Hệ thống trường công và trường tư trong giáo dục Nho học thời Trần
Kế thừa và tiếp nối những tư tưởng giáo dục Nho học thời Lý, nhà Trần đã nhận thấy vai trò của giáo dục khoa cử Nho học trong việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước, chính vì vậy, sau khi thiết lập vương triều và ổn định đất nước, năm 1232 vua Trần đã cho mở lại khoa thi Thái học sinh để lấy tiến sĩ và định chế cứ 7 năm tổ chức một lần. Sau đó năm 1247 vua đặt ra khảo thí Tam khôi để lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Để có thể tuyển lựa được nhân tài, các vị vua nhà Trần đã bắt đầu chú trọng đến việc xây dựng các hệ thống trường học trong giáo dục Nho học.
Bên cạnh Quốc Tử Giám – trung tâm giáo dục đào tạo tri thức nho học lớn của Thăng Long được thành lập từ thời Lý - vẫn là nơi dành cho các hoàng tử đến học để “chầu chực Kinh diên”, nhà Trần cho lập thêm Quốc Học viện vào năm 1253 hay còn gọi là Quốc Tử viện, rồi xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến giảng Tứ thư, Ngũ kinh. Theo Lê Quý Đôn thì “thượng thư giữ công việc ở Quốc Tử viện”, là nơi con em quan lại và tụng thần vào học. Đối với Quốc Tử Giám và Quốc Tử viện, triều đình rất quan tâm đến việc lựa chọn, tìm người tài giỏi phụ trách việc dạy học. Năm 1272 vua Trần Khâm xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào nơi hầu vua đọc sách. Bên cạnh Quốc Tử Giám và Quốc Tử viện, năm 1281, nhà Trần còn lập nhà học ở phủ Thiên Trường – Nam Định. Đây là trung tâm đào tạo, tuyển lựa nhân tài thứ hai của Đại Việt được thành lập dưới thời Trần. Như vậy đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, ngoài trường quốc học ở kinh đô còn có trường quốc lập ở địa phương.
Ngoài các trường quốc lập được triều đình xây dựng, quan tâm phát triển thì thời kỳ này cũng đã hình thành một số trường tư, trong đó tiêu biểu là trường của Chu Văn An và của Trần Ích Tắc.
Trường của Chu Văn An được thành lập ở làng Huỳnh Cung, cạnh làng Văn, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì) - nơi Chu Văn An làm nhà đọc sách. Trường do Chu Văn An trực tiếp giảng dạy. Tuy trường nhỏ nhưng đã thu nạp hàng ngàn môn sinh. Chu Văn An đã dạy các lứa học trò từ bậc cao nhất cho đến lớp học trò bình thường ở nông thôn. Với vai trò là người thầy, kể cả khi làm Tư nghiệp Quốc Tử giám dạy con em các vua quan, hay khi mở lớp ở Huỳnh Cung thì “học trò gần xa nghe tiếng đều đến học rất đông”, “học trò của ông làm nên khá nhiều, thường có người làm cao trong triều đình”. Về phương pháp dạy học, Chu Văn An có một phong cách đặc biệt hấp dẫn, khiến cho mọi người đều phải kính nể, tôn phục. Tuy nhiên ông cũng rất nghiêm nghị và gương mẫu. Những học trò cũ đã làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát lúc về thăm ông vẫn phải giữ lễ học trò, và có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Sự nghiêm minh này càng khiến ông được học trò kính mến hơn.
Trường tư thứ hai được biết đến đó là trường của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Trần Ích Tắc được coi là thông minh, hiếu học, thông hiểu kinh sử, lục nghệ, văn chương nhất đời, có nhiều tài lẻ. Dù là dòng dõi hoàng gia (con của vua Trần Thái Tông) nhưng ông đã mở trường dạy học khi mới 22 tuổi, trường học ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương, cho học tập, cấp cho ăn mặc đào tạo thành tài. Các học trò được ông đào tạo thành tài khoảng hơn 20 người, trong đó tiêu biểu như Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng…. Như vậy, vượt qua khuôn khổ là con cái hoàng gia, hoàng tộc, trường của Trần Ích Tắc đã hướng tới đông đảo tầng lớp khác, có cả trẻ con 4-5 tuổi, có cả các văn sĩ khắp nơi… Đây cũng là một trong những nét tiến bộ của giáo dục nho học thời Trần.
Ngoài hai trường của Chu Văn An và của Trần Ích Tắc còn có nhiều trường, lớp do các nhà nho, thái học sinh lập nên ở các địa phương. Tuy quy mô nhỏ, chưa được nhiều người biết đến nhưng cũng đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển nền giáo dục Nho học ngày càng phổ rộng.
Có thể nói, dưới triều Trần, giáo dục khoa cử Nho học ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội trong việc đào tạo và tuyển lựa nhân tài. Không chỉ triều đình mà bản thân các quan lại, các cá nhân cũng đã chú trọng đầu tư, phát triển nền giáo dục này. Sự hình thành các trường công, trường tư để giáo dục vào đào tạo nhân tài đã khẳng định được những bước tiến vượt bậc trong tư duy phát triển giáo dục Nho học của nhà Trần, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của giáo dục Nho học trong hệ thống giáo dục khoa cử quốc gia.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội