tượng thờ phụng của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Thăng Long – Hà Nội rất phong phú và tiêu biểu thể hiện ở kết cấu ba vòng của Thăng Long – Hà Nội. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số di tích và sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân Thăng Long – Hà Nội có liên quan đến Đạo giáo trong kết cấu hai vòng trong của không gian thiêng Thăng Long – Hà Nội (nội thành).

 
Ngoài kết cấu độc đáo của “Thăng Long tứ trấn” với bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành Thăng Long đó là: Trấn Đông: đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội, đền được xây dựng từ thế kỷ IX. Trấn Tây: đền Voi Phục (đúng ra là đền Thủ Lệ), (hiện nằm trong Công viên Thủ Lệ) thờ Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý, đền được xây dựng từ thế kỷ XI. Trấn Nam: đền Kim Liên, trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), thờ Cao Sơn Đại Vương, đền được xây dựng từ thế kỷ XVII. Trấn Bắc: đền Quán Thánh (đúng ra là đền Trấn Vũ), (cuối đường Thanh Niên), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đền được xây dựng từ thế kỷ X. Những địa điểm, di tích quan trọng khác gắn với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có liên quan đến Đạo giáo của người Thăng Long – Hà Nội lẽ dĩ nhiên sẽ biểu hiện đậm nét trong kết cấu hai vòng trong (trong nội thành) của “không gian thiêng” Thăng Long – Hà Nội.
 
Đền Quán Thánh, còn gọi là đền Trấn Vũ, nằm ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, quận Ba Đình, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, được xem là vị thần trấn giữ phía bắc kinh đô Thăng Long. Quán được xây dựng từ thời Lý Thái Tổ, trải qua nhiều lần trùng tu (hai lần trùng tu lớn vào các năm Vĩnh Trị thứ hai (1677) và Thành Thái thứ năm (1893), có những pho tượng đặc biệt, nổi nhất là tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng đen cao 1,96m, nặng 4 tấn vào thời Lê Hy Tông (1676-1704) mà nửa sau thế kỷ XIX một danh sĩ Nam Hà như Trương Vĩnh Ký phải ngạc nhiên thán phục.
 
Ở Hà Nội còn có 2 nơi khác thờ Huyền Thiên Trấn Vũ là: Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai, bên phải chợ Đồng Xuân, được xây dựng từ thời Thiện Bình đời Lê Thái Tông; Đền Trấn Võ ở thôn Ngọc Trì, xã Cự Linh (nay là xã Thạch Bàn) huyện Gia Lâm. Ở đây cũng có một tượng đồng Trấn Vũ cao 3,8m, chu vi 8m. Đền còn thờ Đức thánh Linh Lang.
 
Bích Câu Đạo quán, cũng gọi là đình Bích Câu, đình Tú Uyên, là một tổ hợp đình – chùa - phủ quán, được xây dựng từ thời Hồng Đức (1476-1497) trên gò Kim Quy, xưa thuộc làng An Trạch, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa). Tương truyền Quán được xây dựng trên nền nhà cũ, nơi gặp gỡ và sống chung của Tiên ông Tú Uyên với tiên nữ Giáng Kiều. Gian chính thờ đức Tiên ông (tượng mặc áo đỏ), đức Tiên bà. Cũng trong khuôn viên của đình, sát bên gian chính là chùa (ngoài thờ Phật, còn thờ Ngọc Hoàng, Nam tào, Bắc đẩu) và điện mẫu thờ Tam toà Thánh Mẫu.
 
Hàng năm tế lễ vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 8 và ngày 4 tháng 2 (ngày sinh và hoá của Tiên ông) và tế trời vào ngày mồng 9 tháng giêng. Lễ hội có nhiều trò thi (thi hoa thuỷ tiên, chọi gà, đấu cờ, đặc biệt là hát ca trù). Nơi đây cũng rất nổi tiếng về truyền thống Giáng bút của người Việt từ Nam chí Bắc. Bích Câu Đạo Quán còn nổi tiếng vì những giá trị văn học nghệ thuật, một trong những “Tao đàn” của giới Nho sĩ trí thức của đất Hà thành.
 
Không thể không nhắc đến Đền Ngọc Sơn, còn gọi là Chùa Ngọc Sơn nằm trên một đảo nhỏ ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Hà Nội. Khoảng đầu thời Gia Long ở đây có miếu Vũ Đế (thần thượng võ). Tới khoảng niên hiệu Thiệu Trị thêm miếu Văn Xương (thần về văn chương). Sau nữa thờ thêm miếu thờ Đức Thánh Trần. Yếu tố Đạo giáo góp phần tăng thêm tính cách lãng mạn sử thi, sự linh diệu của Hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn, có thể coi là một điểm đỉnh của không gian tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của Hà thành.
 
Ngoài ra, trong khu vực nội thành cũng còn nhiều địa điểm đáng chú ý khác như Nghinh Tiên Quán (phố Hàng Bông); Đền Lư Giang hay còn gọi là Đền Lừ (bên sông Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng), thờ Mẫu Thoải (trong hệ thống Tứ phủ)… Đặc biệt phải kể đến Chùa Láng (Chiêu thiên tự) được xây dựng thời Lý Thần Tông (1128-1138) theo truyền thuyết, trên đất cũ cha mẹ Từ Đạo Hạnh. Ở đây ngoài thờ Phật còn thờ Lý Thần Tông, Từ Đạo Hạnh (được xem là kiếp trước của Lý Thần Tông). Tuy Từ Đạo Hạnh là nhà sư nhưng truyền thuyết về ông lại như về đạo sĩ, học phép thần thông, trừng trị phù thuỷ Đại Điên, rồi đầu thai vào hoàng tộc, trở thành vua. Câu chuyện này gắn liền với một câu chuyện khác về nhà sư Nguyễn Minh Không pháp thuật cao cường chữa cho viên Lý Thần Tông, tức Từ Đạo Hạnh khỏi bệnh hoá hổ. Nguyễn Minh Không được thờ ở chùa Lý Quốc Sư còn gọi là Chùa Thiên Thị (chùa Chợ Tiên) với Tháp Báo Thiên nổi tiếng nhưng tiếc rằng không còn tới ngày nay (phố Lý Quốc Sư).
 
Với vị thế và vai trò trung tâm của mình, Thăng Long – Hà Nội là một trong những trung tâm tôn giáo của cả nước, là nơi biểu trưng của “hệ thống tôn giáo tín ngưỡng” của cả nước, đồng thời là nơi cội nguồn cho tinh thần, tâm linh của hầu hết các tôn giáo tiêu biểu.
 
Như vậy với một số địa điểm di tích và vài nét về sinh hoạt tôn giáo có liên quan đến Đạo giáo trong hệ thống thần linh của người Hà Nội chúng ta càng thấy rõ sự pha trộn, hài hoà của truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Hào quang đồng trần của chủ nhân thành phố này, không chỉ trên những biểu hiện của “kiến trúc thượng tầng” mà còn thực sự thấm sâu vào đời sống tâm linh của người dân, trong từng ngôi đình, chùa, đền, quán… cho đến miếu, am, cốc phân bố đều khắp nội ngoại thành.
 
 
Hưng Văn
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)