Cơ sở kinh tế của cư dân Hà Nội thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên
Văn hoá Phùng Nguyên mở đầu vào khoảng 4000 năm trước và kéo dài trong khoảng 600-700 năm, được xem là giai đoạn văn hoá mở đầu cho quá trình dựng nước của dân tộc Việt Nam. Những di chỉ khảo cổ thu thập được trên địa bàn Hà Nội như Quần Ngựa, Công Viên Thống Nhất, Văn Điển, Đàn Xã Tắc… đã phần nào gợi mở những dấu ấn đầu tiên về sự hình thành và phát triển của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên. Qua các tầng văn hoá với số lượng lớn rìu bôn mà các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy chứng tỏ thời bấy giờ cư dân Hà Nội đã có một cuộc sống tương đối ổn định lâu dài để tiến hành sản xuất nông nghiệp. Rìu bôn là công cụ tương đối phổ biến thời kỳ này dùng để chặt cây, khai hoang diện tích trồng lúa và lương thực. Tại khu di tích Văn Điển đã khai quật được 228 rìu bôn, ở Đồng Vông là 107 chiếc. Cũng theo kết quả khai quật ở khu di tích Xuân Kiều với những dấu tích về những cục than có nhiều hạt lúa bị cháy, hay những hình vỏ trấu trên những trạc gốm phát hiện ở di tích Đồng Vông đã cho thấy cư dân văn hoá Phùng Nguyên đã phát triển nghề trồng lúa nước tương đối phổ biến. Bên cạnh việc trồng lúa cư dân thời kỳ này còn trồng cây ăn quả và lấy hạt. Trong một số kết quả khai quật khảo cổ học đã tìm thấy các loại hạt như trám, mận, đỗ… Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi thời kỳ này cũng đã xuất hiện. Theo kết quả phân tích những xương răng động vật thu được trong các di tích Văn Điển, Đồng Vông, Núi Xây trên địa bàn Hà Nội đều cho thấy đây là những động vật do con người thuần dưỡng, và có những động vật sống trong rừng và dưới nước, cùng với những tượng trâu bò, gà bằng đất nung. Điều đó cho thấy thời kỳ này, những động vật như trâu, bò, gà đã là những con vật gần gũi được nuôi dưỡng trong nhà. Qua đây có thể thấy thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên, trên địa bàn Hà Nội đã có một nền nông nghiệp tổng hợp tương đối ổn định bao gồm trồng lúa nước, trồng cây ăn quả và chăn nuôi…
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, các ngành nghề thủ công cũng đã dần được hình thành và có bước phát triển. Đó là nghề làm đồ đá, đồ gốm và đặc biệt là nghề luyện đúc đồng. Nghề làm đồ đá đã có từ trước đó nhưng đến thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên thì có bước phát triển vượt bậc. Trong kết quả khảo cổ từ các địa điểm trên địa bàn Hà Nội có các bộ sưu tập công cụ và đồ trang sức bằng đá mà đặc biệt là qua những lưỡi răng cưa, mũi khoan, lõi vòng bằng đá, các loại bàn mài cũng như các phế phẩm có vết cưa, khoan có thể thấy người thợ đá thời bấy giờ đã có những kỹ thuật tay nghề cao và thành thạo. Ngoài những đồ trang sức bằng đá như vòng tay theo hình các chữ cái và được làm công phu, mặt ngoài có ren hoặc được mài nhẵn bóng, nhiều màu sắc và hình dáng... còn có nhiều công cụ sản xuất như rìu bôn, đục, bàn dập, chì, lưới, mũi tên. Dù đã hình thành từ trước đó nhưng có thể nói đến giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên thì đồ đá mới trở thành một nghề thủ công đúng với ý nghĩa của nó.
Bên cạnh nghề đá, nghề làm gốm cũng đánh dấu một bước nhảy vọt trong lịch sử phát triển của nghề gốm nước ta. Tuy chưa tìm thấy di chỉ về các lò nung gốm nhưng qua những mảnh gốm vỡ và các đồ gốm tìm thấy còn nguyên vẹn có thể thấy được kỹ thuật của nghề gốm thời kỳ này từ việc chọn nguyên liệu, cho đến nghệ thuật trang trí. Đồ gốm Phùng Nguyên chủ yếu là gốm thô pha cát, song cũng có một tỷ lệ nhất định gốm mịn mặt ngoài miết láng và một số gốm xốp nhẹ. Mỗi loại nguyên liệu dược dùng để sản xuất một số loại hình gốm nhất định và trang trí những loại hoa văn phù hợp. Hiện tượng này cho thấy người thợ gốm ở đây đã nắm được kỹ thuật chọn lựa, sàng lọc, pha trộn nguyên liệu để có thể làm ra những đồ gốm tốt nhất. Sự tiến bộ của đồ gốm Phùng Nguyên thể hiện rõ nhất trong khâu tạo hình và trang trí hoa văn. Người thợ gốm đã biết sử dụng bàn xoay để tạo hình nên đồ gốm có độ tròn trặn, thành gốm mỏng đều. Bàn xoay cũng được sử dụng để trang trí hoa văn, vạch những đường chỉ chìm chạy quanh. Với phương pháp bàn xoay, đồ gốm thời kỳ này không những đẹp hơn, kiểu dáng phong phú hơn mà còn sản xuất hàng loạt đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn. Có thể nói việc sử dụng bàn xoay trong công nghệ làm gốm thời kỳ này là một thành tựu xuất sắc của cư dân thời Phùng Nguyên.
Sáng tạo vĩ đại nhất của cư dân thời kỳ Phùng Nguyên chính là sự ra đời của kỹ thuật đúc đồng. Dù các di chỉ khai quật thu được không có nhiều chỉ là những cục xỉ đồng, nhưng khi phân tích kết quả thì đây là đồng thau chứ không phải đồng đỏ. Điều này có thể khẳng định rằng kỹ thuật đúc đồng đã có từ thời văn hoá Phùng Nguyên.
Ngoài những ngành nghề thủ công chính, thời kỳ này đã có một số nghề phụ trong gia đình như làm đồ gỗ, dệt vải, đan lát…
Tóm lại, trong những lớp cư dân Phùng Nguyên đầu tiên đến khai phá vùng đất Hà Nội đã có một nền kinh tế bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau trên cơ sở nền nông nghiệp lúa nước và bước đầu biết đến kỹ thuật luyện đồng. Đây chính là những cơ sở, nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo là văn hoá Đồng Đậu và Gò Mun.
Minh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội