Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 09/10/2015 10:56
Cơ sở của việc hình thành các phố, phường nghề Thăng Long thời Lý

Thăng Long thời Lý đã phát triển thành một đô thị lớn. Nếu như bên trong thành là trung tâm chính trị của đất nước thì bên ngoài là khu vực cư trú và làm ăn của cư dân bao gồm hệ thống chợ - bến, phố - phường tấp nập. Những điều kiện thuận lợi về giao thương với sự hình thành các bến, chợ là điều kiện, tiền để để hình thành nên những khu phố, phường nghề đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội. Điều này đã tạo nên những nét đặc trưng rất riêng của kinh thành Thăng Thong Long đó là một kết cấu “trong thành ngoài thị” và một thủ đô “trăm nghề”, một Kẻ Chợ tấp nập dưới thời Lý nói riêng, thời phong kiến nói chung.

 
Từ năm 1010, sau khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long đã quy hoạch, thiết kế, xây dựng ở đây nhiều công trình lớn quan trọng xứng đáng là trung tâm chính trị của cả nước, đồng thời cho xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ nhu cầu của hoàng gia, của quan lại cho đến các tăng lữ, trí thức, binh sĩ… Do có vị trí giao thương thuận lợi cùng với nhu cầu thực tế đời sống của các tầng lớp quan lại và nhân dân nên nhiều thương nhân và thợ thủ công từ các nơi tụ tập về Thăng Long sinh sống, làm ăn. Các chợ bến, phố phường nhanh chóng mọc lên và phát triển. Nó giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động công thương nghiệp của Thăng Long. Một số bến sông tiêu biểu như bến Giang Khẩu (phía trên phường Hàng Buồm ngày nay), bến Triều Đông hay Đông Bộ Đầu… Đây cũng chính là cơ sở cho việc hình thành các chợ ngay trên các bến sông để thuận tiện cho việc trao đổi mua bán. Tại các khu vực của Long thành và thành Đại La cũng có nhiều chợ là do cửa thành là nơi mọi người ra vào trong thành do đó hàng hoá được mang đến đây để người trong và ngoài thành mua bán, trao đổi. Thời kỳ này hai chợ lớn nhất kinh thành là chợ cửa Đông và chợ Cửa Tây. Sự hình thành các bến sông, các chợ là tiền đề cho sự hình thành các phố phường của Hà Nội. Cũng chính từ đây nhiều phố phường được hình thành mà trung tâm là phường Giang Khẩu, chợ Đông, bến cảng Triều Đông.
 
Phường là khu vực cư trú của cư dân làm nghề thủ công, những cửa hàng buôn bán. Những phường nghề được hình thành cư dân ở các vùng lân cận kinh thành về đây sinh sống, làm ăn, dần dần họ tập trung thành các nhóm, rồi thành các phường. Mỗi phường có thể làm chung một nghề, bán chung một mặt hàng, từ đó họ có chung một tổ nghề… Từ đây về sau, nhiều phố phường mọc lên với những tên khác nhau mà đặc trưng của nó là các mặt hàng, các nghề thủ công mà những người thợ thủ công ở đây đã mang đến từ nhiều nơi. Có lẽ vì thế mà Thăng Long xưa còn có tên là Kẻ Chợ với câu tục ngữ đã ăn sâu vào mảnh đất ngàn năm này đó là “Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”. Điều này đã tạo nên nét riêng của phố phường Hà Nội đó là sự hình thành các phố, phường nghề thủ công, làm nên một diện mạo kinh thành rất “đặc biệt” về sau. Đó chính là Hà Nội với “ba mươi sáu phố phường”. Đặc trưng này đã đi vào ca dao Thăng Long – Hà Nội:

Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà…
 
Một số phường hình thành thời kỳ này như: phường Giang Khẩu, Đường Nhân, Hạc Kiều, Kim Cổ, Khúc Phố, Ông Mạc, Bố Cái, Tây Nhai, Thịnh Quang, Xã Đàn, Vĩnh Hưng, Giang Tân, Yên Hoa… trong đó phường Hàng Khẩu và chợ Đông được coi là lâu đời và nổi tiếng nhất ở kinh thành Thăng Long. Tại khu trung tâm buôn bán phía Đông, bên cạnh hoạt động buôn bán của cư dân bản xứ đã có sự tham gia buôn bán của một số ngoại kiều mà chủ yếu là người Hoa. Trong đó phường Đường Nhân là nơi tập trung đông người Hoa sinh sống và làm ăn. Phường Đường Nhân sau đổi thành phường Diên Hưng (khu vực phố Hàng Ngang ngày nay)…
 
Như vậy, vào thời Lý, sau khi định đô ở Thăng Long, cùng với việc ban hành hàng loạt chính sách xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, các vị vua nhà Lý đã quan tâm đến việc quy hoạch và xây dựng kinh thành Thăng Long xứng đáng là trung tâm chính trị lớn nhất của đất nước. Cùng với khu vực hoàng thành, khu vực thị của kinh thành cũng đã được quan tâm, khuyến khích phát triển tạo nên một đô thị - thương cảng bên bờ sông Nhị, sông Tô, từ đó hình thành nên những phố, phường nghề thủ công trở thành đặc trưng của kinh thành Thăng Long, tạo nên khu đô thị sầm uất, tấp nập. Đây cũng chính là một trong những điều kiện tạo nên tính chất “hội tụ và lan toả” của văn hoá Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
Minh Vũ

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)