Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 14/10/2015 12:07
Danh nhân Thăng Long và những giai thoại

Thăng Long - Hà Nội là vùng văn hóa riêng nhưng đồng thời cũng là một trung tâm văn hóa của cả nước. Môi trường văn hóa đất Kinh kỳ do vậy chẳng những là nơi hội tụ mà còn là chốn đào luyện nhân tài đông đảo nhất cả nước. Bởi thế mà phần lớn danh nhân của đất nước, dầu là danh nhân lịch sử hay danh nhân văn hóa, đều trở thành những danh nhân có tầm cỡ quốc gia khi sống và hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội. Truyện kể dân gian, trong đó có truyện kể giai thoại về những danh nhân Thăng Long - Hà Nội do đó vô cùng phong phú và đa dạng, góp phần làm giàu giá trị văn hóa của mảnh đất này.

 
Giai thoại Thăng Long thật xứng đáng chiếm một vị trí riêng trong kho tàng giai thoại Việt Nam và từ đây đã góp phần làm sáng rõ hình ảnh của con người Hà Nội. Đó là câu chuyện về các vị quân vương, các nhà học giả, các vị khoa bảng, các nhà trí thức trải qua các thời đại. Chuyện của họ là chuyện học hành, thi cử, đối đáp ngoại giao, nghiên cứu sáng tác, truyện nào cũng để lại những tấm gương sáng tạo và động lực phấn đấu cho nhiều thế hệ đất Kinh kỳ và người Việt Nam sau này. Tiêu biểu có thể kể đến chùm giai thoại về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên. Với tài đối đáp chữ nghĩa tài giỏi, mẫn tiệp, ông không chỉ được vua quan nhà Nguyên khâm phục, trọng thưởng khác hẳn lệ thường mà thực sự đã làm rạng danh đất nước. Cũng ở thời Trần, một trong những giai thoại nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội được chép trong sách Nam quốc giai sự truyện (Truyện đẹp nước Nam) có nhan đề “Quốc công tắm Thượng tướng” đã thể hiện được tinh thần Đông A. Câu chuyện kể về việc Quốc công Trần Hưng Đạo và Thượng tướng Trần Quang Khải vốn có mối bất hòa, nhân một ngày trời đẹp, Hưng Đạo rủ Quang Khải đi tắm và tự tay kỳ cọ cho Quang Khải. Từ đây, mối hiềm khích được dẹp bỏ, cả hai đều đoàn kết tận lực vì sự vững bền của quốc gia, dân tộc.
 
Trong những giai thoại của đất Hà thành không thể không nhắc tới giai thoại về cuộc đối thoại nên duyên của Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lô trên phường Hàng Chiếu. Hôm ấy, gặp người con gái bán chiếu nhan sắc tuyệt trần, Nguyễn Trãi liền đọc bốn câu thơ:
 
Ả ở đâu bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con?
 
Và Nguyễn Thị Lộ vốn có tài học lại giỏi thơ Nôm bèn ứng đáp:
 
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân thu tuổi mới trăng còn lẻ
Chồng có chưa có, có chi con.
 
Cũng mối tình đẹp này, giai thoại Thăng Long còn lưu lại truyện Ghen mà vẫn tình nói về việc Nguyễn Trãi ghen và nghi ngờ việc bà Nguyễn Thị Lộ sau khi được phong Lễ nghi nữ học sĩ thường lưu lại cung nhiều ngày đã làm một bài thơ ý trách móc. Và bà Thị Lộ cũng làm một bài thơ vừa khéo léo, vừa mềm mỏng để giãi bày lòng mình. Đọc xong bài thơ, thấu hiểu lòng người thiếp yêu, từ đó Nguyễn Trãi không còn ghen tuông gì nữa.
 
Cũng vào thời Lê, truyện kể dân gian của Thăng Long - Hà Nội tương đối phong phú và có chùm giai thoại lý thú về vua Lê Thánh Tông, ông vua có nhiều giai thoại nhất trong các vua chúa nước Việt. Ngay từ thuở niên thiếu cho đến khi đã ở ngôi vua, Lê Thánh Tông hầu như luôn luôn được dân gian truyền tụng khá nhiều giai thoại và điều này cũng phản ánh tình cảm quý mến của dân chúng cũng như tính cách ham học, giỏi làm thơ Nôm, gần dân yêu nước của vị vua này. Tiêu biểu như giai thoại “Hồn bướm mơ tiên”, kể về chuyện gặp gỡ của nhà vua và tiên nữ mà đến nay dấu tích vẫn còn lưu ở Cửa Nam, Hà Nội hay giai thoại nhà vua nhân dịp ngày tết đi vi hành chốn dân gian và viết câu đối tặng nhà hàng nước, nhà thợ nhuộm, người hót phân…
 
Là nhà bác học lớn thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn cũng được dân gian lưu truyền lại nhiều giai thoại lý thú thời kỳ ông làm quan ở Thăng Long dưới triều Lê - Trịnh. Có buổi chầu đông đủ các quan trong triều, trong giờ nghỉ giải lao, ông đã “Mượn chuyện cổ chửi hoạn quan” làm các quan ai cũng cười thầm, riêng đám hoạn quan thì bị chạm nọc, mặt ai cũng đỏ dừ.
 
Cũng từ giai thoại dân gian ta có thể hiểu thêm về đời sống văn hóa cung đình của Thăng Long xưa. Như cuộc xướng họa giữa Trịnh Sâm với Nguyễn Khản, anh trai Nguyễn Dum, ta biết việc Nguyễn Khản được Trịnh Sâm hết sức yêu mến, xem như bạn áo vải thân thiết. Mỗi lần Trịnh Sâm đi chơi đâu thế nào cũng rủ Khản đi cùng. Những hôm chúa ngự chơi hồ Tây, chỉ có bà chùa Chè Đặng Thị Huệ và Khản là được ngồi cùng thuyền, ba người cười cười nói nói chẳng khác gì người một nhà. Có lúc Khản hết chè uống, hỏi xin chúa một lạng, chúa sai người mang cho cả thùng chè ngon… Nên hôm Khản ốm bỏ chầu, chúa không trách phạt mà sau đó còn tặng quà.
 
Nói đến các danh nhân, danh sĩ được phản ánh trong giai thoại Thăng Long – Hà Nội thì nhân vật nào cũng tài năng xuất chúng, giỏi ứng đối, nhưng ứng đối ngang tàng mà xấc xược với cả vua đang trị vì thì trong lịch sử phong kiến Việt Nam dễ chỉ có Cao Bá Quát, từ chuyện dám xấc láo khi đặt vế đối “Nước trong leo leo cá đớp cá” của Minh Mệnh là “Trời nắng chang chang người trói người” đến việc nhạo câu thơ của Tự Đức…
 
Có thể nói, trải qua sự sàng lọc của thời gian, truyện kể giai thoại Thăng Long - Hà Nội càng chứng tỏ được sức sống nội tại của nó, làm giàu hơn cho kho tàng truyện kể Thăng Long - Hà Nội. Và nhìn từ góc độ nào đó, thực chất có thể nói đây chính là những truyện đẹp, truyện hay về danh nhân nước Nam và từ đó cũng tỏ sáng hơn hồn cốt, khí phách của con người chốn Kinh kỳ.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)