Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 09/10/2015 09:54
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực - Chìa khóa thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thủ đô

Với vị thế là thủ đô của một quốc gia, Hà Nội là trái tim của cả nước, vấn đề phát triển kinh tế của Hà Nội luôn là mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo Trung ương và nhân dân cả nước. Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, nhiệm vụ trước mắt của Hà Nội là cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và ưu tiên đào tạo nghề cho lao động Thủ đô.

 
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định quan điểm phát triển ưu tiên số một của Thủ đô là phát triển nhanh, hài hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội; đặt con người vào vị trí trung tâm phát triển; kết hợp hài hòa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo trật tự, văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội. Như vậy, có thể nói ngay trong Chiến lược phát triển dài hạn này, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô Hà Nội vẫn luôn là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong mọi thời kỳ, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các yếu tố đầu vào mở rộng trên quy mô quốc tế. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực của Hà Nội được thể hiện trên nhiều phương diện; nhưng ưu tiên đầu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đồng thời với tăng cường đầu tư cho đào tạo nghề tại chỗ cho lao động phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Thứ nhất, Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chuyển từ mở rộng số lượng sang nâng cao chất lượng. Cấu trúc giáo dục phổ thông của Thành phố cần thay đổi căn bản theo hướng rút gọn quy mô ở cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông theo lộ trình giảm dân số trong độ tuổi đi học, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, thu hút tư nhân tham gia vào quá trình giáo dục, đào tạo. Riêng đầu tư từ ngân sách cho giáo dục phổ thông, cần chú trọng đến cơ cấu phân bổ, hiệu quả và chất lượng. Nhà nước nên sử dụng phương pháp quản lý theo kết quả đầu ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng tới hiệu quả chi ngân sách và chất lượng nguồn nhân lực với các tiêu chí đánh giá cụ thể.

Thứ hai, Hà Nội cần ưu tiên đào tạo nghề tại chỗ cho lao động phổ thông để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho đại bộ phận lực lượng lao động trên địa bàn. Theo nhiều nghiên cứu về lao động xã hội của Thành phố giai đoạn 2012-2020, Hà Nội vẫn đang đứng trước áp lực lớn về giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn dân cư vốn không có tay nghề. Do đó, quan điểm hiện nay Thành phố phải tiếp tục khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có ở toàn thành phố thông qua thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn này, chúng ta cần tập trung ngay vào việc đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ, kỹ thuật cao và chuyển dịch từ khai thác lao động giá rẻ sang sử dụng lao động có tay nghề.

Muốn vậy trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề hiện nay của Thành phố cần tập trung đào tạo những kỹ năng, chuyên môn dựa trên nhu cầu thực tế của mỗi địa phương khác nhau thông qua các hình thức tự đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu. Ở khu vực chưa phát triển, nhất là vùng nông thôn, miền núi của Hà Nội, nhấn mạnh việc tự đào tạo là việc phát triển các mô hình dạy nghề tại cộng đồng như người làm ăn giỏi dạy người chưa biết cách làm ăn, mở rộng các hình thức câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm, nhóm đồng đẳng tương trợ lẫn nhau... Thành phố, đặc biệt là chính quyền cơ sở, có thể tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, một phần kinh phí hoặc cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá để phát triển các hình thức cộng đồng dạy nghề như vậy.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần đổi mới toàn diện hệ thống các trung tâm dạy nghề tại các huyện ngoại thành hiện nay, từ tư duy trong đào tạo dạy nghề đến phương thức quản lý, chương trình đào tạo dạy nghề... Việc dạy nghề cần phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động và khả năng mở mang ngành nghề thực tế tại địa phương, chứ không phải theo một chương trình soạn sẵn hoặc áp đặt từ trên xuống một cách duy ý chí. Muốn như vậy, các trung tâm dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của họ. Việc xác định các ngành nghề có khả năng phát triển tại địa phương phải căn cứ trên tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương cũng như dự báo về khả năng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điều này bản thân các trung tâm dạy nghề không thể thực hiện được mà cần thu hút các chuyên gia, các nhà tư vấn và kể cả các doanh nghiệp cùng tham gia phân tích và định hướng nghề nghiệp cho các địa phương.
 
Với những giải pháp cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực của Hà Nội, cùng sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền các cấp, chúng ta tin tưởng rằng Thủ đô Hà Nội sẽ nhanh chóng tạo được thế và lực mới khi bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế; trở thành địa chỉ cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho cả nước cũng như khu vực và quốc tế.

Tuệ Linh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)