Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng người Hà Nội
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn Hà Nội phải trở thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa, một thành phố gương mẫu, đầu tàu của cả nước. Đối với mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô từ công nhân, nông dân, trí thức; từ các chiến sĩ bộ đội, anh em dân quân, tự vệ… thanh niên, học sinh, đến tầng lớp phụ nữ, phụ lão…, Người đều dành thì giờ để gặp gỡ, khuyên bảo hoặc viết thư thăm hỏi, động viên.
Ngay cuối năm 1946, đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 27/1/1947, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô động viên, thăm hỏi, khích lệ tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ. Những lời động viên đầy tình thương yêu của Người đã thôi thúc hàng ngàn thanh niên Hà Nội sẵn sàng lên đường chiến đấu với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, truyền cho mọi người, nhất là thanh niên một tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước! Nhất định không chịu làm nô lệ!”. Hồ Chí Minh đã trở thành tiêu biểu cho trí tuệ và khí phách của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn chiến đấu anh dũng vì nền độc lập của đất nước, vì tự do của nhân dân.
Đầu năm 1954, Cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Thực dân Pháp thất bại trên nhiều chiến trường. Càng thất bại chúng càng hung ác. Ở Hà Nội, chúng thẳng tay cướp của, giết người, bắt đồng bào, trong đó có cả phụ nữ đi lính để chống lại kháng chiến, để làm bia đỡ đạn cho chúng. Trước tình hình đó, Người đã có Thư gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ ở vùng bị chiếm. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thanh niên nam nữ thì cùng đồng bào ra sức đấu tranh chống giặc quyết không đi lính cho giặc, hăng hái tham gia du kích và bộ đội của ta”.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, Người đề ra nhiệm vụ cho Thủ đô Hà Nội là phải xây dựng để trở thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh. Người yêu cầu mỗi một người dân Hà Nội làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành sự nghiệp độc lập và dân chủ trong cả nước.
Người quan tâm đến mọi thành phần tầng lớp nhân dân Hà Nội. Đầu tiên là đội ngũ công nhân lao động. Khi nói về họ, Người ví: “Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 9, tr.204). Người yêu cầu công nhân phải đoàn kết. Đoàn kết để thi đua. Thi đua thì phải có tổ chức; vì có tổ chức, có kế hoạch thì mới thúc đẩy sản xuất, đưa năng suất, chất lượng hàng hóa ngày một cao hơn, đời sống người lao động mới được nâng lên. Người cũng chỉ rõ: trong lao động công nhân phải đảm bảo an toàn lao động, vì con người là vốn quý nhất. Người công nhân phải thường xuyên nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề.
Tiếp đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chú ý đến người nông dân ngoại thành Hà Nội. Người đã gửi thư cho đồng bào ngoại thành Hà Nội; đến thăm, động viên, chỉ bảo cán bộ, nhân dân xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), đến Hội nghị sản xuất ở Sơn Tây… Người đề cập đến những việc cụ thể mà người nông dân phải làm như đắp đê, chống hạn, bắt sâu, chăm sóc lúa, hoa màu… Người cũng thẳng thắn phê phán những phong tục lạc hậu của bà con trong ngày lễ, ngày tết và chỉ rõ: “Tết vui vẻ, không phải là chén chú chén anh”, vui tết phải lành mạnh, tiết kiệm, vẫn phải đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển, phải giữ tiếng thơm cho Hà Nội.
Đối với tầng lớp trí thức, cán bộ công chức, Hồ Chí Minh kêu gọi phải thực hiện cần kiệm liêm chính. Ngày 30/11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ viên chức Thủ đô và đưa ra 3 nhiệm vụ mà cán bộ viên chức Thủ đô phải thực hiện, đó là: đoàn kết, tăng năng suất công tác và học tập.
Ngoài tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ viên chức, bộ đội, công an,… Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến những người tiểu thương, tiểu chủ, tư sản thành thị… đặc biệt Người dành sự quan tâm lớn cho thanh niên, học sinh - những người chủ nhân tương lai của đất nước. Người nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”
Đối với phụ nữ, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đưa vị trí, vai trò của người phụ nữ bình đẳng với nam giới. Người khen ngợi những đức tính tốt của phụ nữ Thủ đô đồng thời chỉ ra tư tưởng tự coi mình là phái yếu nên kém phát triển hơn nam giới, một số chị em còn ngại học tập, ngại tham gia công việc đoàn thể, xã hội. Người yêu cầu phụ nữ Hà Nội muốn tiến bộ thì bản thân phải học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; hăng hái thi đua, thực hiện cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình; phải đoàn kết chặt chẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Hà Nội, cho người Hà Nội hơn 60 bài nói, bài viết. Những bài nói, bài viết của Người dành cho đồng bào Thủ đô đã thể hiện tấm lòng nhân ái mênh mông của vị Chủ tịch nước. Những bài nói, bài viết đó hết sức mộc mạc, bình dị, dễ hiểu, dễ nhớ với đạo lý sâu sắc, khiến cho người nghe, người đọc cảm thấy phấn khởi, tin tưởng; ai đọc được, nghe thấy đều phấn chấn, nguyện phấn đấu học tập và rèn luyện theo lời Người dạy. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng người Hà Nội sẽ còn mãi giá trị đến mai sau.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội