Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 22/09/2015 09:41
Công nghiệp sáng tạo - Động lực phát triển Thủ đô

Phát triển công nghiệp sáng tạo là một xu hướng quan trọng trên thế giới trong vòng 20 năm trở lại đây. Đối với Việt Nam, lấy những chất liệu trong văn hóa dân tộc được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử, sử dụng công nghệ hiện đại và tiềm năng sáng tạo không ngừng của các tài năng của đất nước chính là một trong những giải pháp quan trọng để khẳng định sức mạnh văn hóa của dân tộc và từ đó biến thành sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao… Và Thủ đô Hà Nội không thể đứng ngoài quy luật chung đó.

 
Công nghiệp sáng tạo bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó yếu tố sáng tạo là then chốt trong việc tạo nên giá trị của các sản phẩm. Nhờ lợi thế so sánh do các sản phẩm của công nghiệp sáng tạo đem lại, nhiều nền kinh tế, khu vực đô thị được hồi sinh, phát triển. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, chính sáng tạo giờ đây thực sự trở thành sức mạnh. Chúng ta đã chứng kiến nhiều ý tưởng đã làm thay đổi cả thế giới như những gì Steve Jobs làm với Appel, Mark Zuckerberg với Facebook, Billgate với Microsoft…
 
Trong không gian của một đô thị, đã có rất nhiều ví dụ cho thấy sức mạnh của sự sáng tạo đã làm thay đổi sự phát triển của một khu vực dân cư. Một ví dụ điển hình như khu vực St. Martin ở King’s Cross vốn là một khu nghèo nàn ở London, nay đã trở thành một khu đô thị mới, với điểm nhấn là nghệ thuật và những không gian sáng tạo. Nơi đây cũng trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút cho các doanh nghiệp sáng tạo khác quy tụ, trở thành một chuỗi giá trị sáng tạo cho toàn bộ khu vực, đặc biệt là công ty Google - một biểu tượng của sự sáng tạo - cũng chuẩn bị đặt trụ sở ở đây do sự đặc biệt của nơi này. Như vậy, thông qua nghệ thuật và sáng tạo những đế chế thương mại được xây dựng nên chỉ từ một ý tưởng sáng tạo ban đầu. Một ví dụ khác nữa đó là thành phố Liverpool của nước Anh, để tái thiết chính quyền thành phố này đã xác định sử dụng những di sản văn hóa đặc sắc riêng của mình vào mục đích hồi sinh thành phố, sử dụng văn hóa để kết nối người dân, sử dụng các thành phần kinh tế để phát triển văn hóa. Thành phố này cũng chứng minh rằng đầu tư cho văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, mỗi đồng bảng Anh chính quyền địa phương bỏ ra tài trợ cho văn hóa sẽ thu lại được 10 đồng bảng Anh.
 
Hà Nội khác với Liverpool hay bất kỳ một thành phố nào khác nhưng cũng có thể có những điểm tương đồng để chúng ta học tập. Những khu tập thể cũ, những nhà máy bỏ hoang vì chuyển đến những nơi mới nhằm tránh ô nhiễm cho Thủ đô, hay những khu đất bỏ hoang vì một lý do nào đó. Tất cả có thể hồi sinh nhờ sáng tạo! Công nghiệp sáng tạo chắc chắn phải trở thành chiến lược phát triển trọng tâm của Hà Nội để giải quyết những vấn đề của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
 
Hà Nội có một vốn văn hóa phong phú để có thể trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, thậm chí là cả khu vực. Phát triển công nghệ sáng tạo thường tập trung vào ít nhất ba khẩu đột phá, đó là: Thứ nhất là tài năng sáng tạo; thứ hai là các tổ chức nghệ thuật; và thứ ba là tạo lập các không gian sáng tạo cho các nghệ sỹ, các mạng lưới, tổ hợp, trung tâm sáng tạo. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước tức là có một tiềm năng to lớn về sáng tạo. Nhiều trường văn hóa - nghệ thuật trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm truyền thống (phát triển từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) hay các ngành nghệ thuật mới như của Đại học FPT… đã có những thương hiệu dấu ấn của riêng mình, những tên tuổi của các nghệ sỹ với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng cho Hà Nội, chưa kể hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống tạo ra những sản phẩm độc đáo của Hà Nội. Thương hiệu thành phố vì hòa bình, các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, phố cổ, hệ thống các đình, đền, chùa, làng cổ… đặc biệt là những món ăn đặc sản đã trở thành những tiềm năng có thể khiến Hà Nội trở nên vô cùng đặc biệt.
 
Ngành công nghiệp sáng tạo có thể có những đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa. Giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, đưa văn hóa đứng ngang hàng kinh tế, chính trị và xã hội theo đúng tinh thần văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
 
 
Trần Duy (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nôi
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)