Tác động của việc gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) đối với phát triển kinh tế Hà Nội
Sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, cơ chế quản lý có nhiều tiến bộ. Các thành phần kinh tế đang dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng kinh tế nhà nước và tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện. Sức cạnh tranh chung của kinh tế Thủ đô có tiến bộ, từng bước đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế…
Kinh tế Thủ đô đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, so sánh cả nước Hà Nội hiện chiếm khoảng 13% GDP, trên 13% tổng thu ngân sách Nhà nước, 13,2% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, khoảng 20% tổng đầu tư xã hội, khoảng 13% tổng mức bán lẻ, khoảng 11,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn 0,2% giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản. Hà Nội hiện chiếm 34% tổng nguồn vốn huy động, 21% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Hàng năm, ước tính các giao dịch tài chính ngân hàng của khu vực phía Bắc và trên 50% tổng giao dịch tài chính ngân hàng của cả nước… Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế cả nước.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, ký kết các hiệp định thương mại mà đặc biệt là Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính trung bình, Hà Nội cấp phép cho khoảng 277 dự án/năm trong giai đoạn 2007 - 2012 (sau khi gia nhập WTO), gấp 3 lần so với giai đoạn 2001 - 2006 (trước khi gia nhập WTO) khoảng 83 dự án/năm. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Hà Nội đạt 23,08 tỷ USD với tổng số 3.012 dự án, trong đó hiện có 2.806 dự án còn hiệu lực.
Việt Nam trở thành thành viên của WTO giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội tiếp cận và mở rộng cơ hội buôn bán trên nhiều thị trường. Các chương trình xúc tiến thương mại cũng được Thành phố tích cực triển khai góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội trong 2 lĩnh vực chính: Xúc tiến thị trường trong nước và xúc tiến xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu Hà Nội giai đoạn từ 2008 - 2012 đạt bình quân 8.390 triệu USD/năm, với mức tăng trưởng bình quân 15,25%/năm cao hơn 2,3 lần so với năm 2006. Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội giai đoạn 2008 - 2012 đạt bình quân 22.615 triệu USD/năm với mức tăng trưởng bình quân 5,7%/năm, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2006 (trước khi gia nhập WTO). Hà Nội tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản bên cạnh việc tiếp tục tận dụng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các bạn hàng truyền thống trong khối ASEAN. Năm 2013 được coi là năm ra đời nhiều khu trung tâm thương mại lớn với chất lượng cao ở Hà Nội như Mega Mall, Ocean mart, Lotte Mart, đây là bước đệm cho việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết của Việt Nam với WTO.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận trên, Hà Nội còn nhiều việc phải làm như: kinh tế phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, chưa gắn chặt, hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội; các nguồn lực của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả, chất lượng; sức cạnh tranh và năng lực đổi mới về công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp; quá trình tái cấu trúc kinh tế còn chậm; công tác cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm; vai trò các ngành công nghiệp chủ lực chưa rõ nét; chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ chưa phát huy được lợi thế đặc thù của Thủ đô; tăng trưởng xuất khẩu thiếu vững chắc…
Cho đến nay, WTO chưa kết thúc được vòng đàm phán Doha nên các nước giàu vẫn tiếp tục trợ cấp nông sản, gây trở ngại cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Riêng Hà Nội, với tỷ trọng nông nghiệp còn khá cao (20% GDP) và dân số ở nông thôn lên đến 65 - 66% dân số, đất canh tác bình quân thấp và manh mún, trình độ chuyên canh, vận dụng khoa học kỹ thuật chưa cao nên việc gia nhập WTO đặt ra nhiều thách thức cho Hà Nội. Một ví dụ năm 2009 chúng ta đã thấy, sự tác động tiêu cực mạnh mẽ khi gia nhập WTO qua những chỉ số suy giảm tăng GDP, giảm xuất khẩu so với năm 2008 các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giầy, nông sản, xăng dầu,… nghiêm trọng.
Một tác động tiêu cực nữa khi tham gia WTO là chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh ngay ở thị trường trong nước, phải tuân thủ những quy định khắt khe và cao hơn trước đây. Ngành nông nghiệp đang mất dần lợi thế cạnh tranh khi chất lượng nông sản thấp và giá thành sản xuất lại ngày càng tăng cao do chi phí đầu vào như phân bón, xăng dầu,… đều tăng. Nhịp độ xuất khẩu của Hà Nội đang trầm lắng hơn so với cả nước, cũng như Hà Nội chưa hình thành được nhóm hoặc loại sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch vượt trội mang nét đặc trưng riêng của Hà Nội.
Một khó khăn lớn khác từ việc đẩy mạnh sản xuất, mở cửa đầu tư nước ngoài chính là tác động tiêu cực tới môi trường. Trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 750 tấn rác thải rắn công nghiệp trong đó có 100 tấn chất thải nguy hại. Hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom chất thải rắn chưa đồng bộ, kém chất lượng gây ô nhiễm nặng nề. Ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt ở nội thành luôn ở mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, giảm sức làm việc và năng suất lao động, gây nên sức ép lớn và giảm tính hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Sau hơn 8 năm gia nhập WTO, Thủ đô Hà Nội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khác như các vấn đề có liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông,…
Biết phát huy nội lực, nắm bắt cơ hội đầu tư, vượt qua thách thức, Hà Nội phấn đấu xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị và là trung tâm giao lưu quốc tế đầu tàu của cả nước.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội