Triều Lý với những nhà hoạt động ngoại giao tiêu biểu
Với Lý Thái Tổ - vị vua đầu triên của triều Lý, người đã gắn liền với quyết sách tối ưu dời kinh đô từ Hoa Lư - Ninh Bình, nơi có lợi thế về phòng thủ nhưng hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội, giao thương… về thành Đại La, nơi có địa thế “rồng chầu hổ phục”, “tiện nghi núi sông sau trước”. Quyết sách dời đô đã thực sự tạo một tiền đồ xán lạn cho tương lai của một đất nước thịnh trị, nhưng tạo nên một vương triều hùng mạnh còn ở cả những đối sách ngoại giao của Lý Thái Tổ. Ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thi hành chính sách “nhu viễn”, dùng quan hệ hôn nhân để lôi kéo các châu mục, tù trưởng có thế lực. Ông đã gả công chúa Đông Thiên cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (Bắc Giang và nam Lạng Sơn ngày nay) là Giáp Thừa Quý. Giáp Thừa Quý vì thế mà đổi ra họ Thân và được làm châu mục Lạng Châu (sau này, con cháu Thừa Quý vẫn tiếp tục làm châu mục và phò mã nhà Lý). Chính sách khôn khéo này đã ràng buộc được một số tù trưởng, khiến họ thành tay chân của chính quyền trung ương. Trên văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi ghi lại mối quan hệ hôn nhân và gia đình giữa triều đình nhà Lý và thế lực các tù trưởng họ Hà nối tiếp làm châu mục Vị Long: “Cao Tổ là Hà Đắc Trọng xa nghe giáo hoá của vương triều, dời gót xin làm thần thứ. Từ đó giữ an toàn châu Vị Long vậy. Dân đã ấm, người đời tôn trưởng. Ngoài chính sách đối nội với các vùng viễn cương, thì trong quan hệ với các nước láng giềng, bao giờ Lý Thái Tổ cũng đặc biệt quan tâm đến quan hệ với nhà Tống. Với hoạt động ngoại thương Lý Thái Tổ đã quy định một số địa điểm cho thương nhân nước ngoài đến buôn bán và phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Năm 1012, ông xin vua Tống cho thuyền buôn của thương nhân Đại Việt được tới buôn bán tận Ung Châu (thành phố Nam Ninh, Quảng Tây – Trung Quốc). Đây là chủ trương mở cửa táo bạo vì sự phát triển kinh tế hàng hoá chung.
Sau Lý Thái Tổ, một trong những nhà hoạt động đối ngoại tiêu biểu của triều Lý là vị tướng Lý Thường Kiệt. Mặc dù là một trong số 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam về mặt quân sự, nhưng với Lý Thường Kiệt đối sách ngoại giao của ông là dùng thuật nhân tâm. Ví như năm 1061, vua Lý Thánh Tông cử ông đi dẹp Ngũ Huyện Giang, khi tới nơi ông đã điều tra tình hình và nhận thấy nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn là do dân chúng bất bình với quan lại địa phương, một mặt ông cho gọi các quan lại tới xét hỏi, mặt khác khuyên nhủ nhân dân để họ thấy được điều hay lẽ phải. Hoặc như năm 1069, Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, cử Lý Thường Kiệt làm Đại tướng chỉ huy đạo quân tiên phong, ông đã dùng chiến thuật đánh thật mạnh, thật triệt để, dùng binh lực mạnh ra những đòn chí tử và bên cạnh đó phải dùng thuật nhân tâm ra ân nghĩa bằng cách dụ dỗ, gọi hàng. Cuộc chiến Chiêm Thành quan quân Đại Việt giành thắng lợi, Chế Củ đã xin hàng, dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội.
Trong cuộc chống quân Tống, trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, giữa không khí hoang mang, từ màn đêm trong đền thờ Trương Hống và Trương Hát, Lý Thường Kiệt đã cho ngâm bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, quân Tống nghe càng thêm hoảng sợ. Nhân đó, quân nhà Lý tập kích và nhanh chóng uy hiếp địch mà không tốn nhiều binh lực. Thất bại, quân tướng nhà Tống hoảng loạn mà rút lui, Lý Thường Kiệt khoan hồng không truy kích.
Một trong những nhà hoạt động đối ngoại sắc sảo và linh hoạt của triều Lý là trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh. Trên bàn đàm phán đối trí với phái bộ nhà Tống, Lê Văn Thịnh đã biết mình phải ứng phó lúc cứng rắn, lúc lại mềm dẻo. Kết quả trong chuyến đi bàn định cương giới của Lê Văn Thịnh, nhà Tống phải trao trả cho Đại Việt 6 huyện là: Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng, Cận và 3 động. Cũng từ kết quả của các chuyến đàm phán trước đó, Đại Việt đã lấy về các châu có vai trò quan trọng ở vùng biên giáp Tống.
Với sự góp công của những nhà hoạt động đối ngoại tiêu biểu đã đưa nước Đại Việt thời Lý nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và văn minh, thịnh đạt nhất ở Đông Nam Á, trong đó Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn nhất của đất nước, nơi hội tụ và toả sáng văn hoá, văn minh Việt Nam.
Khánh Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội