Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/09/2015 10:48
Giáo dục thiếu nhi Thủ đô những hành vi giao tiếp văn hóa - Tác động từ các nhân tố truyền thống và hiện đại

Truyền thống của bất cứ dân tộc nào cũng đều chứa đựng cái hay, cái đẹp nhưng đồng thời cũng có những cái xấu, cái lỗi thời. Truyền thống dân tộc Việt Nam cũng vậy. Do đó, giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho thiếu nhi, nhất là thiếu nhi Thủ đô, một mặt cần biết kế thừa những nét tinh hoa đậm đà bản sắc dân tộc, mặt khác cần biết loại bỏ những cái cổ hủ, lạc hậu. Đây chính là điều cần thiết và mang tính nguyên tắc trong việc giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thế hệ trẻ, nhất là thiếu nhi Thủ đô.

 
Mặc dù trẻ em ngày nay không tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống của tổ tiên trong quá khứ, nhưng không phải vì thế mà sự hình thành và phát triển nhân cách của thiếu nhi không chịu ảnh hưởng của những nhân tố trong truyền thống. Thật ra, không phải bằng con đường di truyền học thông qua “gen”, cũng không phải là qua dòng máu mà chính là bằng con đường “di truyền học xã hội” hay “kế thừa văn hoá” mà bản tính tộc người được truyền vào trong nhân cách trẻ em ngày nay.
 
Do đó, việc nghiên cứu nhân cách trẻ em cũng như hành vi giao tiếp của thiếu nhi không thể đơn giản chỉ xem xét nó trong hoàn cảnh sống hiện tại mà còn phải xét tới “độ sâu nhân cách” do “độ thẩm thấu tâm lý” mà xét đến cùng là do “bề dày lịch sử” hay “chiều sâu lịch sử” của những cơ sở vật chất xã hội, văn hoá dân tộc trong quá khứ xa xưa của người Việt Nam truyền thống. Rõ ràng dấu tích đó vẫn được hiện hữu trong hành vi giao tiếp ngày nay mà ai cũng có thể nhận ra. Những nét đẹp như: lòng yêu nước thương nòi “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “kính trên nhường dưới”, “lá lành đùm lá rách” lối xã giao coi “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “giấy rách phải giữ lấy lề”… vẫn là nề nếp gia phong mà nhiều người Việt Nam đến hôm nay vẫn còn lưu giữ.
 
Truyền thống của bất cứ dân tộc nào cũng đều chứa cái hay, cái đẹp đồng thời cũng có những cái xấu, cái lỗi thời. Truyền thống dân tộc Việt Nam cũng vậy. Do đó, giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho thiếu nhi, một mặt cần thiết phải biết kế thừa những nét tinh hoa đậm đà bản sắc dân tộc nhất là của người Thủ đô, mặt khác lại cần phải loại bỏ những cái cổ hủ đã đeo bám vào bản tính dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay. Duy trì cái đẹp của truyền thống dân tộc đã khó khăn, những loại bỏ cái xấu lại càng khó khăn gấp bội. Dẫu vậy, đây lại là điều cần thiết và mang tính nguyên tắc trong việc giáo dục hành vi giao tiếp có văn hoá cho thế hệ trẻ, nhất là thiếu nhi Thủ đô.
 
Cuộc sống cũng luôn luôn biến động, truyền thống dân tộc cũng là một dòng chảy không ngừng, do đó không thể bắt những em gái mới lớn giấu kín mình trong “phòng the”, gặp ai thì e lệ nép mình sau người khác hoặc bắt em trai phải chắp tay cúi đầu vái lạy khi gặp người lớn. Những hình ảnh đó chỉ tồn tại trong các câu chuyện cổ mà thôi.
 
Thời đại mới có cách sống mới. Điều quan trọng là cần phải chọn cách sống như thế nào cho phù hợp, biết chắt lọc cái mới, cái hay của thời đại để đan kết vào cái đẹp, cái tốt của truyền thống dân tộc. Hiệu quả tốt nhất trong việc giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho thiếu nhi Thủ đô cần kết hợp những nhân tố tích cực trong truyền thống (nhất là cách ứng xử của người Hà Nội) và trong cuộc sống hiện đại.
 
Cuộc sống hiện đại là một sự nối tiếp cuộc sống truyền thống. Nhưng với biết bao biến thiên của lịch sử, hiện tượng tiếp biến văn hoá khi các nền văn hoá gặp nhau và tương tác với nhau tạo nên những cơ tầng văn hoá mới, giá trị văn hoá mới bồi đắp thêm hoặc làm giảm thiểu đi những gì đã không có trong quá khứ. Đó là quy luật phát triển của mọi quốc gia. Chính hiện tượng tiếp biến văn hoá lại được tiếp sức bằng những phương tiện thông tin đại chúng tối tân, đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta ngày nay, mà mạnh mẽ nhất là đến thế hệ trẻ.
 
Rõ ràng cuộc sống hiện tại đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến từng người, nhất là khi đất nước đang chuyển mình. Hơn nữa, quá trình toàn cầu hoá ngày càng làm phai mờ sự khác biệt giữa các quốc gia, đồng thời ngày càng làm nổi lên nhiều cái phổ cập, nhiều cái chuẩn mực chung của thế giới; trong khi đó không ít giá trị đã hun đúc nên được theo chiều dài lịch sử của đất nước đang bị mai một hoặc đảo lộn. Trước tình hình mới này, nhiều người trong chúng ta lại chưa thể dứt bỏ được những cái cũ, cái lỗi thời đồng thời lại chưa kế thừa tiếp thu hợp lí cái mới, cái tiến bộ. Điều đó ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ, mà trước hết dễ nhận ra nhất là những biểu hiện trong hành vi giao tiếp. Bởi vậy, giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho lứa tuổi thiếu nhi, nhất là với thiếu nhi Thủ đô - những công dân tương lai của một Thủ đô hiện đại, văn minh, càng cần chúng ta nghiên cứu kỹ những tác động nhiều chiều của các nhân tố, cả nhân tố tích cực trong truyền thống dân tộc (nhất là cách ứng xử của người Hà Nội) và các nhân tố mới, tiến bộ trong cuộc sống hiện đại.
 

Nguyễn Xuân

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)