Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 24/09/2015 04:10
Đôi nét về tính cách người Hà Nội

Nghiên cứu tính cách người Hà Nội để xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch của Thủ đô trong thiên niên kỷ mới.

Nghiên cứu tính cách của người Hà Nội trước tiên chúng ta phải định nghĩa thế nào được gọi là người Hà Nội. Người Hà Nội trong phạm vi bài viết này là những ai đã sống ở mảnh đất này khoảng trên dưới 30 năm - một vòng đời của một thế hệ. Có thể phác thảo tính cách của người Hà Nội một cách chung nhất qua những đặc điểm sau:
 
1. Người Hà Nội với chất trí tuệ, văn hiến, hàn lâm: Đây có lẽ là một nét tính cách nổi bật và đáng quý hơn cả trong thời đại kinh tế tri thức. Đặc trưng này đâu chỉ ở văn bia tiến sĩ, ở các học giả đầu ngành, ở các nghệ sĩ lớn tầm cỡ quốc gia và khu vực, ở các huy chương vàng, bạc gặt hái ở các kỳ thi Olympic, ở sự đầu tư cho con cái học hành mà còn ở trình độ dân trí. Người Hà Nội biết nhiều, học nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều song vẫn nặng về sách vở hàn lâm, học để thi cử, để làm quan, làm công chức chứ không phải thực học, học để làm, để hành nghề.
 
Người Hà Nội với chất tài hoa, tài tử: Người Hà Nội không chỉ đa tài, đa cảm mà còn đa tình với người, với cảnh, với con vật, đồ vật. Khéo tay trong nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ nhưng cái tài đó chỉ như thú chơi chứ không giỏi  để phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ. Người Hà Nội ăn nói lưu loát, sính làm thơ, có đầu óc thẩm mỹ. Sành ăn, sành chơi, có gu, tinh tế không pha tạp.
 
Người Hà Nội với chất hào hoa, phong nhã: Phong thái của người Hà Nội mang đậm tính “nghệ sĩ” phóng khoáng mà không phóng đãng, phá cách. Nét hào hoa không chỉ trong cử chỉ, dáng người mà thể hiện cả trong lời ăn tiếng nói của người Hà thành nhiều khi chỉ “thoang thoảng hoa nhài” khiến cho người vùng khác đến cảm thấy có gì hình thức bề ngoài, nặng về xã giao không thực chất. Lịch lãm, từng trải, ung dung, nhẩn nha, thư thái, chậm rãi, nhàn tản có lẽ là nét đặc sắc hơn cả.
 
Người Hà Nội với chất kẻ sĩ: Ở người Hà Nội dù ít học hay bậc thức giả đều dễ nhận ra một đôi nét của nhà nho – quân tử. Hơi ngang tàng, hơi ngông, bất cần đời và cả tính sĩ diện, không vồ vập, tự trọng cao, không luồn cúi, hạ mình. Người Hà Nội hay lý sự, coi nhẹ danh vọng, vô tư, uyên bác nhưng lại nghèo. Lịch lãm thanh tao. Khái tính và hơi gàn, hơi bảo thủ.
 
Người Hà Nội với tính hòa đồng: Người Hà Nội đích thực vì sống ở Thủ đô, nơi hội tụ mọi cái hay, cái dở của mọi miền nên ít mắc bệnh địa phương chủ nghĩa, ít kỳ thị, phân biệt đối xử. Biết chơi và chịu chơi, sống chung với đủ loại kiểu người, lối sống, chủ nghĩa. Nhờ tính bao dung khoan dung nên người Hà Nội rất dễ hòa đồng.
 
Người Hà Nội với tính chừng mực, trung dung, vừa phải: Ít khi rơi vào cực đoan, quá khích, thái quá. Một vừa hai phải, không ngả không nghiêng về bên nào. Người Hà Nội không thích “đao to búa lớn”. Chính vì những nét trên mà khó lôi kéo, chinh phục, chi phối, kích động người Thăng Long.
 
Người Hà Nội với tính tế nhị, tinh tế, kính đáo: Ít khi làm phật lòng người khác, hòa nhã, mềm mỏng. Vẻ đẹp của tà áo dài, của thiếu nữ, của nếp suy tư trầm lắng, của sự hay suy nghĩ ở người già, của mùi hương ngọc lan thoang thoảng, của cách bài trí nội thất, của cách chào mời ở người bán hàng trên phố cổ… đó có lẽ là nét độc đáo chỉ có riêng của người Hà Nội.
 
Người Hà Nội với tính bền bỉ, tính bền chí, chịu thương chịu khó: Tính cách này nhiều khi lại kèm với tính cam chịu, nhận nhịn khi bị “hành” ở công đường, khi bị bắt nạt ở lối phố. Đó cũng là nét tiêu cực trong tính cách người Hà thành.
 
Ngoài những nét độc đáo, tiêu biểu, người Hà Nội cũng mang trong mình những nét tiêu cực trong tính cách, đó là:
 
- To đầu, nhỏ gan: Đầu óc người Hà Nội đầy chữ nghĩa, cập nhật liên tục thông tin, suy nghĩ nhiều, ngẫm đi, ngẫm lại, hay hoài cổ, hoài niệm. Trong làm ăn buôn bán người Hà Nội vừa làm vừa sợ, vừa nghe ngóng nên ít mạo hiểm, ngại thay đổi, phá cách làm ăn cũ, sợ thất bát, trắng tay.
 
- Quen làm cái vừa, cái nhỏ:  Do xuất thân là dân từ các làng nghề, dân Kẻ Chợ buôn bán nhỏ, bị nhiễm thói độc lập tiểu nông, “một mình một thuyền”, “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” , khó hợp tác với nhau, ai cũng muốn làm ông bà chủ, làm một mình nên đầu óc buôn bán, làm ăn lớn của người Hà Nội kém phát triển. Hiện nay thương hiệu “Hà Nội” chủ yếu vẫn quy tụ ở các món ăn như chả cá, bún thang, bún ốc, ô mai,…
 
Hà Nội là nơi sản sinh người tài nhưng lại bị chảy máu chất xám nặng nhất. Những người có đầu óc làm ăn lớn vẫn phải tìm nơi khác “đất lành chim đậu” để thực hiện ước mơ thi thố tài năng.
 
Với những tính cách đặc trưng dù “hay” dù “dở” nhưng người Hà Nội không chỉ là một khái niệm, một kiểu người, một phong cách của người Tràng An.
 
“Chẳng thơm cũng thể cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
 
Ngô Duy tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)