Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 30/09/2015 10:53
Hà Nội chú trọng xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thuộc Thành phố quản lý với hàng triệu lao động. Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những năm vừa qua, các doanh nghiệp Thành phố đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bên cạnh sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, Chính quyền Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước đứng vững và phát triển trong xu thế hội nhập.

 
Có thể nói, sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong những năm qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với trang thiết bị công nghệ trung bình và lạc hậu, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân kỹ thuật còn hạn chế dẫn đến chậm chễ trong việc đổi mới thiết bị và tiếp nhận công nghệ tiên tiến, giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng suất lao động thấp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm...
 
Trước bối cảnh đó, Chính quyền Thành phố đã xác định muốn thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng ổn định, bền vững thì cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, trong những năm trở lại đây, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp từng bước đứng vững và phát triển trong hội nhập. UBND Thành phố đã chủ động phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp của Hà Nội. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện. Hà Nội cũng là nơi có nhiều cơ quan Trung ương hoạt động, do vậy các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng được xây dựng dựa chính vào yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố.
 
Một số cơ chế, chính sách của Thành phố Hà Nội đã và đang được triển khai thực hiện, nhằm tích cực hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn:
 
Cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư: Đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy định do Thành phố ban hành không còn phù hợp với các cam kết quốc tế trong hội nhập, đồng thời giao nhiệm vụ và thường xuyên đôn đốc các sở, ngành xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm. Bên cạnh đó, việc đổi mới, cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã được Thành phố chú trọng thực hiện. Tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã hoàn thành việc rà soát, chuẩn hoá thủ tục hành chính và niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; ban hành các quy định về cơ chế một cửa liên thông về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; thành lập Tổ công tác liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong quản lý các dự án đầu tư và xây dựng; thiết lập “đường dây nóng” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Xây dựng và triển khai Đề án đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất và đầu tư; xây dựng kế hoạch và cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tiếp tục mở rộng hệ thống và đầu tư xây dựng mới các trường đào tạo công nhân kỹ thuật cao trên địa bàn Thủ đô.
 
Những cơ chế, chính sách trọng tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp như:  hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, công tác tư vấn thuế, trợ giúp thông tin cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp... và có chính sách thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Hà Nội còn là địa phương triển khai nhanh và quyết liệt việc cụ thể hóa Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động của UBND TP số 33/CTr-UBND ngày 7/3/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó: tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu; tăng cường thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp an sinh xã hội, đặc biệt khi giá cả tăng cao, đời sống khó khăn. Thành phố cũng siết chặt công tác quản lý thị trường, nhất là đối với những mặt hàng nhiều khả năng biến động về giá như sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc chữa bệnh, tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây khan hiếm hàng hóa giả tạo...
 
Bằng việc triển khai tập trung và đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, Thành phố Hà Nội đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Bước vào giai đoạn 2015-2020, với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn, Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục giữ vị trí đầu tàu về kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước, xứng tầm vị thế của một Thủ đô hiện đại, phát triển.
 
 
Nam Trang

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)