Phát triển giáo dục đào tạo Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Xây dựng con người là mục tiêu của sự phát triển. Nền giáo dục Việt Nam có truyền thống từ lâu đời dựa trên tư tưởng “Tiên học lễ, hậu học văn”, đó là tư tưởng đề cao những giá trị đạo đức, đề cao việc “dạy người”. Bên cạnh chức năng “dạy người”, giáo dục còn có chức nặng “dạy chữ”. Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu để đào tạo ra những thế hệ trẻ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nhiệt huyết để cống hiến, xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Hiện nay, nền giáo dục - đào tạo của Thủ đô đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Tính đến năm học 2014 - 2015, Hà Nội đã có 2.574 cơ sở giáo dục, 48.788 nhóm lớp, 1.664.195 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 126.472 người (trong đó có 93.801 giáo viên các cấp học). Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Hà Nội cũng đã xóa các điểm “trắng” trường mầm non. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn của các cấp học đều có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm chuyển được 13 trường công lập có điều kiện phát triển sang mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao và tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Về công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục - đào tạo Hà Nội đã có thêm 119 trường đạt Chuẩn quốc gia trong năm 2014, vượt 19 trường so với kế hoạch Thành phố giao. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ trường công lập đạt Chuẩn là 48%.
Hạn chế của ngành Giáo dục - đào tạo Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, là:
- Hà Nội chưa thực sự thực hiện tốt vai trò là trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước; chưa tạo được động lực để thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh thành đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
- Chưa có sự đột phá ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc phát triển và xây dựng mô hình trường học chất lượng cao.
- Chất lượng giáo dục - đào tạo giữa nội thành và ngoại thành, giữa khu vực miền núi, trung du và đồng bằng còn có sự chênh lệch, bất cập.
- Chương trình giáo dục - đào tạo của Hà Nội cơ bản vẫn theo tư duy cũ, chưa gắn với thực tiễn, chưa đáp ứng tính liên thông giữa các cấp học, không đáp ứng nhu cầu của xã hội.
- Tiến độ thực hiện, đầu tư cho mạng lưới các trường học về cơ sở vật chất, trang thiết bị chậm, thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả.
- Các cơ chế chính sách để phát triển giáo dục - đào tạo chưa đồng bộ, chưa tạo được sự bứt phá.
- Công tác quản lý Nhà nước trong giáo dục - đào tạo còn bộc lộ nhiều hạn chế như: dạy thêm, học thêm, kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm,...
- Giáo dục - đào tạo chưa gắn với doanh nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng thực hành.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, ngành Giáo dục - đào tạo Hà Nội phải triển khai tích cực công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, cụ thể là:
Tập trung tham gia hoàn thiện chương trình giảng dạy cấp học, ngành học, môn học có sự chọn lựa, giảm tải, có chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ở đây là phải lấy thực tế khách quan và yêu cầu xã hội làm căn cứ.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để triển khai có hiệu quả quy hoạch mạng lưới giáo dục - đào tạo trên địa bàn: ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới trường học tại các huyện ngoại thành, chú trọng phát triển hệ thống trường học chất lượng cao.
Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục - đào tạo Hà Nội theo yêu cầu của Luật Thủ đô. Phải có chính sách phân phối nguồn lực cho giáo dục hợp lý, tập trung, có trọng điểm. Đề cao vai trò của người quản lý giáo dục, chọn người có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Có những chính sách đãi ngộ để thu hút người giỏi vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong việc dạy thêm và học thêm, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập.
Ưu tiên cho phát triển giáo dục - đào tạo phải được đưa lên mục tiêu hàng đầu, phấn đấu để Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, có thể sánh với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Trần Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội