Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 14/10/2015 11:13
Sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà trong lịch sử

Đàn ông, đàn bà hai bộ phận tạo nên một thế giới người hoàn chỉnh. Ngay từ những buổi sơ khai của loài người, sự xuất hiện của hai giới này đã ẩn chứa nhiều điều bí ẩn thú vị. Bỏ qua sự tiến hóa về mặt sinh học thì những câu chuyện về sự hình thành hai giới này luôn là sự kỳ diệu của tạo hóa.

 
Theo Kinh thánh, thượng đế đã sáng tạo ra thế giới trong vòng 7 ngày, trong đó có cả loài người, loài người khi đó chỉ có mình Adam. Ban đầu người thấy những điều đó là vô cùng hoàn hảo, Adam là sáng tạo hoàn hảo nhất của chúa, chúa rất yêu quý nên cho ở trong vườn Địa Đàng. Tuy nhiên sau đó chúa nhận ra rằng “Adam đặt tên được các loài súc vật, các loài chim trời, cùng các loại thú đồng, nhưng về phần Adam thì chằng tìm được ai giúp đỡ giống như mình hết, vì vậy tạo ra một người có thể làm bạn và giúp đỡ Adam, đó chính là Eva. Cách mà chúa sáng tạo ra Eva là rất đặc biệt, đó là rút từ cái xương sườn của Adam để tạo nên Eva. Như vậy ngay từ đầu Eva đã là một bộ phận của Adam. Mục đích mà chúa tạo ra Eva đó là để “giúp đỡ Adam”. Bởi vì chúa hiểu hơn ai hết Adam cần một “người nữa giống như mình” ở bên cạnh để giúp đỡ mình. Như vậy ngay từ đầu, Eva đã xuất hiện với tư cách một người giúp đỡ và chia sẻ với Adam. Như vậy ngay từ khi tạo hóa tạo ra người đàn ông và đàn bà thì đồng thời cũng tạo ra cho họ những đặc điểm, vai trò và vị trí khác nhau trong xã hội. Sự khác nhau đó lại có sự thống nhất với nhau, hay nói theo ngôn ngữ biện chứng thì là thống nhất trong khác biệt.
 
Sự khác nhau đầu tiên là khác nhau về mặt sinh học. Đó là sự khác nhau ở bộ phận sinh dục nam và nữ, cùng sự khác nhau về các tuyến hoócmôn ở nam giới và nữ giới. Chính vì vậy, chỉ có đàn ông mới có tinh trùng, ở phụ nữ mới có trứng. Điều này tạo nên một thiên chức cao quý của người phụ nữ mang thai và sinh con. Chính sự khác nhau về sinh học đã quy định sự khác nhau tâm lý, tính cách, suy nghĩ dẫn đến sự khác nhau về vị trí, vai trò của người đàn ông và đàn bà trong gia đình và trong xã hội. Tạo hóa  tạo ra đàn ông với sức mạnh, sự mạnh mẽ, ý chí phi thường, sự mạo hiểm, trí tuệ nhạy bén,… để đàn ông có nhiệm vụ tạo dựng và bảo vệ gia đình và xã hội. Có lẽ vì vậy nên tạo hóa lại tạo ra người đàn bà với sự khéo léo, nhẹ nhàng, nhu mỳ, ôn hòa, nhẫn nhịn và mềm yếu để giao cho họ trọng trách lớn lao là người của gia đình, và quan trọng hơn cả đó là tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ thiên chức làm vợ và làm mẹ. Hai nửa thế giới ấy khác nhau nhưng lại là một thể thống nhất. Đàn ông như một ngôi nhà vững chắc còn đàn bà lại chính là những yếu tố hài hòa, là nội dung của ngôi nhà ấy đồng thời là ngọn lửa giữ cho ngôi nhà ấy luôn ấm áp và tràn đầy ánh sáng. Có lẽ đó cũng là điều mà ông bà ta đã đúc kết: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhà văn vĩ đại Victor Hugo đã nói: “Bên cạnh ánh sáng của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của người phụ nữ”.
 
Tuy nhiên vai trò và vị trí của hai  nửa thế giới này có sự thay đổi theo chiều dài lịch sử và có sự khác nhau tùy theo thể chế, văn hóa và hệ tư tưởng mỗi thời kỳ, mỗi quốc  gia, dân tộc.
 
Ví dụ như thời kỳ  nguyên thủy thì đàn ông chủ yếu làm nhiệm vụ săn bắt – một công việc hoàn toàn không đơn giản, không phải lúc nào cũng dễ dàng kiếm được sản phẩm và đòi hỏi phải có sức khỏe, sự mạnh mẽ và mạo hiểm; còn đàn bà làm nhiệm vụ hái lượm, chăm sóc gia đình vì vậy mà thời kỳ này vai trò của người phụ nữ được coi trọng, con cái thường mang họ mẹ. Tuy nhiên bước sang thời kỳ phong kiến thì người đàn ông được coi là rường cột của gia đình, họ là lực lượng lao động chính và cũng là đối tượng mà thể chế xã hội hướng tới. Đàn ông được quyền tham gia các hoạt động xã hội, nắm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội và họ có nhiều điều kiện, cơ hội được học hành, thăng tiến. Đàn ông luôn có vai trò lãnh đạo gia đình và xã hội. Ở phương Tây, đối với những nước theo chế độ quân chủ lập hiến, đàn ông mới có quyền tham gia vào các vị trí lãnh đạo tối cao; hay như chức vụ Giáo hoàng trong giáo hội công giáo Roma chỉ dành riêng cho nam giới. Một nước vẫn được gọi là “dân chủ” như Mỹ trong lịch sử 200 năm chưa từng có một nữ tổng thống…
 
Còn ở phương Đông, hệ tư tưởng Nho giáo đã phân biệt rõ vai trò của đàn ông và đàn bà. Đàn ông là rường cột của gia đình, là trụ cột của mọi mối quan hệ. Trong xã hội phương Đông ca ngợi nhiều danh tướng tài giỏi như Tần Thủy Hoàng, Quan Vân Trường, Khổng Minh…; ở việt Nam có Ngô Quyền,  Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Quốc Toản, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi… Họ là những vị tướng tài ba, những con người xuất chúng, những người được giáo dục, được học hành “đến nơi đến chốn”… Còn trong gia đình chồng nói thì vợ phải nghe. Phụ nữ là người “nâng khăn sửa áo cho chồng, chăm lo công việc gia đình. Có những người vợ tần tảo nuôi bố mẹ chồng, nuôi con thay chồng để chồng dùi mài kinh sử, thi lấy công danh. Họ là những “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”; hay “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh trẩy hội nước non Cao Bằng”… Đã có nhiều nhân vật như vợ chàng Trương Viên, Xúy Vân, hay Nguyên phi Ỷ Lan… Đó là những nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến phương Đông.
 
Có thể thấy trong xã hội phong kiến người đàn ông tham gia mọi mối quan hệ xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, vì vậy mà nam giới được coi trọng còn nữ giới lại bị coi thường. Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” thể hiện rõ điều đó. Nghĩa là có một người con trai cũng là có, nhưng có mười người con gái cũng coi như là không. Khổng Tử đã nói rằng “Duy đương nữ tử dữ tiểu nhân nan giáo dã”, nghĩa là “chỉ có đàn bà và tiểu nhân là khó dậy vậy”. Chính vì quan niệm đó mà người phụ nữ luôn luôn là người phải “theo” đàn ông (chữ theo tôi để trong ngoặc kép), nghĩa là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” - Ở nhà theo cha, lớn lên theo chồng, chồng chết theo con trai. Có thể nói Nho giáo có những nguyên tắc khắt khe, trói buộc người phụ nữ vào trong khuôn phép, lễ giáo  bổn phận nữ nhi là phải núp bóng tùng quân. Vì vậy người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải trau dồi đạo đức, để trọn đạo làm con, làm vợ, làm mẹ. Chính vì thế nên ngay từ khi còn nhỏ những người mẹ đã dạy con về bổn phận của mình:
 
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru
Trai thời đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử đợi chờ dịp khoa
Gái thời trông giữ việc nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
 
Chính sự hà khắc của tư tưởng đó mà người phụ nữ truyền thống phương Đông luôn lấy Công – dung – ngôn – hạnh làm cái đức để sửa mình.
 
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
 
Hay:
 
Con ơi mẹ bảo đây này
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười
Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ, liệu bày lo toan
Phòng khi gánh vác việc làng
Tiếng thơm lưu lại rỡ ràng mẹ cha
 
Lẽ dĩ nhiên trong hoàn cảnh như vậy, người phụ nữ là người nội trợ giỏi, là người quản gia tốt để người đàn ông vững bước chốn quan trường, được êm ấm hạnh phúc. Tuy nhiên đó cũng chính là cái sợi dây kìm hãm sự phát triển của người phụ nữ, họ chấp nhận số phận, an phận thủ thường, từ bỏ những ước mơ, hoài bão của mình, họ an phận sống trong lễ giáo, khuôn phép. Và không phải ai cũng mạnh mẽ như nàng tiểu thư Chúc Anh Đài dám giả nam để được đi học, đi thi. Và cũng không nhiều người mạnh mẽ như nữ tướng Triệu Thị Trinh:
 
Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch giặc khỏi bờ cõi để cứu dân ta ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt trước đám người cúi đầu cong lưng làm tì thiếp cho người ta.
 
Có thể thấy, trong xã hội nguyên thủy và xã hội phong kiến, sự khác nhau của đàn ông và đàn bà đã thể hiện rất rõ trong vai trò vị trí của họ trong gia đình và xã hội. Sự khác nhau đó xuất phát từ sự phân công lao động xã hội, hay nguồn gốc sâu xa chính là họ quá coi trọng khác nhau về tâm lý giới tính và sự khác nhau cố hữu về mặt sinh học của từng giới để phân định rạch ròi rằng phụ nữ chỉ có khả năng làm được những việc này mà không thể làm được những việc kia… Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội hiện đại đã đang tiến đến sự bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà trong các công việc gia đình và xã hội.
 
 
Minh Vũ

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)