Diện mạo phường phố Thăng Long thời Lý
Theo những thông tin mà sử biên ghi chép lại, chúng ta chỉ có thể nhận biết được đại khái một số phường ở Thăng Long thời Lý. Phường là khu vực cư trú của cư dân với những nghề thủ công, những cửa hàng buôn bán. Thời Lý các phường hình thành một cách tự nhiên và không theo một quy hoạch ô vuông cân đối kiểu bàn cờ như nhiều đô thị khác thời trung đại.
Phía đông là các phường Giang Khẩu, Đường Nhân, Thái Cực, Hạc Kiều, Kim Cổ, Khúc Phố, Đông Hà, Báo Thiên, Tàng Kiếm… Phía nam có các phường Phục Cổ, Tả Nhất, Phong Vân, Khang Thị, Ông Mạc, Bố Cái… Phía Tây có các phường Tây Nhai, Thịnh Quang, Đông Tác, Xã Đàn, Vĩnh Xương… Phía bắc, dọc theo sông Nhị có các phường Cơ Xá, Hoè Nhai, Giang Tân, Yên Hoa…
Những phường nổi tiếng và lâu đời nhất của Thăng Long đều hội tụ ở phường Giang Khẩu với chợ Đông. Tại khu trung tâm buôn bán sầm uất phía đông, bên cạnh hoạt động buôn bán của cư dân bản xứ, đã có sự tham gia của một số ngoại kiều mà chủ yếu là người Hoa. Phường Đường Nhân là nơi cư trú tập trung của người Hoa, một phần định cư từ thời Bắc thuộc, một phần mới nhập cư về sau. Phường Đường Nhân sau đổi là Diên Hưng, tức là khu vực phố Hàng Ngang ngày nay.
Văn bia đình Hoa Lộc (90 Hàng Đào) và gia phả họ Vũ cho biết ấp quê hương họ Vũ xưa ở xứ Đông (Hải Dương) có 7 họ: Vũ, Phạm, Lê, Dương, Bùi, Đoàn, Đào, tổ tiên ngược lên đến cuối đời Đường. Họ Vũ nhiều người làm nghề buôn, lại giỏi nghề nhuộm lụa đào. Từ rất sớm, một bộ phận người họ Vũ đã đến buôn bán ở kinh kỳ rồi đem nghề tới lập phường Thái Cực, sau từ thời Lê gọi là phường Hàng Đào. Khu vực phố Hàng Đào ngày nay gồm nhiều phường từ trước là Thái Cực, Đại Lợi, Đồng Lạc.
Phường Hạc Kiều nằm bên bờ sông Tô, là nơi mà năm 1226, khi nhà Trần mới lên ngôi, vua Trần Thái Tông tôn cha là Trần Thừa làm Thượng hoàng, xây cung Phụ Thiên ở phường Hạc Kiều về bên tả để ở.
Khu vực cung Ỷ Lan ở trước khi trở thành Nguyên Phi của Lý Thánh Tông về sau trở thành chùa Kim Cổ (số 73 Đường Thành) và phường ấy có tên là phường Kim Cổ (hay còn gọi là Cổ Vũ). Phường này khoảng từ giữa phố Hàng Gai đến đầu phố Hàng Bông. Góc phố Hàng Hòm – Hàng Bông là phường Khúc Phố. Bên dãy chẵn Hàng Gai – Tô Tịch – Hàng Quạt là phường Đông Hà. Bên hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm), có phường Báo Thiên, dọc theo bờ hồ về mạn Hàng Trống là phường Tàng Kiếm.
Đến phía đông nam kinh thành, khoảng phố Huế hiện nay là phường Phục Cổ (phố Nguyễn Du). Nơi đây, năm 1371 vẫn còn bến sông gọi là bến Thái Tổ, du binh Chămpa đã từng đổ bộ lên bến này đề đánh phá kinh thành. Tiếp đến còn có phường Tả Nhất chuyên làm quạt (sau là An Nhất) ở cuối phố Huế; phường Phong Vân sau là Vân Hồ, ở góc phố Lê Đại Hành – Đoàn Trần Nghiệp; phường Khang Thọ (sau là xóm Khang Thọ) bên trong cửa ô Cầu Dền. Ngược đê sông Cái, ở góc đông nam kinh thành là phường Ông Mạc (ô Đống Mác) rồi đến phường Bố Cái – nơi mà năm 1160 nhà Lý cho dựng đền thờ Hai Bà Trưng và đền Xuy Vưu.
Rồi ngược theo dòng sông Nhị là phường Cơ Xá. Đó là phường gồm một phần dân vạn chài và một bộ phận dân phường Thái Hoà trong thành nội (nơi sinh Lý Thường Kiệt – phía trên Bách Thảo) vừa mới di cư ra để lấy đất xây dựng kinh đô. Phường Cơ Xá ở ven sông, để bảo vệ kinh thành vào mùa lũ lụt, vào năm 1108, một con đê có quy mô được sửa đắp cũng mang tên phường này.
Nằm trên đường trồng toàn cây hoè ra đến bến Đông đó là phường Hoè Nhai bên bờ sông Nhị. Cạnh đó là phường Giang Tân, sau đổi thành Hà Tân, rồi Thạch Khối (hiện còn ngôi đình Thạch Khối Thượng ở 64 Yên Phụ và ngôi đình Thạch Khối Hạ ở 12 Hàng Than). Tiếp đến là phường Yên Hoa mà sử sách nhiều lần nhắc đến. Đây là nơi mà vào năm kết thúc triều Lý đã chững kiến cuộc hoả thiêu thi hài Thượng hoàng Lý Huệ Tông sau khi ông thắt cổ tự vẫn ở sau chùa Chân Giáo.
Ở phía tây Hoàng thành, có phường Tây Nhai nơi có chợ Tây Nhai. Còn phường Công Bộ ở ngã ba đường Giảng Võ – La Thành, mé ngoài đê, thời Nguyễn đổi là Nhược Công, và từ sau năm 1954 đổi là phường Thành Công của quận Ba Đình. Đây là một phường dệt vải có tiếng của Thăng Long từ thời Lý mà tổ sư của nghề dệt ở đây là Nàng La - vợ của Tướng quân Đoàn Thượng thời Lý…
Khi ta đi xuôi về phía quận Đống Đa hiện tại, nổi tiếng nhất là phường Đông Tác ở đầu phố Khâm Thiên và phường Thịnh Quang ở cuối phố Khâm Thiên. Gần đó là phường Xã Đàn – nơi nhà Lý đắp đàn tế thần Xã, thần Tắc theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp phương Đông thời xưa. Góc đường Hàng Cháo – Hàng Đẫy hiện tại là phường Vĩnh Xương. Cho đến đầu thế kỷ XX, từ đây trở xuống đến cửa ô Kim Mã thì vẫn đầy rẫy ao hồ.
Phường phố Thăng Long thời Lý được phân bố theo các hướng đông tây nam bắc với những khu vực cư trú của cư dân sống bằng nghề thủ công và buôn bán. Với kết cấu của một đô thị lớn liên kết hỗn hợp chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đô thị kinh thành, sự hình thành một cách tự nhiên là một nét đặc trưng riêng, độc đáo của phường phố Thăng Long thời Lý.
Phan Huy
Nhà xuất bản Hà Nội