Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 14/10/2015 11:30
Dũng khí - Một phẩm chất đặc trưng của người Thăng Long trong buổi đầu định đô của nhà Lý

Chiếu dời đô của Thái Tổ Lý Công Uẩn tạo ra một bước ngoặt lớn, mở ra một viễn cảnh lớn cho xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Đó cũng là khúc quanh lớn, triển vọng lớn đối với con người Thăng Long. Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ cũng là một mốc son đánh dấu bước mở đầu cho sự chuyển biến từ ý thức cộng đồng, hệ giá trị cộng đồng sang ý thức cá nhân và hệ giá trị cá nhân. Và từ đây đã hình thành và xuất hiện dũng khí - một phẩm chất ý chí nổi bật trong tự ý thức của nhân cách.

 
Dũng khí đó trước hết thể hiện ở lẽ sống mỗi người, làm cho con người không thể cam chịu hoàn cảnh sống nghèo nàn, tù túng với những làng quê mà phần nhiều là ao tù, nước đọng, vất vả làm lụng quanh năm, nhưng cái ăn cái mặc vẫn túng thiếu. Dũng khí của người Thăng Long và người mới nhập cư trên đất Thăng Long đã giúp họ cương quyết đoạn tuyệt với cuộc sống nghèo nàn, túng đói triền miên từ năm này qua năm khác, dũng cảm hướng tới một sự thay đổi lớn về chất lượng cuộc sống. Sống bằng những nghề nghiệp khác - dù là buôn bán hay làm thủ công nghiệp - nhưng nhất thiết phải khác trước. Dẫu bận bịu hơn, phải lo toan, tính toán nhiều hơn, dẫu phải va chạm với nhiều kiểu loại người khác hơn, nhưng họ không thể sống lối sống nhàn như ở các làng quê yên ả và bình lặng, nhưng cực khổ và đói nghèo… Bù lại, cuộc sống của họ rõ ràng là sung túc hơn, tầm nhìn của họ mở rộng hơn, cái đích mà họ vươn tới có giá trị hơn. Cái tình, cái nghĩa của họ cũng được quan niệm lại một cách mới hơn. Họ là những người tiên phong, mở đầu cho quá trình đô thị hóa của nước nhà.
 
Dũng khí đó đã giúp cho những người vốn sinh ra trên đất Đại La và những người từ những vùng, miền lân cận dám đến định cư tại kinh đô có thể nhận thức lại một cách rõ hơn, sâu hơn về danh phận con người, về địa vị và quyền lực của con người. Những người sinh ra trên đất Đại La và nhập cư đến Thăng Long không muốn mang những chức danh ảo, chỉ dùng tiền để mua chức mà làng bán cho và chỉ cốt làm sao không phải làm những việc điếu đóm, phu phen tạp dịch. Họ không hề cho là vinh dự khi người ta hát: “Bố tao đi võng đi dù/ Bố mày xách điếu lù lù theo sau” mà những người nông dân đương thời mơ ước và coi đó là giá trị to lớn lắm. Dũng khí đó làm cho họ không phải băn khoăn khi mọi người gọi kẻ làm thương nghiệp là “con buôn” và “thương gia” chỉ được xếp ở hạng chót của thang giá trị “sĩ, nông, công, thương”. Ở nhân cách Thăng Long hiển nhiên là đã hình thành một hệ giá trị cá nhân mới, xa lạ với hệ giá trị mang tính cộng đồng của nông dân - một hệ giá trị bên cạnh những mặt tốt, cũng tồn tại không ít những biểu hiện tiêu cực của lẽ sống con người, của đạo đức và ứng xử trong quan hệ giữa người với người. Dẫu chỉ là người dân đô thị bình thường, nhưng hoạt động chủ đạo của người Thăng Long đã góp phần vào công việc sản xuất và lưu thông, mà thiếu nó không thể có sự tồn tại và phát triển của một xã hội nói chung, của một kinh đô nói riêng.
 
Dũng khí của người Thăng Long khi mới thành lập kinh thành còn bộc lộ rõ ở chỗ họ dám gạt tình cảm huyết thống - một đặc điểm của tâm lý dân tộc Việt Nam - sang một bên. Dẫu phải xa cha mẹ, xa anh em, xa họ mạc nhưng họ vẫn nhất quyết ra đi tìm nơi đất lành để phát triển.
 
Dũng khí của người Thăng Long còn thấy rõ qua tình cảm quê hương của họ. Quê hương là nơi chôn rau, cắt rốn của họ, nơi chan chứa tình cảm sâu nặng của những người có cùng quan hệ huyết thống, quan hệ láng giềng, quan hệ làng xóm và thể hiện đặc biệt thắm thiết trong những ngày hội, ngày tết. Với bất cứ người nông dân truyền thống nào thì quê hương bao giờ cũng là một tổ ấm. Thế mà ta cũng thấy họ dám từ dã quê hương để đến những nơi xa lạ thì trước hết họ phải là những con người dũng cảm, không chịu sự chi phối của dư luận làng, khước từ những quan niệm thông thường đã thành nếp nghĩ, nếp cảm của những người nông dân.
 
Dũng khí của người Thăng Long, của người nhập cư và định cư trên đất Thăng Long còn được khẳng định ở chỗ: Họ dám đề cao tính cá nhân trong phân tích, trong suy nghĩ, trong lựa chọn, trong quyết đoán, trong hành động cụ thể của họ. Họ biết tiếp thu cái tốt, cái hay, cái đẹp của tính cộng đồng và dám phủ định, dám từ bỏ, dám phê phán, dám chỉ trích sự cào bằng, sự vùi dập, sự đè nén của tính cộng đồng lạc hậu và bảo thủ từ bao đời đã gây nên cản trở lớn cho sự tự lập, tự chủ, tự cường của cá nhân, cho sự tự khẳng định của con người trong quá trình dấn thân, trong học tập, trong sản xuất, trong kinh doanh vừa phục vụ cho sự phát triển của xã hội và của chính họ.
 
Nhân cách đặc trưng trên là kiểu loại nhân cách mới của con người mới thời bấy giờ. Đó là dũng khí - một trong những phẩm chất cao quý trong quá trình khắc phục những khó khăn và trở ngại để đạt những mục tiêu to lớn hơn gấp bội trong tiến trình phát triển khi thăng, lúc trầm của Thăng Long xa xưa và của Hà Nội ngày nay.
 
 
Ngô Duy tổng hợp

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)