Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Thành phố Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới hiện nay
Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu của Đảng và dân tộc, giữ vững sự lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước mỗi thời kỳ trở thành vấn đề cốt lõi. Đảng bộ ngày càng trưởng thành, độc lập, tự chủ. Trong giai đoạn hiện nay, thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trưởng thành nhanh chóng trong công tác xây dựng Đảng, trong thực tiễn đấu tranh chống các âm mưu, hành động phá hoại tổ chức Đảng với những bài học kinh nghiệm quý báu, gợi mở những định hướng về công tác xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay:
Một là, nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong suốt quá trình xây dựng Đảng và tiến hành công tác tư tưởng trong nhân dân để lãnh đạo, là yếu tố quyết định thắng lợi.
Hai là, đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gần dân, hòa mình vào nhân dân.
Ba là, động viên, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên bám sát quần chúng trong mọi tình hình, đảng viên gương mẫu và đi đầu sẽ thúc đẩy phong trào quần chúng, bổ sung những quần chúng ưu tú cho đội ngũ.
Bốn là, xây dựng các đảng bộ, chi bộ vững mạnh, đảm bảo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm công tác của Đảng bộ Thành phố.
Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng phải được xây dựng vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, Đảng phải thật mạnh từ Trung ương đến cơ sở, ở các cấp, các ngành. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về xây dựng đảng trong các thời kỳ cách mạng, kể cả bài học thành công và không thành công của Đảng, các đảng bộ địa phương là việc làm cấp thiết.
Từ năm 1954 đến năm 2008, Thủ đô Hà Nội đã có bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính lớn: năm 1961, năm 1978, năm 1991 và năm 2008. Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Đảng bộ Hà Nội là một đảng bộ lớn, giữ vị trí quan trọng. Năm 2013, Đảng bộ Hà Nội có 58 đảng bộ trực thuộc, 2.920 tổ chức cơ sở đảng với tổng số đảng viên là 375.058 đảng viên. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hài hòa với phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trên thế giới diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam nói chung, Thành phố Hà Nội nói riêng không nằm ngoài xu thế đó. Bối cảnh mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với quá trình xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trước tình hình mới, Đảng bộ Thành phố Hà Nội cần quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của địa phương. Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XV đã đề ra 9 chương trình công tác trọng tâm trong giai đoạn 2011 - 2015, đó là:
1. “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp”
2. “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”
3. “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững”
4. “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”
5. “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”
6. “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội”
7.“Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường”
8.“Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”
9. “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy vận dụng những kinh nghiệm, bài học quý báu về công tác xây dựng Đảng chắc chắn sẽ đem lại những kết quả quan trọng, khẳng định vị thế là đảng bộ tiên phong, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội