Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 21/09/2015 04:55
Ba thế kỷ biến động của kinh thành Thăng Long

Kinh thành Thăng Long, trải bao dâu bể, vẫn luôn là niềm tự hào của người Thăng Long, của muôn dân đất Việt. Trong cả ngàn năm lịch sử hình thành, phát triển, có thể nói thế kỷ XVI - XVIII là giai đoạn Thăng Long trải qua nhiều biến đổi về diện mạo với những cung điện đền đài hưng phế đắp đổi theo bao cuộc chính biến. Dù vậy, nơi đây vẫn luôn giữ được vị thế là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước.

 
Sau hơn một trăm năm hình thành, phát triển, năm 1527, triều Lê bị thay thế bởi triều Mạc (1527 - 1592). Nhà Mạc đã thiết lập được tình trạng ổn định hơn trong xã hội so với triều Lê đầu thế kỷ XVI. Tuy nhiên, các thế lực chống đối lại nổi lên. Từ năm 1545, quyền bính của “triều Lê Trung hưng” nằm trong tay họ Trịnh và giai đoạn “vua Lê chúa Trịnh” kéo dài mãi đến năm 1786. Cuộc chiến tranh phong kiến diễn ra liên miên đưa đất nước vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Cuộc nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn đã tạo nên tình trạng chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài.
 
Thời kỳ này Đông Kinh trở lại với tên gọi Thăng Long, là đô thành của triều Mạc, rồi chính quyền Lê - Trịnh. Mọi công việc tu tạo, kiến thiết ở Thăng Long đều phục vụ nhu cầu chính trị - quân sự của nhà nước phong kiến thuở đó.
 
Trước những biến động không ngừng của xã hội, nhà Mạc liên tục tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Năm 1588, Mạc Đăng Dung cho huy động quân dân bốn trấn vùng đồng bằng đắp thêm ba lần lũy ngoài cửa thành Đại La. Thành mới từ Nhật Tân chạy qua phía tây hồ Tây, qua Bưởi, Ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ - La Thành qua Ô Chợ Dừa, Kim Liên, rồi theo đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân qua Ô Cầu Dền, Ô Đông Mác, ra tới đê sông Hồng. Thành này rộng hơn thành Đại La và đưa toàn bộ khu hồ Tây vào trong phạm vi thành Thăng Long đời Mạc.
 
Sau khi đánh bại nhà Mạc, chiếm được Thăng Long, quân Trịnh đã phá hủy hoàn toàn hệ thống thành lũy bảo vệ của nhà Mạc và thành Thăng Long không còn vòng thành ngoài nữa. Sang thế kỷ XVIII, phong trào khởi nghĩa nông dân nổi lên dữ dội, ngọn lửa chiến tranh nông dân rực cháy khắp Đàng Ngoài. Thành Thăng Long vì thế nhiều phen xao động, điêu tàn vì binh lửa. Do vậy, năm 1749, Trịnh Doanh quyết định điều động dân phu các huyện quanh Kinh kỳ đắp lại thành Đại La, gọi là thành Đại Đô. Việc canh phòng, kiểm soát ở 8 cửa thành được thực hiện gắt gao, chặt chẽ hơn trước.
 
Hoàng Thành và Cung Thành thời Lê - Trịnh do không được tu bổ nên nhiều nơi sụt lở, thu hẹp phần phía đông và phía tây so với quy mô mở rộng thời Lê. Trong thế kỷ XVIII, địa điểm thể hiện quyền lực phong kiến được tập trung tại phủ Chúa. Phủ Chúa nằm ở phía nam tháp Báo Thiên và phía tây hồ Hoàn Kiếm. Kiến trúc xa hoa, lộng lẫy của phủ Chúa được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác miêu tả khá cụ thể, sinh động qua những trang văn Thượng Kinh ký sự: “Đâu đâu cũng cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Những hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi. Vệ sĩ canh giữ cửa cung, ai muốn ra vào phải có thẻ. (...) Điếm làm bên một cái hồ, có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kì lạ. Trong điếm, cột và bao lơn lượn vòng kiểu cách thật là xinh đẹp”.
 
Ngoài phủ Chúa còn một loạt kiến trúc liên quan được xây dựng, bố trí bên bờ hồ Hoàn Kiếm lan rộng đến bờ sông Hồng. Hồ Hoàn Kiếm còn gọi là hồ Thủy Quân, nơi thao diễn thủy quân thời đó. Ven hồ có Nguyệt Đài, Thủy Tạ, cung Khánh Thụy, trên gò Rùa có Tả Vọng đình (tháp Rùa sau này). Gần Ô Tây Long (khoảng Bảo tàng Lịch sử) có cung Tây Long, nơi ở của chúa và cạnh đó là lầu Ngũ Long (khoảng Tràng Tiền) là nơi chúa Trịnh duyệt quân.
 
Khu vực hành chính của Thăng Long, vẫn như thời Lê sơ, thuộc hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức của phủ Phụng Thiên. Song song tồn tại với một Thăng Long trung tâm chính trị là một thành thị phát triển phồn thịnh, thể hiện tập trung ở khu thị dân của Kinh thành. Sự di cư liên tiếp của thợ thủ công và thương nhân khiến cho cư dân Thăng Long tăng lên rất nhanh, tạo nên một đo thị càng ngày càng lớn và sầm uất, đứng đầu xứ Đàng Ngoài (Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến). Các thôn phường nông nghiệp tập trung ở phía bắc, phía tây và phía nam còn các phường thủ công tập trung ở phía bắc (quanh hồ Tây, hồ Trúc Bạch, ven sông Tô Lịch) và ở phía đông xen lẫn với các khu phố buôn bán tấp nập. Hoạt động thương nghiệp ở Thăng Long phát triển thông qua mạng lưới chợ, bến cảng và phố xá khiến Thăng Long trở thành một phố chợ khổng lồ, mang tên là Kẻ Chợ, có hệ thống bến cảng và sông ngòi rất thuận tiện giao thông.
 
Dù trong những thế kỷ XVI - XVIII, thành Thăng Long có sút kém về chính trị nhưng vẫn là trung tâm kinh tế - xã hội - chính trị lớn nhất cả nước. Người Thăng Long - Kẻ Chợ vẫn luôn tự hào về nếp sống thanh lịch “Chẳng thơm của thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” của đất Kinh kỳ với những công trình kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, đời sống tinh thần, kinh tế ngày càng phát đạt, phồn thịnh hơn.
 
Nguyễn Dung
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)