Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 13/10/2015 11:30
Triều Trần với một số nhà hoạt động đối ngoại tiêu biểu

Năm Nguyên Phong thứ 7 (1258) đã đi vào lịch sử dân tộc với những vần thơ bất hủ, đồng thời khẳng định vị thế, chủ quyền và độc lập của Đại Việt. Đây cũng là nền tảng cho mọi ứng xử ngoại giao của Trần Thái Tông và vương triều nhà Trần trong các hoạt động bang giao. Vang vọng lịch sử về triều Trần còn là hào khí Đông A, còn là 3 lần chiến thắng đại quân Nguyên - Mông... Để viết nên những trang sử oai hùng đó phải kể đến công sức của những anh hùng dân tộc trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cũng là những nhà hoạt động đối ngoại sắc sảo, tài ba, tiêu biểu như Trần Thái Tông, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật....

Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
(Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong)
 
Vua Trần Thái Tông, tên là Trần Cảnh kết hôn với Lý Chiêu Hoàng và được Chiêu Hoàng nhường ngôi vua vào ngày 12/12/1225, mở đầu cho thời kỳ thống trị thiên hạ của dòng họ Trần. Vua Trần Thái Tông có sự nghiệp thành công rực rỡ trên nhiều lĩnh vực trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần. Ông là người mở khoa thi, đặt lễ nghi, định luật lệ, tu sửa Văn Miếu, khi quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đã thân chinh làm tướng cầm quân đánh giặc thắng lợi.
 
Đối sách ngoại giao của vua Trần Thái Tông dứt khoát và mạnh mẽ với các nước lân bang đặc biệt là phương Bắc. Vào khoảng thời gian này, quân Mông - Nguyên đã đánh thắng nhà Tống để thống trị Trung Quốc và âm mưu thôn tính Đại Việt không khi nào dứt, vua Mông Cổ có ý bắt nước Đại Việt phải thần phục nên một mặt vừa bắt vua Trần Thái Tông sang chầu ở Bắc Kinh, mặt khác lại sai sứ sang đòi lệ cống. Trước yêu sách này, vua Trần Thái Tông đã không chịu sang chầu, cũng không chịu cống hàng năm và ông cũng là vị vua chưa từng đưa thư trước cầu phong với nhà Nguyên. Với chính sách ngoại giao tự chủ, độc lập, vua Trần Thái Tông đã tỏ cho vua Mông Cổ thấy được bản lĩnh của nước láng giềng tuy nhỏ bé nhưng đã từng thắng quân Nguyên, vua quan triều Trần cùng nhân dân Đại Việt quyết giữ nền độc lập dân tộc.
 
Vua Trần Thái Tông được ghi nhận là vị vua có nhiều công lao trong việc ổn định xã hội sau thời kỳ bất ổn cuối triều Lý, từng bước xây dựng nước Đại Việt đi vào giai đoạn thịnh vượng, đồng thời là nhà hoạt động ngoại giao lỗi lạc.
 
Người luôn tỏ rõ khí phách của một vị tướng tài giỏi khi tiếp sứ nhà Nguyên là Trần Quang Khải. Khi được cử tiếp sứ Sài Xuân nhà Nguyên, Thượng tướng Trần Quang Khải đã tiếp đón hết sức tử tế, chu đáo nhưng vẫn giữ vững tư thế của một nước độc lập. Dưới triều Trần cũng như suốt các triều đại phong kiến, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải được đánh giá và ghi nhận vừa là nhà quân sự tài ba, vừa là nhà chính trị xuất sắc, nhà ngoại giao tài giỏi. Đặc biệt, ông lập công lớn trong trận Chương Dương, giải phóng Thăng Long.
 
Nói đến triều Trần không thể không kể đến Trần Hưng Đạo - Anh hùng, danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Ba lần chống giặc Mông – Nguyên, các vua Trần đều giao cho ông quyền Tiết chế. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), dưới sự chỉ huy của tướng quân Trần Hưng Đạo với trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng lịch sử quân Mông - Nguyên đã hoàn toàn thất bại trong ý đồ xâm lược Đại Việt. Trần Hưng Đạo không chỉ là vị tướng kiệt xuất trên lĩnh vực quân sự, mà còn là nhà ngoại giao sắc sảo, nhà văn hoá xuất sắc. Với bản lĩnh của một vị tướng lĩnh lại am hiểu văn hoá Trung Hoa, Trần Hưng Đạo đã tạo nên cái uy khuất phục kẻ thù. Hơn thế, ông còn là người khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão… các người nổi tiếng khác như Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự.
 
Ngoài những danh tướng văn võ song toàn kể trên, triều Trần còn phải kể đến nhà ngoại giao nổi tiếng, giỏi ngoại ngữ, sành âm nhạc, thông Nho đạo và là nhà văn hoá lớn của Đại Việt đó là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Do hiểu biết về phong tục tập quán của người Man nên ông không tốn một mũi tên hòn đạn vẫn dẹp được các cuộc nổi loạn của người Man. Trần Nhật Duật không chỉ nổi tiếng giỏi ngoại ngữ mà khi giao tiếp với người nước ngoài hoặc tiếp đãi sứ thần nhà Nguyên, kiến thức uyên bác của ông khiến họ phải kính nể.
 
Làm nên một triều đại thịnh trị ngoài những danh nhân văn võ song toàn cùng huyết thống dòng tộc họ Trần còn phải kể đến sự góp sức của những nhân vật ưu tú khác như Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh... Về Đoàn Nhữ Hài, ông là người chưa hề đỗ đạt qua thi cử nhưng tài năng thể hiện trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, nội trị và văn học, được các vua Trần trọng dụng. Trong hoạt động đối ngoại, Đoàn Nhữ Hài là người lần đầu tiên thay đổi được nghi lễ lạy chiếu thư Đại Việt trước, lạy vua nước Chiêm sau. Trong quan hệ của nhà Trần với các nước Chiêm Thành, Ai Lao, Đoàn Nhữ Hài đã đóng góp một phần công sức quan trọng. Còn về Nguyễn Trung Ngạn, ông được đánh giá là người có năng lực trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn hoá. Về ngoại giao, ông được triều đình tin cẩn cử đi sứ nhà Nguyên và tiếp phái đoàn sứ Nguyên sang Đại Việt. Ông cùng Phạm Sư Mạnh từng đi sứ và từng có nhiều công trạng bang giao nổi tiếng cả ở Trung Hoa và Đại Việt.
 
Cùng với triều Lý, triều Trần là một trong hai triều đại phong kiến hưng thịnh nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Qua các sử liệu, triều Lý được ghi nhận có công lớn trong gây dựng, tạo nền móng vững chắc cùng với những thiết chế kinh tế, văn hoá, chính trị xã hội ổn định thì triều Trần có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố thống nhất quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh Đại Việt, nền văn hoá Thăng Long. Để khẳng định vị trí và vai trò của triều Trần trong lịch sử dân tộc, có sự góp sức của những anh hùng dân tộc, danh nhân văn võ song toàn đồng thời cũng là những nhà hoạt động đối ngoại kiệt xuất.
 
Linh Chi
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)