Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/09/2015 10:38
Giải pháp khai thác các tác động của tiến trình hội nhập quốc tế đến sự phát triển Thủ đô

Trong những năm gần đây, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Với định hướng xây dựng Thủ đô Hà Nội tương xứng với thủ đô của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính quyền Thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác các tác động nhiều chiều của tiến trình hội nhập quốc tế đến sự phát triển kinh tế Thủ đô.

 
Việc hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế có cả tác động tích cực và tiêu cực đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2025 tầm nhìn đến năm 2035. Bởi đây chính là giai đoạn Việt Nam có khả năng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, chuẩn bị đầy đủ các tiền đề để cất cánh nền kinh tế, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, Thủ đô Hà Nội cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay chính là phải tiên phong trong việc khai thác các tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế.

Giải pháp thứ nhất, đó là Hà Nội cần quán triệt sâu sắc đường lối hội nhập quốc tế chủ động, tích cực của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối hội nhập quốc tế có phạm vi ảnh hưởng cả nước và có tính bao trùm cao, do đó Hà Nội cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng vào hoạch định cơ chế, chính sách của Thủ đô trong tiến trình hội nhập. Do vị thế chiến lược của Thủ đô, Hà Nội phải thể hiện được tính tiên phong, có thể có những bước đi mang tính thử nghiệm để tham chiếu cho các địa phương khác hoặc để tham chiếu cho các thủ đô nước ngoài. Nói cách khác, việc quán triệt đường lối của Đảng vào cơ chế, chính sách của Thủ đô Hà Nội là sự thể hiện ưu thế và tính đi đầu của Hà Nội so với các địa phương khác. 

Giải pháp thứ hai chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng, đó là cần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các tầng lớp dân cư trên địa bàn Thủ đô hiểu rõ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế Thủ đô để hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Từ việc nhận thức đầy đủ, chúng ta mới có thể hành động đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, hiệu quả đối với tất cả các đối tượng liên quan. Thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế đến các cơ quan ban ngành Thành phố cũng như đông đảo nhân dân Thủ đô thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Giải pháp thứ ba, đó là cần khẩn trương nghiên cứu các nội dung, quy định, quy ước… của cộng đồng các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới mà Việt Nam đang là thành viên và hướng đến gia nhập, để thể chế hóa thành các chủ trương, chính sách hội nhập của Thành phố. Để thể chế hóa các nội dung này, cần sử dụng đội ngũ chuyên gia hoặc các cơ quan tham mưu của Thành phố, kể cả việc tham khảo kiến thức, kinh nghiệm của các nước có nhiều tương đồng về kinh tế, chính trị, văn hóa… với nước ta. Điều này đỏi hỏi phải nhận thức đầy đủ và có chiều sâu bản chất của hội nhập trong ASEAN trong có việc xây dựng nội dung của các cộng đồng.

Giải pháp thứ tư, đó là cần xác định vị thế quốc tế tổng thể của Hà Nội. Khi vị thế quốc tế được xác định rõ ràng, các giải pháp đề xuất sẽ có tính khả thi hơn. Việc xác định từng bước vị thế quốc tế tổng thể của Hà Nội còn là cách thức để quản lý, điều chỉnh các tác động để đạt mục tiêu đặt ra.

Giải pháp thứ năm, đó là cần tập trung cải thiện liên tục năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội. Trong vài năm gần đây, Hà Nội có thứ tự xếp hạng năng lực cạnh tranh khá thấp so với nhiều địa phương khác trong cả nước nên việc cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Nội cần được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả; với mục tiêu đưa thủ đô Hà Nội trở thành một trong ba thành phố có năng lực cạnh tranh cao nhất Việt Nam.

Giải pháp cuối cùng, đó là cần chú trọng phát triển mối quan hệ về quản lý giữa Hà Nội với các cấp quản lý của các thủ đô hoặc các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các quan hệ này sẽ tạo ra kênh trao đổi thông tin, là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp lãnh đạo cũng như các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp giữa các thủ đô, các thành phố lớn của các quốc gia.

Có thể nói, Hà Nội có vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng nhất trong cả nước; có mối quan hệ và tính kết nối cao với thủ đô và các thành phố trong châu lục cũng như cả thế giới. Với quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính bền vững, Thủ đô Hà Nội sẽ khai thác hiệu quả các tác động của tiến trình hội nhập đối với sự phát triển kinh tế Thủ đô, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
 
Quỳnh Mai

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)