Hoạt động xuất bản có nhiệm vụ bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa tinh thần nhằm nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; vừa khẳng định, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, vừa mở rộng cửa giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc.
Phát triển ngành công nghiệp xuất bản ở Việt Nam vừa trực tiếp vừa gián tiếp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa tác động vào lực lượng sản xuất, vừa thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất. Ở các nước phát triển hiện đại, công nghiệp văn hóa, trong đó công nghiệp xuất bản, đang ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp nhiều nhất vào thu nhập quốc dân, tạo ra nhiều việc làm mới có hàm lượng trí tuệ cao nhất. Ở Việt Nam, đóng góp trực tiếp của ngành xuất bản cho thu nhập quốc dân còn thấp, song tương lai của sự phát triển kinh tế hiện đại đang ngày càng đề cao vai trò quan trọng của công nghiệp xuất bản Việt Nam.
Những năm gần đây, hoạt động xuất bản sách nước ta đã dần từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị và xây dựng nền văn hóa dân tộc tiên tiến. Tính đến ngày 25/12/2014, toàn quốc có 63 nhà xuất bản; Ngành đã xuất bản được hơn 25.000 cuốn sách với trên 361 triệu bản; Tổng doanh thu toàn ngành xuất bản, in, phát hành ước đạt 2.465,4 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của lĩnh vực xuất bản và phát hành ước đạt 22,3 triệu USD, trong đó nhập khẩu là 18,8 triệu USD; xuất khẩu là 3,5 triệu USD.
Tuy vậy cho đến nay quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về xuất bản phẩm. Chất lượng của sách xuất bản và dịch vụ xuất bản chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu công tác tư tưởng. Hoạt động xuất bản còn tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc quản lý nhà nước đối với xuất bản còn nhiều vấn đề bất cập.
Ngành công nghiệp xuất bản hiện đại với cuộc cách mạng công nghệ điện tử, sự ra đời của xuất bản phẩm điện tử và mạng internet kết nối toàn cầu đã mở ra một hướng phát triển mới: Xây dựng ngành công nghiệp xuất bản trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Ngô Duy tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội