Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 09/10/2015 10:14
Một số nét khắc hoạ kiến trúc Thăng Long thời Lê - Trịnh

Thời Lê - Trịnh, dưới tác động của nền kinh tế hàng hóa đô thị, kiến trúc là một loại hình mỹ thuật khá phát triển trong nền văn hóa đa sắc của Thăng Long – Kẻ Chợ. Kiến trúc Thăng Long thời Lê - Trịnh bao gồm 3 loại hình chủ yếu: kiến trúc quý tộc quan liêu, kiến trúc dân gian và kiến trúc tôn giáo. Đặc điểm chung có thể nhận thấy trong kiến trúc cũng như các loại hình điêu khắc, hội hoạ thời này là những yếu tố dân gian truyền thống đã hòa trộn và đan xen với những yếu tố cung đình quan phương, phong cách đa dạng phong phú, thấm đượm chất nhân văn khai phóng.

 
Về kiến trúc của Thăng Long thời Lê - Trịnh, tìm hiểu chúng ta sẽ thấy được một số nét cơ bản riêng của thời kỳ này. Khu Hoàng cung thời Lê – Trịnh đã bị xuống cấp nhiều, khu quần thể phủ chúa trịnh mới được xây dựng. Theo những mô tả của người phương Tây lúc đó, công trình kiến trúc phủ chúa này cũng không thật là đồ sộ, hoành tráng như một số kinh đô của các nước Đông Nam Á khác. Nhưng họ cho rằng, đặc điểm hấp dẫn của nó là dùng vật liệu gỗ với một kỹ thuật trang trí chạm trổ tinh xảo, một cảnh quan thoáng rộng hòa hợp với thiên nhiên cây cỏ, hồ ao, ngòi nước, vườn tược.

Những công trình xây dựng quan liêu như dinh thự, nha môn, công đường thời Lê – Trịnh nhìn chung là đơn giản hơn khi so với thời Hồng Đức xưa kia. Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục rằng: “Từ lúc trung hưng, vì công việc nhiều, nên chưa kịp xây dựng, chỉ có công đường của Lễ bộ, Ngự sử đài và Tư lễ giám, còn các nha môn khác đều tùy tiện lấy nhà riêng của viên quan đứng đầu dùng làm nơi làm việc, các văn án sổ sách đều giao thuộc lại giữ riêng, không có phòng để lưu trữ”. Đó là những ngôi nhà gỗ theo thiết kế truyền thống theo chiều ngang, có dựng cột, chia thành nhiều gian (7 gian, 5 gian, 3 gian 2 chái) phần đông có xây tường bao.

Nhà nước Lê – Trịnh tập trung xây dựng và trùng tu một số công trình kiến trúc mang tính chất lễ nghi. Thời Trịnh Tạc, năm 1663, cùng với đợt sửa sang Văn Miếu, Tham tụng Phạm Công Trứ đã cho trùng tu và mở rộng đàn Nam Giao, đăc biệt là điện Chiêu Sự. Điện Chiêu Sự xây dựng từ thời Hồng Đức, trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn chép rằng: “bao gồm 3 gian, 2 chái, nhà bên cạnh về phía đông và phía tây 2 dãy mỗi dãy 7 gian, cửa điện Chiêu Sự 3gian, điện Canh Y và trai cung đều 1 gian 2 chái, phòng nhà bếp 3 gian, phòng ăn chay 1 gian, kho tế khí 3 gian, thứ nữa, cửa giữa 3 gian, cửa tả và hữu đều 1 gian, lại thứ nữa, hai cửa ngoài đều 3 gian, bốn xung quanh đắp tường”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại về việc sửa điện Chiêu Sự thời Trịnh Tạc: “Trước đây, đàn Nam Giao đã có điện, nhưng quy mô còn nhỏ hẹp. Đến đây, Vương sai làm thêm, nhà chính điện thì cột vuông, lát nền bằng đá, trong sàn, ngoài sàn đều xây đá, cột, rường, hoàng, rui đều sơn son thếp vàng, quy mô chế độ mới mẻ rực rỡ. Vương lại sai từ thần là bọn Hồ Sĩ Dương làm văn khắc vào đá để ghi việc này”. Lại có những thành bậc bằng đá tảng, đẽo khắc trang trí những hình mày xoắn, đao lửa, hoa chanh, cá hóa rồng và đôi chim uyên ương. Theo kết quả khai quật khảo cổ học địa điểm đàn Xã Tắc ở phía ngoài cửa ô Chợ Dừa năm 2006 cho thấy trong tầng văn hóa Lý, Trần, Lê đã xuất lộ dấu tích kiến trúc và di vật. Di tích bị phá hủy gần như toàn bộ, chỉ còn lại ít móng nền và sân nền.  Di tích thời Lê là dấu tích đường đi xây bằng gạch vuông cùng như di vật như gạch ngói, ngói chủ yếu là ngói âm dương và đồ gốm men trắng, xanh ngọc, hoa nâu, một ít gốm men Trung Quốc thời Minh, Thanh.

Kiến trúc nhà ở dân sự thời Lê – Trịnh chủ yếu là nhà tranh vách đất, một số là nhà dựng bằng gỗ, đều thiết kế theo chiều ngang. Số ít hơn, đa phần là các cửa hiệu của Hoa thương ở khu phố buôn bán được xây bằng gạch, lắp ngói, thiết kế theo chiều dọc. Ở hai bờ sông Tô Lịch, còn có cả một số dựng theo kiểu nhà sàn, cọc đỡ lấn xuống dòng nước.

Có thể thấy các kiến trúc tôn giáo ở Thăng Long - Kẻ Chợ thời Lê - Trịnh chủ yếu là đền chùa, được xây dựng quy mô, công phu hơn các nhà ở dân sự. Có nhiều kiểu kiến trúc chùa, từ hình chữ Đinh, chữ tam, Chữ Công đến nội Công ngoại Quốc (có tường bao). Lê Quý Đôn cho biết ở kinh sư, các đền chùa, cũng như đền Bạch Mã “các nhà đều làm theo hình chữ công, tiền đường, hậu đường đều 3 gian 2 chái”. Thành phần kiến trúc chính của chùa thời này là: cổng tam quan, gác chuông, thiêu hương, sân vườn bảo tháp, hành lang, tăng đường, chính điện. Còn có một số các chùa Tam giáo, tiền Phật hậu Thần hoặc tiền Phật hậu Mẫu. Trong đó, chùa Ngọc Hồ (nay ở phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa) thờ cả tượng Phật, tượng vua Lê Thánh Tông và Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Thời Lê - Trịnh, nhiều đền, chùa, quán đã được trùng tu hoặc xây dựng mới ở Thăng Long. Có một ngôi chùa nổi tiếng, người đương thời ghi nhận là “cảnh đẹp lộng lẫy” đó là chùa Tiên Tích, được dụng theo cảm hứng từ chuyện Tú Uyên – Giáng Kiều ở phường Bích Câu, người khởi xướng là Nguyễn Gia Thiều, cháu ngoại chúa Trịnh Cương, tác giả Cung oán ngâm khúc. Theo Tang thương ngẫu lục, chùa Tiên Tích rộng lớn, nóc chồng, cửa kép, xây dựng mấy năm mới xong. Chùa ngày nay không còn nhưng địa điểm xây dựng trước kia của ngôi chùa là gần ga Hà Nội (ga Hàng Cỏ) hiện nay.

Đặc biệt, một ngôi chùa nổi tiếng và khá độc đáo được xây dựng ở Thăng Long thời Lê - Trịnh là chùa Liên Tông (nay là chùa Liên Phái, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng). Người xây dựng chùa là Trịnh Thập (còn gọi là Trịnh Hợp), cháu ruột chúa Trịnh Cương, phò mã lấy công chúa thứ tư của Lê Hy Tông, có phủ đệ ở phường Hồng Mai. Nhân đào được một ngó sen lớn, Trịnh Thập cho là mình có duyên với Phật, bèn gọt tóc đi tu, biến phủ đệ thành chùa. Ngay cổng vào chùa có ngọn tháp Diệu Quang hình lục lăng, cao 10 tầng. Sau nhà bái đường và tam bảo là khu cao nhất của gò có xây tháp Cứu Sinh bằng đá, trong có táng tro xương kết thành xá lỵ của Trịnh Thập, khi vị thượng sĩ này mất năm 1733, lúc mới tròn 37 tuổi, được truy tôn làm đệ nhất tổ của dòng Liên Tông, từ đó chùa mang tên Liên Tông. Tới năm 1840, chùa đổi tên thành Liên Phái.


Lê Nguyễn

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)