Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 09/10/2015 09:36
Đôi nét về đời sống tôn giáo tín ngưỡng Thăng Long thời Mạc

Ở Thăng Long thời Mạc cũng như lĩnh vực kinh tế - xã hội – văn hoá khác, hiện tượng thoáng mở, khoan dung là một nét nổi bật trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài việc 3 tôn giáo Nho - Phật - Đạo chung sống hoà bình và hoà nhập cùng nhau (Tam giáo đồng nguyên, Tam giáo tịnh tồn), các tín ngưỡng dân gian truyền thống cũng có điều kiện phát triển.

 
Trong thế kỷ XVI đạo Mẫu đã xuất hiện và phổ biến trong dân gian, thờ Mẫu Liễu Hạnh được vào hàng Tứ bất tử trong thần phả, là vị nữ thần duy nhất trong bộ tứ đó, có một lai lịch nửa thiên giới nửa trần tục, tượng trưng cho những khát vọng tình yêu lứa đôi nơi trần thế.
 
Mẫu Liễu vốn có nhiều duyên nợ với kinh thành Thăng Long. Trong Truyền kỳ tân phả, truyện Vân Cát thần nữ, Đoàn Thị Điểm chép: “Thời gian sau, Tiên chúa trở về Đông Kinh, thường đi lại đất Tràng An, các nơi như Hoà Nhai, Báo Thiên, Hoàng đình Đình Ngang, Đông Tân… không ngày nào là không lui tới, người thường không biết đâu mà lường tung tích”. Liễu Hạnh còn gặp gỡ và đề thơ xướng hoạ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan và người bạn của ông trong một giai thoại được lưu truyền phổ biến. Sự tồn tại và truyền bá tín ngưỡng Mẫu Liễu ở Thăng Long lúc này là một dấu hiệu của sự phong phú, đa dạng và thông thoáng rộng mở của không gian tâm linh ở Thăng Long thời Mạc.
 
Tam giáo đồng nguyên (đúng ra nên dùng thuật ngữ Tam giáo tịnh tồn) là một hiện tượng chỉ 3 tôn giáo Nho, Phật, Đạo cùng chung sống hoà bình, khoan dung và pha trộn vào nhau. Nó tồn tại trong lịch sử tư tưởng tôn giáo của cả hai nước Trung Hoa và Việt Nam. Ở các quốc gia Đông Nam Á cũng có hiện tượng tương tự, với sự cùng tồn tại hoà bình và hỗn dung giữa các tôn giáo như đạo Hinđu, đạo Phật và đạo Hồi.
 
Trong đời sống tâm linh của kinh thành Thăng Long, thời Lý - Trần đã chứng kiến một hiện tượng Tam giáo đồng nguyên lần thứ nhất. Đặc điểm của Tam giáo đồng nguyên thời Lý - Trần lấy cơ sở của dòng tôn giáo chủ lưu là đạo Phật, được nhà nước chính thức đứng ra bảo trợ. Bên cạnh đó, Đạo giáo cũng có điều kiện phát triển, bén rễ sâu trong quần chúng bình dân. Đạo Nho đang ở thế đi lên, như một nền giáo dục và văn hoá chính trị để xây dựng một thể chế quân chủ tập quyền.
 
Thế kỷ XV dưới thời Lê sơ, đặc biệt là vương triều Lê Thánh Tông, đã diễn ra một bước ngoặt về đời sống tư tưởng văn hoá với chính sách sùng Nho. Nho giáo trở thành một hệ tư tưởng chính thống nhà nước, giữ địa vị độc tôn. Về nguyên tắc, Phật giáo và Đạo giáo bị hạn chế, bài xích. Tam giáo đồng nguyên không còn tồn tại. Tuy nhiên, trong thực tế, những tôn giáo phi chính thống như Phật, Đạo và các tín ngưỡng dân gian chỉ lui về ẩn trong các chùa, quán nơi làng xã, với sự che chở của các tầng lớp quần chúng bình dân, chứ chưa bao giờ bị suy sụp.
 
Tới thời Mạc, cùng với các địa phương khác, kinh thành Thăng Long đã xuất hiện một hiện tượng Tam giáo đồng nguyên lần thứ hai. Lúc này, Nho giáo vẫn được coi như hệ tư tưởng chính thống nhà nước, nhưng Phật giáo, Đạo giáo đã nhân cơ hội sụp đổ của thể chế đơn trị thời Lê sơ mà trỗi dậy như những luồng tư tưởng đối trọng phi chính thống. Nho giáo đã pha màu sắc của Phật giáo như các triều Lý, Trần nhưng trên thực tế đã có thái độ khoan hoà, dung dưỡng, thậm chí có lúc khuyến khích cả hai tôn giáo đó. Tam giáo đồng nguyên ở Thăng Long thời Mạc là một tam giáo đồng nguyên mới, phi nhà nước và đậm tính dân gian nhưng đã được một số nho sĩ và các cá nhân trong tầng lớp quý tộc ủng hộ. Nó tạo cơ sở tiền đề cho những đợt sóng văn hoá mới và sự phát triển của Tam giáo đồng nguyên thời Lê - Trịnh những thế kỷ XVII – XVIII.
 
Nhân vật chủ soái phát ngôn cho thuyết Tam giáo đồng nguyên thời Mạc là nhà tư tưởng lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1578, ông có bài minh khắc vào bia đặt ở tượng Tam giáo chùa Cao Dương (Thái Bình). Trong thời Mạc, ở vùng Thăng Long còn có một ngôi chùa Tam giáo khác ở huyện Đan Phượng, trùng tu năm 1590. Ngoài ra còn có chùa Sổ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) thờ Phật nhưng đồng thời cũng biến thành quán Hội Linh thờ Ngọc hoàng Thượng đế.
 
Nhờ chính sách khoan dung tôn giáo của triều Mạc, đạo Phật đã từng bị hạn chế dưới triều Lê sơ, nay có điều kiện để phục hưng, phát triển cả trong tầng lớp quý tộc lẫn trong quần chúng bình dân làng xã.
 
Một số không ít trong giới quý tộc hoàng gia triều Mạc đã đi theo đạo Phật, có những người sùng tín. Đa số những người này thuộc giới nữ, như các thái hậu, hoàng hậu, trưởng công chúa… Họ đã cống hiến ruộng đất, tiền bạc vào các chùa chiền làm của Tam bảo, nhưng cũng có nhiều nam giới như quân công, tướng lĩnh làm việc công đức này. Nổi bật có Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản là vợ vua Mạc Phúc Hải, mẹ vua Mạc Phúc Nguyên và bà nội vua Mạc Mậu Hợp đã cúng 30 mẫu ruộng và 6.000 lá vàng cho nhiều chùa chiền, được suy tôn là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật bà sống trên trần gian”, được tạc tượng thờ. Bản thân một số vị vua Mạc, như Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp cũng cúng nhiều tiền bạc cho chùa chiền…
 
Chùa chiền thờ Phật nở rộ dưới thời Mạc, phần lớn là trùng tu, nâng cấp những chùa cũ, một số xây dựng mới. Kinh phí chủ yếu là do dân làng đóng góp, có thêm các tín đồ sùng Phật và những nhà già hảo tâm. Việc trùng tu và dựng bia chùa được phân bố ở nhiều địa phương, nhưng tập trung ở hai vùng chung quanh Dương Kinh và kinh thành Thăng Long.
 
Thời Mạc, Đạo giáo vốn gần gũi với Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, cũng khá phát triển. Chúng ta đã thấy tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh phổ biến ở thời Mạc, có nhiều nét tương tự với Đạo giáo. Có một số chùa Tam giáo, nhiều chùa ngoài thờ tượng Phật còn thờ cả các tượng thuộc Đạo giáo như Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào Bắc Đẩu, ông hoàng bà chúa. Thời Mạc có 8 đạo quán được trùng tu xây dựng, nổi tiếng nhất là quán Linh Tiên (Cao Xá, Đan Phượng) do hai vợ chồng phò mã quận công Mạc Ngọc Liễn và Trưởng Công chúa Mạc Ngọc Lâm đứng ra trùng tu năm 1584.
 
Tư tưởng Lão – Trang cũng đã thẩm thấu và để lại dấu tích trong trước tác của một số trí thức nho sĩ Thăng Long thời Mạc. Đạo Nho của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã pha trộn khá đậm sắc màu của Đạo, Thích với những lẽ về biến dịch, sắc, không, hành xử ẩn dật tiêu dao. Học trò của ông là Nguyễn Dữ, sớm từ quan về ở ẩn, tác giả cuốn Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng của Đạo gia với những truyện về tiên thánh, hồn ma, như các truyện về Từ Thức, Phạm Tử Hư, Hà Nhân ở trại cây…
 
Thế kỷ XVI, tại các vùng ven đô Thăng Long, một loại hình tín ngưỡng làng xã với tục thờ thần linh ở các đền miếu trong một nền văn hoá xóm làng có thể được tồn tại từ lâu cũng được hình thành và phát triển. Kiến trúc đình làng được xây dựng kiên cố bằng gạch ngói kết hợp với gỗ lâu đời nhất được biết còn tồn tại đến ngày nay đều có niên đại vào thời Mạc.
 
Ở vùng phụ cận kinh thành Thăng Long có các ngôi đình Thuỵ Phiêu (huyện Ba Vì, Hà Nội, năm 1531), Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà, Bắc Giang, năm 1576), La Phù (huyện Thường Tín, Hà Nội, năm 1579), trong đó nổi tiếng nhất là đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội, năm 1583). Ở các ngôi đình này đã có sự kết hợp hài hoà chức năng tôn giáo (thờ thần, cúng lễ) với chức năng văn hoá (hội hè, nơi tổ chức các trò  vui dân gian).
 
Với những nét khái quát về diện mạo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Thăng Long thời Mạc ở trên, có thể thấy không gian tín ngưỡng – tâm linh ở kinh đô Thăng Long và các vùng phụ cận thời Mạc là một không gian tư tưởng – văn hoá thoáng mở. Hiện tượng Tam giáo đồng nguyên lần thứ hai, phi nhà nước (Nho - Phật - Đạo) tồn tại hoà bình cùng với những tín ngưỡng dân gian (tục thờ thần linh, thờ Mẫu Liễu Hạnh), tạo nền tảng để tiến tới một toàn cảnh đa sắc, đa nguyên của Thăng Long thế kỷ XVII-XVIII.
 
 
Song Hỷ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)