Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 09/10/2015 11:25
Đời sống vật chất của cư dân Thăng Long xưa

Kể từ ngày Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về định đô tại Thăng Long đã cả ngàn năm, thương hải tang điền đã đắp đổi không ngừng qua biến động của lòng người và lịch sử. Thăng Long xưa, Hà Nội nay cũng đã nhiều đổi khác, duy có hồn cốt văn hóa là vẫn đậm nét nơi tâm trí và quấn quyện trong đời sống thường ngày người Kẻ Chợ. Và ở đó không thể không nhắc tới một đời sống vật chất vừa điển hình cho nếp sống người Việt, vừa mang đặc trưng riêng của mảnh đất “thượng đô cho muôn đời” thể hiện rất rõ trong những thế kỷ XVI, XVII.

 
Người Hà Nội vốn nổi tiếng sành ăn, sành mặc bởi đất Hà Nội là nơi chắt lọc những tinh hoa, nét đẹp của mọi miền để tạo nên nét đẹp cho riêng mình. Nếp sống của Thăng Long - Hà Nội một mặt phản ánh những nét văn hóa chung của xã hội nông nghiệp lúa nước Việt Nam truyền thống mang đặc tính thanh đạm, giản dị, mặt khác lại mang đặc trưng của con người đô thành Kẻ Chợ với điểm nổi bật của sự tinh tế, lịch duyệt, cầu kỳ, hướng tới một cuộc sống tiện nghi, sang trọng, xa xỉ mang tính thụ hưởng cao.
 
Trong ẩm thực, người Thăng Long tỏ ra kỹ tính và sành điệu, các món ăn thường được kén chọn từ những sản vật tươi ngon, cách chế biến cầu kỳ, kiểu cách, cung cách ăn uống lịch sự, bặt thiệp. Các gia đình khá giả thường dùng mâm gỗ sơn son thếp vàng, bát chén đồ sứ Giang Tây, đũa đầu bịt bạc. Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa, mọi người trong mâm cơm thường mời chào, tiếp gắp đồ ăn theo thứ tự tuổi tác. Cũng giống như các gia đình Việt Nam truyền thống, thành phần bữa ăn của người Kẻ Chợ chủ yếu gồm cá và cơm với những đặc sản nổi danh đã đi vào ca dao, dân ca Thăng Long – Hà Nội như cá chép hồ Tây, cá rô Đầm Sét. Trong bữa cơm của người Thăng Long cũng không thể thiếu rau và các loại mắm (các loại mắm có bã và nước mắm) và cho đến nay đã trở thành truyền thống, nét đặc trưng. Tuy ít ăn thịt song tại các chợ đô thành đây vẫn là thực phẩm phổ biến thứ hai sau cá, là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon như giò, thịt bò tái… Bên cạnh những món ăn có tính phổ thông, mâm cơm thường ngày của người Hà Nội cũng có thể có thịt ếch, thịt trâu, thịt chó, châu chấu, nhộng tằm. Sự tài hoa, cầu kỳ của người Kình kỳ trong ẩm thực thường được thể hiện một cách rõ nét chính là ở các bữa tiệc cỗ với những món ăn quý hiếm, đắt tiền như canh thịt nấu tổ yến, “thức ăn thừa mứa, thịt thà và bánh trái” (Bouinais - Paulus) bởi đây là dịp người Hà Nội khoe sự giàu sang, đẳng cấp hơn người của mình. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì sự học đòi thái quá mà khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất sau những bữa cỗ tiệc linh đình như thế.
 
Ngoài đồ ăn, bữa cơm của người Hà Nội xưa thường có nước hoặc chè, rất ít khi uống rượu. Tuy nhiên, với những gia đình khá giả thì việc chọn rượu, trà khá kỹ tính, công phu. Những loại rượu được ưa chuộng lúc bấy giờ là “rượu Kẻ Mơ, cờ Mộ Trạch”, rượu làng Thụy, làng Vòng, rượu ngâm rắn… Còn chè thì phổ biến trong mọi tầng lớp dân cư. Người bình dân thường uống trà, gia đình khá giả thì chọn các loại trà được nhập từ Trung Hoa như Mạn Hảo, Chính Sơn nhưng sự lựa chọn này chủ yếu do “thời thượng” hơn là vì hương vị. Thậm chí những người uống trà sành điệu còn cẩn trọng trong cả chọn nước pha, siêu ấm, hỏa lò, cách đun, pha hãm, bộ đồ trà ấm chén chuyên dùng… nâng việc uống trà lên một loại hình nghệ thuật, một triết lý sống.
 
Ngoài các bữa cơm chính, người Thăng Long - Hà Nội, nhất là giới nữ, thường thích ăn quà, trong đó có nhiều loại quà đặc sản như cốm Vòng, “bánh cuốn Thanh Trì”, chè Quán Tiên, bánh phục linh Hàng Đường… Nhiều món quà Hà Nội đã đi vào ca dao và mang sức sống truyền đời như:
 
Gắng công kén hộ cốm Vòng
Kén hồng Bạch Hạc cho lòng em vui
 
Hay:
 
Bún ngon, bún mát Tứ Kỳ
Pháp Vân cua ốc đồn thì chẳng ngoa.
 
Nét đẹp của Hà Nội còn được thể hiện ngay cả trong tục dùng trầu - một phong tục mà theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương dựng nước. Người dân nơi đây thường nhai trầu luôn miệng, thường xuyên đem trầu cau theo người để ăn hoặc mời khách bất cứ lúc nào. Các gia đình quyền quý thì rất quan tâm đến việc kén chọn các bộ đồ trầu sơn then thếp vàng hoặc khảm xà cừ, thậm chí có gia đình quan lại thửa những bộ tráp đựng trầu đắt giá hình bầu dục, sơn thếp và nạm vàng, trong đựng được 50, 60 miếng trầu. Kèm theo tráp đựng trầu là một ống vôi bằng bạc chạm và một ống nhổ cốt trầu bằng đồng thau. Miếng trầu cũng được têm rất khéo hình cánh phượng thể hiện nét tinh tế, cầu kỳ của người Thăng Long. Không chỉ ăn trầu, người dân đất Kinh kỳ còn có thói quen hút thuốc lào, đặc biệt ở nam giới. Người bình dân và các hàng quán thường sử dụng các loại điếu cày bằng ống nứa, gọn nhẹ và tiện lợi. Với những nhà giàu sang, họ thường dùng điếu bát đắt tiền, cần và bát chạm bạc, làm bằng các loại gốm Bát Tràng cao cấp hoặc sứ Giang Tây đắt tiền.
 
Là một thành tố trong dòng chảy văn hóa của Việt Nam, Thăng Long suốt nhiều thế kỷ vừa bao chứa trong đó những nét chung, vừa giữ vị trí là đại diện tiêu biểu với tập tục sinh hoạt, đời sống vật chất của mỗi con người chốn thượng đô. Từ những chi tiết thường ngày bình dị, người Thăng Long từ xa xưa đã dần dần đưa nét văn hóa thanh lịch, hào hoa cắm rễ đâm cành để đến hôm nay người Hà Nội vẫn có thể tự hào:
 
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
 
 
Đỗ Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)