Diện mạo kiến trúc và một số công trình tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn
Có thể thấy rõ nét đặc sắc của kiến trúc thời Nguyễn biểu hiện ở hệ thống thành luỹ. Hệ thống thành luỹ với sự phổ biến đủ mọi cấp độ từ kinh thành đến tỉnh thành, phủ thành, huyện thành, hầu hết trong số đó là những thành luỹ quân sự. Với tư cách là trấn lỵ Bắc Thành và tỉnh lỵ Hà Nội, thành Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn là một trong những toà thành luỹ có quy mô lớn nhất. Thành Hà Nội thời Nguyễn đã bị phá huỷ trong những năm 1894-1897, nhưng một số di tích còn sót lại như Bắc Môn, Cột Cờ vừa cho thấy quy mô to lớn của toà thành, vừa cho thấy kỹ thuật, nét tinh xảo của các công trình kiến trúc này. Thành phủ Hoài Đức ở địa phận thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương (quận Đống Đa), đến năm 1833 đắp lại bằng đất ở địa phân xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chu vi 203 trượng 2 tấc, cao 7 thước 2 tấc, hào rộng 2 trượng 5 thước, mở 3 cửa (Theo Đại Nam nhất thống chí, bản dịch NXB. Thuận Hoá, Huế, 1993, tập III, tr.175).
Dưới thời Nguyễn, cụm kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trùng tu và xây dựng thêm. Vào cuối thế kỷ XVIII, quần thể kiến trúc này bị hư hỏng nặng do chiến tranh. Sau khi được thiết lập, với quyết tâm phục hồi Nho giáo, chấn chỉnh nền giáo dục và khoa cử nho học, nhà Nguyễn đã rất quan tâm đến việc tu bổ hệ thống Văn Miếu trên cả nước. Tại Thăng Long, nhà Nguyễn đã sớm bắt tay vào việc trùng tu Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Năm 1805, Nguyễn Văn Thành - Tổng trấn Bắc Thành đã cho sửa sang Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng Khuê Văn các - một kiến trúc độc đáo. Vì không còn là kinh đô, Văn Miếu ở Thăng Long chỉ còn mang ý nghĩa là Văn Miếu của Bắc Thành. Từ năm 1831 là Văn Miếu của tỉnh Hà Nội, Quốc Tử Giám trờ thành học đường của phủ Hoài Đức. Công việc sửa sang Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn được tiến hành vào nhiều thời điểm khác nữa dưới thời Nguyễn. Năm 1833, sửa lại nhà chính tẩm và sơn lại các cột, xây tường bao quanh toàn bộ khu Văn Miếu. Năm 1863, các quan đứng đầu Hà Nội gồm Tổng đốc Tôn Thất Hàm, Bố chính Lê Hữu Thành, Án sát Đặng Tá cùng đứng lên quyên tiền xây dựng nhà bia đã đổ nát ở hai mặt đông và tây, mỗi dãy 11 gian, sửa sang lại khu vực hồ Văn…
Dấu ấn đậm nét của kiến trúc thời Nguyễn để lại trên Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Khuê Văn các (gác Khuê Văn). Đó là một lầu vuông 8 mái được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 (1805) trên một nền vuông cao lát gạch Bát Tràng. Tầng dưới là 4 trụ gạch, 4 phía để trống. Tầng trên kiến trúc gỗ 2 tầng mái, lợp ngói ống, 4 góc trang trí bằng đất nung. Bốn cạnh có diềm gỗ chạm trổ tinh vi, xung quanh có lan can con tiện. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn, xung quanh có các thanh gỗ con tiện toả ra bốn phía tượng trưng cho các tia của sao Khuê toả sáng. Trên gác treo biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ Hán “Khuê Văn các”, xung quanh đều có câu đối. Khuê Văn các, tượng trưng cho sao Khuê – vì sao chủ để văn học, một kiến trúc nhỏ nhắn nhưng hài hoà, đạt đến độ sâu sắc của ý nghĩa biểu tượng và sự tinh tế. Hình ảnh cách điệu của Khuê Văn các đã được chọn làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn cũng đạt được một số thành tựu mới, trong đó nổi bật nhất là cụm quần thể kiến trúc đền Ngọc Sơn và chùa Báo Ân.
Kiến trúc đền Ngọc Sơn là một quần thể gồm tháp Bút, Long Môn, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba và đền chính. Quần thể các công trình kiến trúc này vừa đẹp về kiến trúc, vừa tinh tế trong các ý nghĩa biểu tượng. Tháp Bút với 5 tầng, đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược, trên thân tháp, ở ba tầng giữa, mặt phía bắc có khắc theo chiều dọc ba chữ Hán “Tả thanh thiên”, nghĩa là “Viết lên trời xanh”. Đài Nghiên là một “nghiên mực” lớn, hình quả đào bổ dọc, khoét lõm lòng chảo được tạc từ một tảng đá xanh, có ba con cóc đội như ba chân kiềng, trên thân nghiên có khắc bài minh của Nguyễn Văn Siêu. Cầu Thê Húc (đón ánh nắng ban mai) là một kiến trúc xinh xắn, được trùng tu nhiều lần để có hình dáng như hiện nay. Lầu Đắc Nguyệt là một kiến trúc nhỏ, 2 tầng có mái, trên tầng 2 có cửa sổ tròn, trên có 3 chữ Hán “Đắc Nguyệt lâu” (lầu được trăng). Đình Trấn Ba là kiến trúc hình vuông với 4 cột cái bằng gỗ và 4 cột góc bằng đá đỡ 2 lớp mái thanh thoát. Khu đền chính ở trung tâm đảo Ngọc Sơn, theo hình chữ Tam, gồm toà tiền bái, toà chính điện và hậu cung, thờ Quan Thánh, Văn Xương và sau này thêm Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Chùa Báo Ân hay chùa Liên Trì (tám mặt quanh chùa có con ngòi bao quanh trồng sen) hay còn gọi là chùa Quan Thượng (do chùa được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai hưng công xây dựng). Đây là một ngôi chùa lớn ở Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn. Chùa được dựng vào khoảng đầu thời Thiệu Trị (1841-1847), trên nền cũ của lầu Ngũ Long thời Lê – Trịnh. Chùa có tới 30 nếp nhà với 180 gian cùng nhiều hành lang, giải vũ, lầu trống, lầu chuông, hàng chục cây cầu bắc ngang qua hồ, ngòi trong một khuôn viên tám cạnh (hình bát giác). Trước chùa là tháp Hoà Phong, một kiến trúc nhỏ nhắn nhưng tinh tế. Tuy nhiên toàn bộ kiến trúc chùa Báo Ân đã bị thực dân Pháp phá huỷ trong khoảng thập niên cuối thế kỷ XIX. Kiến trúc duy nhất còn lại là tháp Hoà Phong nằm bên trái hồ Hoàn Kiếm hiện nay.
Văn Quân
Nhà xuất bản Hà Nội