Hiến pháp sửa đổi để phù hợp hơn với xu thế hội nhập và phát triển
Để hiểu hơn về những đổi mới cũng như có cái nhìn toàn diện, sâu sát hơn về Hiến pháp năm 2013, điểm lại bối cảnh và ý nghĩa của các bản Hiến pháp trước. Hiến pháp năm 1946. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 ra đời là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 7/5/1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ tạo tiền đề cho Hiệp định Giơ-ne-vơ (các bên ký kết ngày 20/7/1954), văn kiện quốc tế đầu tiên, tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã cự tuyệt thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Sự thay đổi của tình hình chính trị - xã hội nói trên đã làm cho Hiến pháp 1946 không có điều kiện áp dụng trên phạm vi cả nước. Vì vậy, việc yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1946 đã được đặt ra. Ngày 01/4/1959, Bản dự thảo Hiến pháp mới đã được công bố để toàn dân thảo luận và đóng góp ý kiến. Đến ngày 31/12/1959, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp năm 1946; và ngày 01/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố bản Hiến pháp này – Hiến pháp năm 1959.
Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã một lòng chiến đấu giành thắng lợi. Ngày 30/4/1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Bối cảnh đất nước thay đổi, buộc phải có sự thay đổi, chỉnh sửa Hiến pháp. Tháng 8/1979, bản Dự thảo Hiến pháp mới được đưa ra lấy ý kiến nhân dân cả nước. Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với Hiến pháp năm 1980, lần đầu tiên vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định tại Điều 4, đây là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Vào những năm 90 của thế kỷ XX, xảy ra cuộc khủng hoảng và sụp đổ hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô tan rã, bối cảnh quốc tế cũng có tác động tới tình hình chính trị, kinh tế của nước ta. Và hơn hết tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới với nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng để giữ vững ổn định về chính trị và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội; trong bối cảnh đó, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trong điều kiện mới. Vậy nên Hiến pháp 1992 đã ra đời.
Hội nhập và phát triển đã đưa đất nước ta ngày một thay da đổi thịt, đời sống kinh tế, văn hoá, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, nền chính trị ổn định. Cùng với sự phát triển chung của đất nước về mọi mặt, Hiến pháp cần có sửa chữa, thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Nhưng khác với các bản Hiến pháp trước, bản Hiến pháp năm 2013 không bị ràng buộc bởi bối cảnh trong nước và quốc tế, nhưng để phù hợp hơn với xu thế hội nhập và phát triển thì cần phải có chỉnh sửa, bổ sung để Hiến pháp hoàn thiện hơn. Vậy nên, bản Hiến pháp năm 2013 là sự hoàn thiện và phát triển. Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ tiếp tục đổi mới đất nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Hiến pháp năm 2013 ra đời phù hợp hơn, tạo điều kiện rộng mở hơn trong hội nhập kinh tế thế giới, đồng thời khắc phục được những khe hở, những hạn chế thiếu sót của các bản Hiến pháp trước. Trên con đường hội nhập và phát triển quốc tế bên cạnh những lợi ích mang lại còn là những thách thức, khó khăn phải đối mặt nhưng tôi tin rằng với bản Hiến pháp có tính toàn diện, chặt chẽ sẽ là hành lang pháp lý đúng đắn để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân và người dân cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Hiến pháp.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội